Ghé thăm đồi Thi Nhân, viếng mộ Hàn Mặc Tử - người thi sĩ với hồn thơ độc đáo

Men theo những bậc thang đá là hai hàng cau khiến du khách không khỏi liên tưởng đến bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” - tác phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử.

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km, nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, đúng như tên gọi, đồi Thi Nhân mang một vẻ yên ả, đậm chất thơ. Đây cũng là nơi yên nghỉ của Hàn Mặc Tử - người thi sĩ tài hoa với một hồn thơ độc đáo. Ngôi mộ của ông nằm trên một gò cao, lưng dựa vào núi Xuân Vân, mặt quay ra Ghềnh Ráng thơ mộng.

doi-thi-nhan-1709972617.jpg
Đường vào ngôi mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử rợp bóng cây xanh.

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, ông là một nhà thơ tài hoa, cây bút nổi bật của dòng thơ lãng mạn Việt Nam. Hàn Mặc Tử có một chất thơ độc đáo khiến độc giả không khỏi say mê thưởng thức, những tác phẩm của ông còn nguyên giá trị cho đến nay.

Ông mất năm 1940 khi mới 28 tuổi. Trước đó 4 năm ở tuổi 24 khi đang mang trong mình nhiều hoài bão của tuổi trẻ và mối tình đẹp với người con gái Phan Thiết có tên là Mộng Cầm, ông không may mắc bệnh phong, một trong "tứ chứng nan y" lúc bấy giờ. 

doi-thi-nhan-2-1709972617.jpg
Để vào viếng thăm mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, du khách sẽ đi qua con dốc Mộng Cầm. Dốc Mộng Cầm được đặt theo tên của người con gái Phan Thiết, một trong những bóng hồng trong cuộc đời của nhà thơ.

Trong suốt quá trình sáng tác, từ năm 16 tuổi cho đến khi mất, Hàn Mặc Tử với một hồn thơ độc đáo ông đã để lại gia tài đồ sộ là những áng thơ quý giá và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Ông và nhà thơ Quách Tấn, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Yến Lan hợp thành nhóm “Bàn thành tứ hữu”, nhóm 4 nhà thơ nổi tiếng của Bình Định lúc bấy giờ.

doi-thi-nhan-3-1709972617.jpg
Đường vào mộ, men theo những bậc thang đá là hai hàng cau, khiến du khách không khỏi liên tưởng đến bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Theo nhiều tài liệu, trước khi mất Hàn Mặc Tử có di nguyện sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại đèo Son, nơi tựa núi, nhìn biển (nằm ở đầu thành phố Quy Nhơn). Đến năm 1959, gia đình ông và nhà thơ Quách Tấn đã cải táng, lập một ngôi mộ cho ông ở Ghềnh Ráng - nơi như mong muốn của nhà thơ là tựa núi, nhìn biển.

doi-thi-nhan-5-1709972617.jpg
Ghé thăm đồi Thi Nhân du khách có dịp lắng nghe, hiểu thêm những câu chuyện về cuộc đời Hàn Mặc Tử, một thi sĩ với hồn thơ độc đáo trong phong trào Thơ Mới lúc bấy giờ.

Để đến ngôi mộ của người thi sĩ tài hoa, du khách cần đi qua con dốc Mộng Cầm. Dốc Mộng Cầm được lấy theo tên bà Mộng Cầm, một bóng hồng trong cuộc đời của Hàn Mặc Tử. Men theo những bậc thang đá là hai hàng cau khiến du khách không khỏi liên tưởng đến bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Ngôi mộ của ông được ốp đá, xung quanh là những tán cây mát rượi. 

doi-thi-nhan-6-1709972671.jpg
Ngôi mộ của người thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử, một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam.

Ghé thăm đồi Thi Nhân du khách có thể đến một số địa điểm tham quan ngay gần đó để thưởng ngoạn như:

Bãi tắm Hoàng Hậu hay còn gọi là Bãi Đá Trứng gắn với câu chuyện về Nam Phương Hoàng Hậu. Theo lời tựa trên một tấm bia chỉ dẫn tại địa điểm này: “Tương truyền rằng, trong những lần theo vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh Miền Trung, Nam Phương Hoàng Hậu - vị Hoàng Hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam đã chọn nơi đây là bãi tắm cho mình và Bãi tắm Hoàng Hậu có tên gọi bắt nguồn từ đấy. Bãi tắm với vô số hòn đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ nằm xếp chồng lên nhau nên còn được gọi là Bãi Đá Trứng".

Bãi Tiên Sa nơi có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được mệnh danh là phiên bản thu nhỏ của vùng biển Nha Trang.

Nhà thờ Ghềnh Ráng với lối kiến trúc vô cùng độc đáo sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu và tận hưởng bầu không khí trong lành.

Bài và ảnh: Nhật Tân