Đường về Bảo Hà: Ngôi đền thiêng thờ “thần vệ quốc”, nhà quân sự và ngoại giao tài ba

Ẩn mình giữa điệp trùng núi non, đền Bảo Hà hay còn được nhân dân gọi với cái tên đền Quan hoàng Bẩy khói hương nghi ngút quanh năm.

Nằm trong “Quần thể di tích Thần vệ quốc Quan Hoàng Bẩy”, đền Bảo Hà thuộc xã Bảo Hà, tỉnh Lào Cai từ lâu được biết đến là Di tích Lịch sử - Văn hóa nổi tiếng trong nước.

bh11-1647940834371-1647940834775851336414-1722747439.jpg
Toàn cảnh đền Bảo Hà. Ảnh: Bộ VHTTDL.

Vị Quan Hoàng lưu truyền kim cổ

Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa đền Bảo Hà được nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997. Nơi đây lưu truyền sự tích về một vị Thánh Hoàng có công đánh giặc giữ nước, trấn an biên thùy, vỗ về dân chúng. Đặc biệt, ông còn có tài ngoại giao khôn khéo khi sống biết chung đồng thời hiểu văn hóa của người dân tộc miền núi.

Đền Bảo Hà cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng ước chừng 60km, càng đến gần đền, cảnh sinh hoạt trù phú, tấp nập lại càng hiện ra rõ nét. Người dân ở đây luôn tỏ tấm lòng thành kính với vị Thánh có công giữ yên bờ cõi, bảo hộ muôn dân.

ong-7-dong-a-danh-hoa-1722747561.jpg
Tranh Hoàng Bẩy, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ.

Tương truyền Quan Hoàng Bẩy – húy danh Nguyễn Hoàng Bẩy là một vị tướng tài ba, được triều đình cử đi dẹp loạn biên thùy, bảo vệ các cửa ải trọng yếu ở phía Bắc nước ta.

Theo sử liệu (lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên giai đoạn 1930 – 1954), vùng Bảo Hà xưa có vị trí quan trọng trong phòng thủ biên giới. Nơi đây từ thời nhà Trần đã đặt hai cửa ải là Bảo Thắng và Bảo Hà. Bảo Hà với trọng trách là hậu cứ, có đài hỏa liệu (dùng để báo tin) qua đó làm căn cứ liên lạc cho các vùng xung quanh.

Trong niên hiệu Cảnh Hưng thời Lê (1740 – 1786), giặc phương Bắc hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Trước cảnh đau thương ấy, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách đi đánh dẹp. Quân do Hoàng Bẩy chỉ huy  tiến dọc sông Hồng, đánh tan giặc cướp, giải phóng Châu Văn Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ địa kiên cố. Ngay tại nơi đây, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy vừa chiêu dân tứ tán vừa họp bàn cùng các tù trưởng, thổ ty tiếp tục bàn mưu diệt giặc. Châu Quy Hóa sau đó dưới sự lãnh đạo của ông cũng nhanh chóng giải phóng.

6bbc5679b3d5168b4fc4-1722747619.jpg
Cung thờ Quan Hoàng Bẩy - đền Bảo Hà. Ảnh: Duy Anh.

Bằng mưu lược và tài ngoại giao khôn khéo, Nguyễn Hoàng Bẩy được nhân dân trong vùng sùng kính, các tù trưởng và thổ ty cũng công nhận tài năng của ông. Sau này, quân giặc Tả Tủ Vàng Pẹt quấy nhiễu, ông một lần nữa chỉ huy cuộc chiến chống giặc, giữ yên bờ cõi và bảo vệ nhân dân. Trong một trận chiến, ông đã anh dũng hi sinh. Người dân truyền rằng khi ông thác hóa, một dải mây vàng hình ngựa xuất hiện rực rỡ trên bầu trời. Từ đó nhân dân suy tôn ông làm Thần vệ quốc, hương khói không thôi để tưởng nhớ ông.

Ghi nhớ công lao của tướng Nguyễn Hoàng Bẩy, các vua triều Nguyễn sau này như Minh Mạng, Thiệu Trị đã ban sắc, tặng phong danh hiệu “Trấn an hiển liệt”, cấp phong đền Bảo Hà là đền “Thần vệ quốc”. Nguyễn Hoàng Bẩy đi vào cõi tâm linh huyền ảo, trở thành vị thần bất tử, tiếp tục vỗ về người dân, đền Bảo Hà vì thế cũng trở thành địa điểm tâm linh để muôn người ký thác nguyện vọng.

Ngoài nổi danh là vị tướng quân tài ba, Quan Hoàng Bẩy còn được người dân tộc miền núi như Dao, Mường, Mán, Tày rất mực suy tôn. Trong quá trình sinh sống với người dân bản xứ, ông đã góp phần giao lưu 2 nền văn hóa miền xuôi với miền thượng.

Ông cùng tù trưởng hút thuốc, cùng nhân dân uống rượu cần và lao động, làm nương rẫy những khi an nhàn.

Đền Bảo Hà và giá trị truyền thống đến từ lễ hội

Ẩn mình giữa điệp trùng núi non, hướng ra dòng sông Hồng trù phú, cảnh đền Bảo Hà trong sương khói làm nao lòng mọi du khách đến thăm nơi đây.

Đền giữ nguyên trạng cấu trúc nguyên thủy kể từ khi được xây dựng, vừa uy nghiêm, sừng sững nhưng vẫn tạo cho người ta cảm giác gần gũi.Các công trình như cổng tam quan, sân đền, phủ Chúa Sơn Trang, cung cấm, cung vua cha, cung Quan Hoàng đều rực rỡ, mang màu sắc tâm linh đậm nét.

Đền Bảo Hà tổ chức chính hội, tưởng nhớ công lao của tướng Nguyễn Hoàng Bẩy vào dịp 17/7 hàng năm.

bao-ha-4-1722747709.jpg
Lễ hội đền Bảo Hà. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường.

Theo Ban Quản lý di tích đền Bảo Hà cho biết, nhiều năm qua, đền là điểm đến thu hút du khách thập phương đông nhất của huyện Bảo Yên. Dịp lễ, Tết, mỗi ngày đền đón hàng chục nghìn lượt khách đến tế lễ, tham quan.

"Vào ngày 17/7 âm lịch hàng năm, Ban Quản lý Khu di tích và chính quyền địa phương cùng nhân dân lại long trọng tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Hoàng Bẩy, sau đó là khai hội. Việc cúng lễ để tưởng nhớ công ơn của “Thần vệ quốc Hoàng Bẩy” đã được duy trì từ lâu, cho đến nay mọi hoạt động nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng tại đền vẫn được duy trì, bảo tồn nguyên vẹn vốn truyền thống".

Năm 2024, đền Bảo Hà báo cáo đón 1 triệu lượt du khách, nộp ngân sách tiền công đức 70 tỷ đồng (thu năm 2023).

185f3879ad3e0960502f-1722917030.jpg
Việc cúng lễ để tưởng nhớ công ơn của “Thần vệ quốc Hoàng Bẩy” đã được duy trì từ lâu.
c9380419915e35006c4f-1722917037.jpg
Cho đến nay mọi hoạt động nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng tại đền vẫn được duy trì, bảo tồn nguyên vẹn vốn truyền thống.

Cấm cung đền Bảo Hà và hầu giá Quan Hoàng Bẩy

Không như nhiều người lầm tưởng, cấm cung đền Bảo Hà thờ chính Sa Lai thánh mẫu, một vị thánh mẫu hiển linh từ thời Hùng vương. Bên cạnh tòa Sa Lai là cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu thường thấy.

Ngoài ra, đền Bảo Hà không chỉ thờ riêng Quan Hoàng Bẩy mà còn phụng thờ Quan Hoàng Đôi (người có công cùng Hoàng Bẩy dẹp giặc).

ad0b154d-27ca-4a3a-a21c-d4af566b00d9-1722747439.png
Đền phụng thờ Quan Hoàng Đôi. Ảnh: Chốn Thiêng.

Quan Hoàng Bẩy là một trong ba vị Thánh Hoàng thường xuyên giáng đồng, tất cả các Thanh đồng hầu bóng đều kiều thỉnh Quan Hoàng về chứng giám.

Quan Hoàng về đồng diện sắc phục không “đụng hàng” là màu tím tía, thêu ổ rồng, hổ phù hoặc chữ “thọ”, Quan Hoàng không đeo mạng chéo nhưng có thêm ngọc bội trước ngực. Trước kia, khi điều kiện khó khăn thiếu thốn, người hầu bóng có khi hầu giá Hoàng diện màu đỏ tươi.

Hoàng Bẩy ngự đồng khai quang, chứng sớ điệp, ngựa mã, ban khen, phán truyền dạy bảo người người làm điều thiện. Đặc biệt trong giá hầu Quan Hoàng Bẩy người ta còn dâng chúc trà thơm tới ngài, nhằm ngụ ý cho thỏa hết cái niềm phong lưu, tuấn tú của một vị Thánh tài ba.

Uy Danh