Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc nhận định, Việt Nam hội nhập du lịch ASEAN là một quá trình lâu dài và liên tục trong 27 năm qua. Các hoạt động phát triển du lịch của Việt Nam đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ASEAN. Việc hội nhập toàn diện, sâu rộng với ASEAN cũng là cách để Việt Nam tham gia hội nhập toàn cầu ngày càng mạnh mẽ hơn.
Với mục tiêu đưa ASEAN trở thành điểm đến chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch ASEAN so với các khu vực khác, thời gian qua, các nước ASEAN đã tập trung xây dựng các bộ tiêu chuẩn du lịch chung theo 2 nhóm, bao gồm các tiêu chuẩn về tay nghề nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của lao động du lịch và các tiêu chuẩn liên quan, bổ trợ cho việc nâng cao chất lượng của sản phẩm, điểm đến. Đây là cách tiếp cận rất tốt để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của ASEAN nói chung thông qua những nỗ lực tập thể, giảm thiểu chi phí cho từng nước thành viên. Đối với Việt Nam, bên cạnh việc tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn nghề cho người lao động cũng như tiêu chuẩn dịch vụ du lịch, ngành Du lịch đã và đang từng bước áp dụng các tiêu chuẩn này để nâng cao chất lượng và hài hòa với mặt bằng chung trong khu vực ASEAN.
Hàng năm, căn cứ các Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN, Việt Nam đều lựa chọn, đề cử các tổ chức, đơn vị kinh doanh, điểm đến, doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc để nhận các Giải thưởng du lịch ASEAN nhân dịp Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF).
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: TITC
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định mục tiêu của du lịch Việt Nam năm 2025 là “Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững” và mục tiêu năm 2030 là “Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”.
Vì vậy, Hội thảo ngày hôm nay được tổ chức với mục đích để các cơ quan quản lý du lịch địa phương, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, các đơn vị quản lý điểm đến cùng trao đổi kinh nghiệm về cơ chế tài chính bền vững nhằm phổ biến rộng rãi trong toàn ngành. Các giải pháp, đề xuất từ Hội thảo sẽ được phổ biến rộng rãi để các đơn vị trong toàn quốc nghiên cứu ứng dụng, tùy điều kiện, tình hình, bối cảnh của mỗi cơ sở, mỗi địa phương, mỗi khu vực.
Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc hy vọng, với sự tập trung công sức và trí tuệ, những ý kiến trao đổi của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo sẽ là những chất liệu giá trị đối với thực tiễn phát triển du lịch Việt Nam, mang lại hiệu quả cao cho sự nghiệp phát triển ngành, góp phần thực hiện mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng phòng Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) giới thiệu về Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN. Ảnh: TITC
Trình bày đề dẫn “Cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động xúc tiến, đánh giá và chứng nhận Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN”, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Thanh Bình cho biết, các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất xây dựng các bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN để chuẩn hóa dịch vụ du lịch của khu vực, xây dựng ASEAN thành “điểm đến chung có chất lượng”. Đến nay, đã có 08 bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN bao gồm: (1) Khách sạn xanh ASEAN, (2) Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN, (3) Du lịch cộng đồng ASEAN, (4) Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN, (5) Địa điểm tổ chức MICE ASEAN, (6) Thành phố du lịch sạch ASEAN, (7) Nhà vệ sinh công cộng ASEAN, (8) Dịch vụ Spa ASEAN.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TITC
Về khái niệm “Tài chính bền vững”, đây là thuật ngữ dùng để chỉ quá trình xem xét về Môi trường, Xã hội và Quản trị khi đưa ra quyết định đầu tư trong lĩnh vực tài chính, dẫn đến đầu tư dài hạn hơn vào các hoạt động và dự án kinh tế bền vững. Các mối quan tâm về môi trường có thể bao gồm việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, ví dụ như bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa ô nhiễm và nền kinh tế tuần hoàn. Những cân nhắc về mặt xã hội bao gồm các vấn đề bất bình đẳng, tính toàn diện, quan hệ lao động, đầu tư vào con người, kỹ năng và cộng đồng của họ. Như vậy, có thể hiểu “Tài chính bền vững” là nguồn tài chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên môi trường và xã hội nhằm giúp đạt được các mục tiêu bền vững, đặc biệt là về khí hậu và môi trường, có tính đến các khía cạnh xã hội và quản trị.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc trình bày tham luận. Ảnh: TITC
Hội thảo “Cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động xúc tiến, đánh giá và chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN” có sự tham gia của các điểm đến du lịch, các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch như cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tổ chức sự kiện, dịch vụ spa, tour du lịch... nhằm chia sẻ các kinh nghiệm thực hiện cơ chế tài chính bền vững của các bên tham gia trong lĩnh vực du lịch. Các nội dung thảo luận tập trung trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc và đề xuất giải pháp đối với việc tham gia, xây dựng hồ sơ, quy trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ tham dự và chứng nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN. Chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ASEAN nhằm phát triển bền vững, đảm bảo hội nhập khu vực và quốc tế; phù hợp và đáp ứng xu hướng phát triển du lịch hiện đại. Ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến, giải pháp khả thi, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển du lịch bền vững, đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng ASEAN; hỗ trợ, thúc đẩy liên kết du lịch trong nước và quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: TITC
Hội thảo đã lắng nghe tham luận của lãnh đạo UBND Thành phố Quy Nhơn về "Cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động xúc tiến, đánh giá và chứng nhận Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN"; lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế về “Kinh nghiệm hướng dẫn và quy trình lựa chọn các ứng viên tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN tại Thừa Thiên Huế”; tham luận của Ban Quản lý Hoàng Thành Thăng Long, Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm; tham luận của đại diện một số khách sạn. Đồng thời hội thảo cũng trao đổi về các nội dung liên quan đến thực hiện các tiêu chí trong Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN, đăng ký tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN; tuyên truyền, xúc tiến quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường, phát triển du lịch bền vững…
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Lễ trao tặng Giấy khen của Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho các đơn vị thực hiện Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN, bao gồm hạng mục Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN, Khách sạn xanh ASEAN, Địa điểm tổ chức MICE ASEAN.
Các đơn vị đáp ứng Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN nhận Giấy khen của Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Ảnh: TITC