Trong kỷ nguyên kết nối 24/7, kỳ nghỉ “ngắt kết nối” đang trở thành liều thuốc tinh thần được săn đón. Ngày càng nhiều khu nghỉ dưỡng và khách sạn trên thế giới khuyến khích – hoặc yêu cầu – khách cất điện thoại, tắt wifi, rời xa mạng xã hội để thực sự sống chậm.
Tại khu nghỉ dưỡng Eremito (Umbria, Ý), nơi từng là tu viện cổ, du khách như Ophelia Wu được đắm mình trong không gian yên tĩnh với tường đá, nến và phòng ngủ tối giản – hoàn toàn không có tín hiệu, công nghệ hay TV. “Tôi sống ở London, mọi thứ quá bận rộn. Ở đây, tôi được nghỉ ngơi thật sự,” cô chia sẻ.
Không riêng Eremito, nhiều địa điểm khác cũng đang theo đuổi xu hướng “du lịch ngoại tuyến”. Báo cáo Xu hướng Hilton 2025 ghi nhận 27% du khách có ý định hạn chế mạng xã hội trong kỳ nghỉ. Trên nền tảng Plum Guide, lượt tìm kiếm chỗ nghỉ không có kết nối mạng tăng 17%. Tại Mexico, Grand Velas Resorts cung cấp “dịch vụ hỗ trợ cai nghiện” giúp khách giao nộp thiết bị ngay khi đến.

Không dễ để ngắt kết nối trong thế giới đầy thông báo và phản xạ số. Một nghiên cứu năm 2019 về du lịch không điện thoại cho thấy nhiều người cảm thấy lo lắng và thất vọng trong 24 giờ đầu tiên. Nhưng cảm xúc tích cực – như phấn khởi và nhẹ nhõm – chỉ đến khi công nghệ thật sự bị loại bỏ khỏi tầm tay.
Ở vùng nông thôn Ireland, Rosanna Irwin – từng có ba ngày sống không Internet ở đảo Samso (Đan Mạch) – đã biến trải nghiệm đó thành mô hình nghỉ dưỡng. Cô từ bỏ công việc, mở chuỗi cabin “chữa lành” hoàn toàn không điện. Không wifi, không TV – chỉ có sách, trò chơi cờ bàn và những bữa cơm nấu từ nguyên liệu thiên nhiên. “Chúng tôi không chỉ giúp khách tạm rời công nghệ, mà còn tạo cơ hội để họ sáng tạo và kết nối với chính mình,” cô nói.
Tại Anh và Tây Ban Nha, Hector Hughes – đồng sáng lập mạng lưới 40 cabin Unplugged – cũng bắt đầu hành trình mới sau khi tham gia một khóa tu Phật giáo ở Himalaya. Cabin của Unplugged có thiết kế tối giản, sử dụng năng lượng mặt trời và đặc biệt là hộp khóa điện thoại buộc khách phải chủ động… tạm biệt chiếc smartphone.
“Mục tiêu của chúng tôi là biến việc tránh xa màn hình trở thành thói quen lành mạnh như việc đánh răng mỗi sáng,” Hughes khẳng định.
Dù ở Ý, Ireland hay Anh, những không gian “ngoại tuyến” này đang ngày càng lan rộng, như một phản ứng tự nhiên của con người với áp lực số hóa. Trong thế giới liên tục sáng đèn, đôi khi, bóng tối – và sự tĩnh lặng – lại là ánh sáng đáng giá nhất cho tâm trí.