Đánh giá và phát huy tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn

Sáng 12/12, báo Pháp Luật TPHCM tổ chức toạ đàm với chủ đề “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”.
12-12-2023-danh-gia-va-phat-huy-tiem-nang-phat-trien-du-thuyen-va-kinh-te-ven-song-sai-gon-b9d31217-details-1702427963.jpeg
Quang cảnh tọa đàm

Tọa đàm là cầu nối để các doanh nghiệp nêu ra những khó khăn vướng mắc, kiến nghị giải pháp về cơ chế chính sách liên quan và để các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cùng bàn luận, phân tích về chiến lược phát triển kinh tế ven sông của TPHCM trong thời gian tới.

Thông tin tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM Bùi Hòa An cho biết, TPHCM có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn có độ dài 80km để kết nối với vùng Đông Nam bộ. Hiện các sở, ban, ngành TP đang nghiên cứu sơ bộ đoạn từ cầu Thủ Thiêm tới Bình Triệu khoảng 4km. Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho hay, có 5 mục tiêu chính khi làm đường ven sông: tạo trục giao thông mới dọc hành lang Bắc Nam thành phố, kết nối giao thông khu vực Quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi với trung tâm thành phố, chia sẻ áp lực giao thông với các trục quốc lộ (QL) 22 - Trường Chinh - CMT8; trục Tỉnh lộ 9 – Hà Huy Giáp Nguyễn Oanh, Trục TL15 - Quang Trung – Nguyễn Kiệm...

Bên cạnh đó, đường ven sông Sài Gòn sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Qua đó, khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển. Đường ven sông Sài Gòn kết nối với các tuyến vành đai 2, vành đai 3 và vành đai 4, tạo nên một trục hướng tâm, cùng với các tuyến QL22, QL13, đường cao tốc TPHCM -- Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành... góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và đầu tư của các công trình, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Đồng thời, kết nối liên vùng, đường ven sông Sài Gòn kết nối các trục ngang liên kết với tỉnh Bình Dương qua cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc,… tạo một hướng kết nối mới, tăng cường liên kết giữa hai địa phương, góp phần giảm tải cho QL13, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An chia sẻ thông tin tại tọa đàmPhó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An chia sẻ thông tin tại tọa đàm

Chia sẻ về mục tiêu phát triển du lịch đường sông của TP để phát triển du lịch, Phó phòng Quy hoạch, phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Hữu Ân cho biết, Sở Du lịch TP đã xây dựng 3 nhóm sản phẩm du lịch chủ lực từ nay đến năm 2023. Cụ thể, nhóm thứ nhất là du lịch đường thủy, du lịch giải trí, hoạt động về đêm, du lịch sự kiện - lễ hội; nhóm thứ hai là nhóm sản phẩm chính tham quan di tích, văn hóa, du lịch MICE, ẩm thực, mua sắm; nhóm ba là sản phẩm bổ trợ, sinh thái, y tế, cộng đồng. Thời gian tới, Sở Du lịch TP sẽ đưa thêm 3 tuyến du lịch mới vào là tuyến ngắn dưới 10km Bạch Đằng đi Thanh Đa kết hợp ẩm thực về đêm. Tuyến tầm trung khai thác tuyến đi Cần Giờ, Vàm Sát, Đầm Dơi, khu Thiềng Liềng, các doanh nghiệp đang khai thác du lịch sinh thái, cộng đồng rất phát triển; Bạch Đằng đi Củ Chi gắn với Bến Đình, địa đạo Củ Chi. Tuyến tầm xa kết nối về Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Campuchia có 5 doanh nghiệp đang khai thác. Đây được đánh giá 1 trong 10 tuyến giao thông đường thủy đặc sắc của thế giới. Sở cũng tổ chức nhiều đoàn tham quan được trải nghiệm bằng du thuyền ca-no để khám phá vẻ đẹp sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng đi về Phú Mỹ, Thanh Đa bằng tàu hạng sang.

Theo kế hoạch của UBND TPHCM, phát triển du lịch đường thủy sẽ gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng chi tiêu, kéo dài lưu trú của du khách. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đường thủy nhằm đảm bảo phát triển các sản phẩm chất lượng, bền vững.

Kết thúc tọa đàm, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TPHCM Nguyễn Thái Bình ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu, khách mời. Trong đó, nội dung phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đã tập trung thảo luận về sự cần thiết phát triển đồng bộ, liên thông của các ngành và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch. Các chuyên gia cũng nhìn nhận sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà TPHCM đang sở hữu và cần có các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế dịch vụ sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Trong đó, việc vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 đối với TPHCM để giải bài toán về kinh phí là rất cần thiết và ý nghĩa... Qua đó, có thể kỳ vọng các sở ngành sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan, doanh nghiệp truyền tải những kiến nghị, vướng mắc đến lãnh đạo thành phố nói riêng và Chính phủ, các bộ ngành nói chung để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đưa ngành du thuyền phát triển và đẩy mạnh kinh tế ven sông Sài Gòn tương xứng với tiềm năng.