Ba tỉnh Bắc Trung Bộ bắt tay phát triển du lịch xanh liên vùng

Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An phối hợp phát triển tour du lịch xanh liên tỉnh, khai thác cảnh quan – di sản, ứng dụng số hóa để gia tăng trải nghiệm du khách.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và định vị thương hiệu du lịch đặc trưng, ba địa phương Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đang hợp lực triển khai các hành trình du lịch xanh liên vùng. Việc liên kết không chỉ góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường mà còn tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với xu thế và nhu cầu mới của du khách trong nước và quốc tế.

f3b17fd8ca9623c87a87-1746935672.jpg
Du khách đến với khu du lịch Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Dựa trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên phong phú và di sản văn hóa đa dạng, các tỉnh đang từng bước xây dựng tour tuyến kết nối các điểm đến nổi bật. Cụ thể, Ninh Bình sở hữu Vườn Quốc gia Cúc Phương – khu rừng nguyên sinh lâu đời, hệ sinh thái đặc trưng của vùng núi đá vôi. Thanh Hóa có Vườn Quốc gia Bến En với 21 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa lòng hồ xanh biếc. Trong khi đó, Nghệ An nổi bật với Vườn Quốc gia Pù Mát – khu bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Bên cạnh thiên nhiên, chuỗi tour còn gắn kết với các di tích văn hóa – lịch sử quan trọng như cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), Khu di tích Kim Liên và Truông Bồn (Nghệ An). Việc tích hợp các giá trị tự nhiên và văn hóa tạo nên hành trình vừa giàu trải nghiệm, vừa thể hiện chiều sâu bản sắc vùng đất.

02e28d8b38c5d19b88d4-1746935672.jpg
Du khách Pháp trải nghiệm tại cánh đồng hoa hướng dương (Nghĩa Đàn, Nghệ An). Ảnh: Lê Quang Dũng

Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm du lịch đã bước đầu hình thành và được doanh nghiệp khai thác hiệu quả, tiêu biểu như tour khám phá miền Tây Nghệ An kết nối Pù Mát – Bến En – Tràng An, tour caravan dọc đường mòn Hồ Chí Minh, hay hành trình theo dấu các kinh đô Việt cổ. Những sản phẩm này không chỉ thu hút khách nội địa mà còn phù hợp với thị hiếu của du khách quốc tế, nhất là nhóm yêu thích khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa.

Theo bà Vương Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, mô hình du lịch xanh đang ngày càng khẳng định là hướng đi tất yếu, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo ra giá trị kinh tế lâu dài cho địa phương và cộng đồng dân cư. Năm 2025, các tỉnh tiếp tục phát triển các tour liên vùng và đẩy mạnh truyền thông theo hướng cá thể hóa thương hiệu như: “Du lịch Ninh Bình – Tuyệt sắc miền cố đô”, “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa” hay “Du lịch Nghệ An – Hành trình xanh”.

a55d2b349e7a77242e6b-1746935672.jpg
Ứng dụng công nghệ số tại các điểm du lịch tạo thuận lợi cho khách du lịch

Không chỉ dừng ở việc xây dựng sản phẩm, ba tỉnh còn phối hợp chuyển đổi số, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Một số chương trình famtrip sẽ được tổ chức trong năm 2025 với sự tham gia của các hãng lữ hành lớn, nhằm khảo sát thực tế, đánh giá tiềm năng và điều chỉnh tour phù hợp với từng phân khúc khách. Bên cạnh đó, bản đồ du lịch số tích hợp thông tin điểm đến, ẩm thực, dịch vụ, lịch trình dự kiến sẽ ra mắt, giúp du khách dễ dàng tra cứu bằng điện thoại di động. Các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube cũng sẽ được tận dụng để quảng bá và tiếp cận du khách trẻ.

Một số doanh nghiệp còn đề xuất tổ chức tour đêm tại các địa điểm đặc sắc như cố đô Hoa Lư, Lam Kinh hay rừng Pù Mát, kết hợp biểu diễn nghệ thuật với sự tham gia của nghệ sĩ quê hương. Đây được xem là "chất xúc tác" mới nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách.

dd7b5412e15c0802514d-1746935672.jpg
Khách du lịch đến Pù Luông, Thanh Hóa.

Về mở rộng thị trường, ông Đỗ Đức Mạnh – Giám đốc khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden, đề xuất đưa Kỳ Sơn (Nghệ An) trở thành cửa ngõ đón khách quốc tế từ Lào và Thái Lan. Từ đây, khách có thể trải nghiệm hành trình xuyên suốt ba tỉnh, khám phá thiên nhiên, di sản và đời sống địa phương. Tuy nhiên, để thu hút nhóm khách này, cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chú trọng yếu tố bền vững.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định: “Liên kết du lịch xanh giữa ba tỉnh Bắc Trung Bộ không chỉ phù hợp xu thế phát triển mà còn mở ra cơ hội lớn để thu hút khách quốc tế, lan tỏa giá trị văn hóa và bảo tồn thiên nhiên bền vững”. Ông cũng nhấn mạnh, để phát huy hiệu quả, các địa phương cần tăng cường kết nối tuyến điểm, làm sâu sắc trải nghiệm văn hóa và khuyến khích sự tương tác giữa du khách với cộng đồng bản địa.

Bích Bông