Phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng du lịch xanh, bền vững là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của tiến trình xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại mang tầm quốc tế gắn liền với thương hiệu “Đà Lạt - Thiên đường xanh”, điểm đến “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, gắn liền với mục tiêu tổng thể “Lâm Đồng - An toàn, Văn minh và Thân thiện”, đã được quy định cụ thể trong Quyết định số 1453/KH-UBND tỉnh ký ngày 28/2/2023 về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; và từ Quyết định số 882/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ký ngày 22/7/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
DU LỊCH XANH, BỀN VỮNG NÊN LÀ XU HƯỚNG CHỦ ĐẠO CỦA DU LỊCH ĐÀ LẠT
Đó là ý kiến của ông Cao Thế Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, Phó Trưởng Khoa Du lịch (Trường Đại học Đà Lạt) hiến kế phát triển du lịch xanh bền vững cho Đà Lạt, tại Hội thảo Du lịch xanh - phát triển bền vững do UBND TP Đà Lạt và Báo Tuổi trẻ tổ chức. Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. “Du lịch và đầu tư xanh” là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh hướng tới phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, đã có nhiều địa phương, điểm đến tiên phong phát triển du lịch xanh. Ví dụ, tháng 9/2023, Hội An chính thức ra mắt Mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa”; huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni-lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch; tour chèo thuyền vớt rác và xanh hóa ở Hội An, Quảng Bình, Vũng Tàu, Côn Đảo... hay năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, năm 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
Một khảo sát thông qua các doanh nghiệp du lịch Việt Nam 2022 của Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) về mức độ sẵn sàng của khách du lịch quốc tế trong phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam, cho thấy, mức độ du khách sẵn sàng giảm rác thải trong kỳ nghỉ lên đến 76% và sẵn sàng chi tiêu cho sản phẩm địa phương là 62%. Bên cạnh đó, là các mức độ đồng tình với sử dụng các ý tưởng xanh khác, như: sử dụng phương tiện di chuyển ít tác động đến môi trường, chọn thời gian nghỉ ngoài mùa cao điểm, hỗ trợ cộng đồng địa phương, đến những điểm ít phổ biến, giảm sử dụng nước trong kỳ nghỉ...
Du lịch xanh không dừng lại ở việc bảo vệ môi trường, hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường kinh tế - văn hóa xã hội - môi trường sinh thái tự nhiên và tái tạo môi trường mà còn yếu tố “tăng trưởng xanh”. Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững...
LIÊN KẾT, HỢP TÁC NỘI VÙNG ĐIỂM ĐẾN ĐÀ LẠT VÀ LIÊN VÙNG
Với hướng liên kết, hợp tác nội vùng điểm đến Đà Lạt, nhằm xây dựng, phát triển du lịch Đà Lạt Xanh bền vững, với các nội dung: xây dựng sản phẩm du lịch xanh Đà Lạt; đảm bảo các nguyên tắc phát triển du lịch Đà Lạt bền vững, phát triển du lịch Đà Lạt chất lượng cao, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch tăng trưởng xanh, định vị và nâng tầm điểm đến Đà Lạt xanh và bền vững. Liên kết này đòi hỏi sự tham gia thống nhất mục tiêu của cả hệ thống chính trị, dân cư, các tổ chức tư vấn, đào tạo, nghiên cứu, truyền thông... và cộng đồng doanh nghiệp kể cả ngoài ngành du lịch..., có thể tóm tắt trong sơ đồ sau:
Theo hướng liên kết, hợp tác liên vùng Đà Lạt - Lâm Đồng theo tuyến du lịch, dòng sản phẩm du lịch, vùng du lịch trong nước và quốc tế, nhằm định vị thương hiệu và tăng trưởng xanh bền vững; với các nội dung: thực thi hiệu quả các ký kết MOU (Memorandum of Understanding - biên bản ghi nhớ) trong nước và quốc tế, xúc tiến quảng bá và thực hiện các chương trình du lịch liên vùng, xây dựng các chương trình du lịch kích cầu hiệu quả, liên kết vùng và quốc tế để xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế, liên kết vùng chiến lược, giảm rủi ro, đảm bảo tăng trưởng xanh… Liên kết này có thêm sự tham gia của các hãng hàng không và vận chuyển chiến lược, được thể hiện qua sơ đồ sau:
GIẢI PHÁP LIÊN KẾT, HỢP TÁC PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐÀ LẠT THEO HƯỚNG XANH VÀ BỀN VỮNG
Quá trình phát triển du lịch của TP Đà Lạt hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trong đó, vấn đề liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội vùng và liên vùng còn một số bất cập nên hiệu quả chưa thực sự như mong đợi, chưa có sự liên kết bài bản, chặt chẽ và bền vững... dẫn đến tình trạng sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lắp, thiếu tính đặc trưng và chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh chưa cao. Vì vậy, doanh thu từ dịch vụ chưa tương xứng với lượng khách du lịch hiện có.
Để đạt hiệu quả các nội dung, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch Đà Lạt xanh và bền vững, cần thực hiện một số giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai quan điểm du lịch xanh và tăng trưởng xanh trong du lịch; tăng cường liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, hoàn thiện bản đồ du lịch Đà Lạt xanh; xây dựng lộ trình tiếp cận đạt chuẩn du lịch ASEAN; đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kết nối, hợp tác quốc tế; xây dựng hệ thống thông tin kết nối liên vùng trong nước và quốc tế; xây dựng kế hoạch hành động xã hội hóa công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội địa và quốc tế...
Liên kết, hợp tác phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng xanh phát triển bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, chiến lược lâu dài và cần có kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn nhất định. Cần phải liên kết, hợp tác theo chiều sâu; nhưng cũng cần phải đa dạng thị trường liên kết cũng như các thành phần liên quan nhằm giảm thiểu rủi ro và giảm tính lệ thuộc. Sự liên kết, hợp tác phát triển xanh bền vững không giới hạn về ranh giới địa lý hay quyền hạn các bên liên quan mà tổng thể các giá trị mang lại cho nhau tạo nên “chuỗi giá trị liên kết”.