Ngày hội hoa Ban năm nay với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ các địa phương trong cả nước và các nghệ sĩ, nghệ nhân đồng bào dân tộc X'Tiêng đến từ tỉnh Bình Phước, dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La. Theo đó, đồng bào các dân tộc sẽ tái hiện nhiều lễ hội văn hóa đậm bản sắc vùng miền.
Đồng bào X'Tiêng tỉnh Bình Phước sẽ trình diễn chương trình dân ca dân vũ với chủ đề: "Men say cao nguyên"; Giới thiệu, trình diễn trang phục, trang sức bạc truyền thống của đồng bào X'tiêng với chủ đề: "Hương sắc bazan"; Tái hiện, trình diễn, truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống của người X'tiêng và giới thiệu không gian ẩm thực, trưng bày sản vật địa phương của đồng bào X'tiêng với các món ăn, thức uống độc đáo như rượu cần, cơm lam. Đặc biệt là giới thiệu các món ngon cổ truyền của người X'tiêng như bánh Piêng plo, Piêng liêt, khô nai, heo sóc gác bếp, trâu gác bếp,…
Tại ngày hội, đồng bào Thái sẽ tổ chức tái hiện Lễ xên bản (Xên mường). Chương trình giao lưu dân ca dân vũ "Tiếng hát mùa Ban" với chương trình nghệ thuật tổng hợp của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái qua các hoạt động âm nhạc, diễn xướng kể về câu chuyện của hoa ban, những vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc khi mùa hoa Ban nở. Giới thiệu ẩm thực từ hoa Ban và vẻ đẹp hoa ban qua hình ảnh người con gái Thái.
Cũng vào dịp này, đồng bào X’tiêng (nhóm Bù Đek) giới thiệu, trình diễn trang phục, trang sức bạc truyền thống chủ đề “Hương sắc bazan”. Cụ thể, đồng bào trình diễn khoảng 30 bộ gồm trang phục truyền thống, lễ hội, sinh hoạt đời thường, trang phục cưới, cách tân kết hợp trang sức bạc truyền thống.
Cụm các làng dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng có các hoạt động diễn xướng dân gian và nghề dệt thủ công truyền thống với những trải nghiệm về âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên và âm nhạc tre nứa cùng với dệt Zèng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế hay nét độc đáo trong nghệ thuật dệt của đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai.
Cùng với đó, cụm các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao tái hiện nét văn hóa dân tộc mình theo thế mạnh của các cộng đồng như trải nghiệm ẩm thực làm các loại bánh truyền thống, trải nghiệm nghề đặc sắc với chế tác đàn Tính, đan lát truyền thống, nghề thuốc nam và trải nghiệm quy trình nấu rượu ngô của đồng bào dân tộc Mông để cảm nhận cuộc sống của đồng bào theo vùng miền, địa phương, dân tộc.
Cụm các làng dân tộc Cơ Tu, Gia Rai, Raglai, Ê Đê với không gian văn hóa của những mái nhà rông, nhà dài, nhà sàn; Cụm làng dân tộc Khmer và các quần thể tâm linh là nét trải nghiệm rất riêng vùng đất Phương Nam với nghệ thuật Rô băm, kiến trúc chùa, tháp.
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch Homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.