Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Dành tình yêu cho Đà Nẵng, chàng trai Hà Nam quyết tâm quảng bá du lịch qua những mô hình khắc gỗ 3D

8 năm qua anh Nguyễn Văn Bính đã không ngừng nỗ lực tạo ra các sản phẩm lưu niệm tái hiện sống động các công trình nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng qua những thanh gỗ.

Gắn bó với nghề khắc laser trên gỗ đã 8 năm, anh Nguyễn Văn Bính (sinh năm 1986, quê Hà Nam) bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đầu bỗng dưng bén duyên với nghề: “Tôi vẫn nhớ năm ấy có một người bạn nhờ tôi hỗ trợ việc khắc laser trên thanh gỗ, vừa thấy cái máy laser đó tôi đã lập tức bị thu hút. Đặc biệt khi người thợ dùng nó để tạo ra từng họa tiết hoa văn, tôi lại càng cảm thấy nghề này thú vị. Tuy nhiên khi tôi ngỏ lời hỏi họ có dạy nghề không thì họ bảo không, vậy nên tôi cũng chỉ đành thôi”. 

1-1712130333.jpg
Khi người thợ dùng máy laser để tạo hình sản phẩm, anh Bính đã cảm thấy rất ấn tượng.

Bẫng đến năm 2015, anh Bính quyết định rời xa quê hương để đến Đà Nẵng lập nghiệp, lúc này anh vẫn luôn ấp ủ dự định mua máy khắc laser về làm đồ lưu niệm dành cho du khách, nhưng đối mặt với hàng vạn câu hỏi “Phải bắt đầu từ đâu?”, “Thị trường quà tặng tại Đà Nẵng đã phát triển ra sao?”, “Đã có ai làm nghề này chưa?”,... Chưa kể chỉ vừa đến vùng đất mới còn nhiều điều lạ lẫm khiến anh chưa dám mạo hiểm theo đuổi nghề này.

Vậy nên anh Bính đã chọn thử sức với một nghề khác, tuy nhiên cũng chỉ kéo dài được một năm. Trong thời gian đó, anh nhận thấy Đà Nẵng là một thành phố du lịch năng động, du khách chuộng mua quà lưu niệm bởi đó là cách mà họ thể hiện tình yêu đối với vùng đất này nhưng sản phẩm lưu niệm tại đây lại chưa được đa dạng và đặc sắc. Từ đó, anh quyết định chuyển hẳn sang làm mô hình khắc gỗ 2D, 3D.

thiet-ke-chua-co-ten-1712128324.jpg
Anh Nguyễn Văn Bính với mô hình cầu Rồng, biểu tượng của TP Đà Nẵng.

“Đúng nghĩa là bắt đầu từ con số không bởi tôi hoàn toàn không biết gì về nó, cũng chẳng có người hướng dẫn nên tôi phải tự tìm hiểu tất cả mọi thứ bao gồm máy móc, đồ họa, vật liệu, quy trình… thật sự giai đoạn đầu khá khó khăn. Nhưng vì đã trót đam mê với nghề, nên khi đã bắt tay vào làm rồi thì tôi quyết tâm làm cho bằng được”, anh Bính tâm sự.

Theo anh Bính, để làm ra được một sản phẩm thì trước hết phải nghiên cứu kỹ về kiến trúc của công trình bao gồm hình dáng, hoa văn, kết cấu thông qua hình ảnh và video, bởi không phải địa điểm nào anh cũng có thể tới trực tiếp để tham khảo. Kế đến là vẽ phác thảo và bổ sung các chi tiết kết cấu bên trong công trình trên máy tính, sau đó mới đưa bản vẽ, vật liệu vào máy laser và máy CNC để tiến hành cắt. Cuối cùng sẽ lắp ghép các chi tiết lại và hoàn thiện mô hình. 

“Mỗi sản phẩm sẽ có thời gian hoàn thiện khác nhau, ví dụ như mô hình 3D thì có thể mất khoảng 10-15 ngày để cho ra nguyên mẫu, quá trình này lâu bởi đôi khi gặp nhiều sai sót về số liệu buộc tôi phải nghiên cứu và vẽ lại từ đầu. Đến công đoạn lắp ráp, với công trình phức tạp thì mất khoảng 1 ngày, còn với mô hình 2D thì đơn giản hơn, có khi chỉ mất khoảng nửa ngày đến một ngày để vẽ và vài phút để lắp ghép”, anh Bính nói.

chua-co-ten-2048-x-1340-px-1712128690.jpg
Nhưng mô hình có nhiều chi tiết phức tạp sẽ mất nhiều thời gian để vẽ và lắp ráp.

Với sự nỗ lực bất kể ngày đêm, sau một tháng tự mày mò anh Bính cũng đã cho ra những mô hình đầu tay, nhưng khi mang chúng đi chào hàng tại một số cơ sở tại Hội An, anh đều chỉ nhận được cái lắc đầu bởi sản phẩm của anh khi đó vẫn chưa đủ sinh động. Không từ bỏ, anh lại tiếp tục mày mò chỉnh sửa rồi đi chào hàng tiếp, may mắn thay đã có một số cơ sở tại Đà Nẵng đồng ý nhận bán thử.

Từ đó, khách hàng bắt đầu tự tìm tới cơ sở của anh, rồi anh Bính lại có thêm nhiều khách hàng cố định như các cửa hàng bán đồ lưu niệm, sân bay, siêu thị, chợ đêm,... Đặc biệt, mô hình của anh còn thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp, các sở ban ngành thành phố, chính những nguồn thu nhập đó đã giúp anh bám trụ với nghề đến tận hôm nay. Ngoài các mô hình có sẵn, anh Bính cũng nhận được nhiều đơn đặt riêng từ khách, tuy nhiên không phải mẫu nào anh cũng nhận bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực đáp ứng, khả năng sản xuất cũng như vật liệu mà khách yêu cầu.

Tính tới thời điểm hiện tại, anh Bính đã tái hiện hơn 50 công trình nổi tiếng của Việt Nam và mức giá của các sản phẩm lưu niệm dành cho du khách sẽ dao động từ 80.000-200.000 đồng. Với những sản phẩm quà tặng nhiều chi tiết phức tạp hơn thì sẽ có giá từ 500.000-3.000.000 đồng, trong đó phân khúc giá 500.000 đồng được nhiều khách quan tâm nhất.

2-1712129044.jpg
Môt số sản phẩm được du khách yêu thích được trưng bày tại cơ sở của anh Bính.

Chia sẻ về những công trình khiến anh dường như “mất ăn mất ngủ”, anh Bính cho hay: “Công trình làm tôi đau đầu nhất có lẽ là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bởi công trình đó thực sự rất phức tạp, bản thân tôi không được đào tạo về chuyên ngành cũng như không có sẵn bản vẽ thiết kế, nên chỉ đành tự mình tham khảo các hình ảnh và video có sẵn rồi tự ghép nối các góc lại, cứ như vậy cố gắng tới khi ra được sản phẩm hoàn thiện”.

Hiện mô hình của anh không chỉ được tiêu thụ tại thị trường chính là Đà Nẵng mà còn được phân phối đến các tỉnh thành lớn như: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Đà Lạt, TPHCM, Phú Quốc,... Qua đây, anh Bính cũng nhận thấy sức tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh thành phía Nam tốt hơn nhiều so với ở phía Bắc. Trong thời gian tới sau khi đã khai thác hết ý tưởng tại Đà Nẵng, anh Bính sẽ tập trung lấn sang thị trường tiềm năng này.

3-1712128877.jpg
Ngoài các công trình đặc trưng tại Đà Nẵng, anh Bình còn thử sức với các địa danh khác như Tháp Rùa và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

z5315592886364-5ad396e98f304d449a2f30c2e02ee5f8-1-1712223216.jpg
Bên cạnh đó còn có một số sản phẩm đặc trưng của TPHCM như Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà ga xe lửa.

“Thật sự thì nghề này đã mang lại rất nhiều sự thay đổi trong tôi, đầu tiên là về mặt thẩm mỹ, các sản phẩm tôi làm ra càng ngày càng đẹp hơn, nhiều khi tôi cũng bất ngờ, chẳng hiểu sao lại làm được những mô hình có kết cấu phức tạp thế này, đồng thời tôi nhận thấy bản thân mình đã trưởng thành hơn nhiều. Nhìn chung tôi cảm thấy hài lòng và hạnh phúc khi mỗi ngày được làm công việc mà tôi yêu thích, chưa kể có thể tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người”, anh Bính tâm sự.

Bài và ảnh: Anh Thư