"Tây ăn xin" là một trào lưu mới thu hút những du khách nước ngoài đến với nhiều quốc gia Châu Á. Những người này sẽ ngồi ăn xin để có đủ tiền cho chuyến du lịch nước ngoài thay vì đi làm và tiết kiệm.
Thông thường, họ sẽ cầm biển xin tiền, đứng ở các đường phố, vỉa hè khu trung tâm và mong muốn được thực hiện chuyến đi với "tiền quyên góp" từ những người xa lạ. Những du khách kiếm kinh phí du lịch bằng cách ngồi đợi bố thí như thế này được gọi là "begpacker" - nghĩa là du lịch bụi bằng cách ăn xin, trào lưu này đã xuất hiện phổ biến ở các quốc gia Châu Á khoảng 10 năm trở lại đây.
Tại Việt Nam, trong tháng 3/2023 vừa qua, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một nam du khách đã đứng trên vỉa hè TP. Đà Nẵng và cầm biển xin tiền để hỗ trợ chuyến đi của mình. Nội dung tấm biển được thể hiện bằng tiếng Việt với mục đích rõ ràng: "Tôi đang du lịch mà không có tiền, xin vui lòng hỗ trợ chuyến đi của tôi" và đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Trước đó hai tháng, một nhóm ba người đàn ông từ Nga cũng đã giơ biển để xin người dân địa phương hỗ trợ chuyến đi của họ tại TP. Phú Quốc. Một cô gái Nga khác cũng đã từng ngồi thiền "bất động" để xin tiền từ những người xung quanh tại Phú Quốc.
Nhiều người Việt đã thể hiện phản ứng gay gắt, cho rằng trào lưu "xấu xí" này cần được xóa bỏ, không nên giúp đỡ, cổ súy cho những du khách lười lao động, lợi dụng lòng tốt người dân địa phương...
Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia như Hong Kong, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia, du khách Tây cũng ngồi ăn xin trên vỉa hè để kiếm tiền du lịch.
Ông Stephen Pratt - Trưởng khoa Quản lý Khách sạn tại Trường Quản trị Khách sạn Rosen, đã tiến hành một nghiên cứu thực tế về vấn nạn này. Theo quan sát của ông, những người Tây ăn xin được chia thành 3 nhóm, gồm những người hát rong hoặc chơi nhạc cụ, những người bán các món hàng lưu niệm nhỏ và số còn lại là chỉ ngồi xin tiền tại những nơi đông người qua lại.
Nghiên cứu của ông cho thấy phản ứng của những người qua đường có xu hướng tích cực hơn đối với những du khách hát rong, chơi nhạc cụ hoặc bán hàng lưu niệm, hơn là những người chỉ ngồi không xin tiền. Cũng theo ông Pratt, việc làm "đáng xấu hổ" này đã khiến cho một số người có quan điểm rằng du lịch nước ngoài chỉ dành cho một tầng lớp nhất định hoặc những người có mức thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, ông Joshua Bernstein - giáo sư viện ngôn ngữ tại Đại học Thammasat, Thái Lan cho rằng, sự phản đối và kỳ thị những du khách Tây ăn xin chủ yếu đến từ chính những người đồng hương của họ. Họ cho rằng hành động này là lợi dụng lòng tốt của người dân địa phương.
Giáo sư Bernstein cũng tiết lộ thêm rằng, những "du khách ăn mày" này đang có xu hướng chuyển sang "hành nghề" online thay vì ngồi ăn xin trên vỉa hè. Họ sử dụng các trang web quyên góp tiền như Go Fund Me, dịch vụ thanh toán di động Venmo hoặc trang mạng xã hội của mình để kêu gọi quyên góp tiền làm kinh phí du lịch. Một số du khách cũng thu hút lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội và yêu cầu họ quyên góp tiền...