Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Triển lãm ảnh "Mẹ yêu con" của NAG Lê Bích: Gần 20 năm hoàn thành 30 bức ảnh về những người mẹ dọc miền tổ quốc

Hướng tới kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024) và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, chiều ngày 1/3/2024, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với nhiếp ảnh gia Lê Bích tổ chức Lễ khai mạc và trao tặng bộ ảnh triển lãm “Mẹ yêu con” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ rằng: “Năm 2005 khi lần đầu tiên thực hiện bức ảnh Trên lưng mẹ, tôi đã có một cảm xúc đặc biệt về tình mẫu tử. Hình ảnh em bé dân tộc Mông ngủ ngon trên lưng của người mẹ đang bán hàng tại góc bán rượu phiên chợ Bắc Hà đã chạm đến trái tim của tôi một cách mạnh mẽ và tôi đã quyết định sẽ bắt đầu hành trình khám phá những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình mẫu tử. Với những tác phẩm của mình, tôi hy vọng sẽ chạm được vào trái tim các bạn, để chúng ta thêm yêu mẹ, vì chúng ta ai cũng sinh ra từ mẹ”.

1-1709117590.jpg
Một trong những bức ảnh được triển lãm trong sự kiện. Ảnh: FBNV

Triển lãm ảnh “Mẹ yêu con” gồm 30 bức ảnh về những khoảnh khắc giữa mẹ và con, rất đời thường nhưng ấm áp và tràn đầy yêu thương được nhiếp ảnh gia Lê Bích thực hiện trong khoảng thời gian gần 20 năm.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích đã đi dọc các tỉnh miền núi phía Bắc cho đến các tỉnh miền Trung với chiếc máy ảnh bầu bạn. Tác giả đã gặp gỡ, trò chuyện và lưu lại những khoảnh khắc giá trị ngay phút giây đầy cảm xúc chân thực. Đó được xem như thước phim sống động về câu chuyện bình dị của mẹ và con.

429942580-1069162754342989-4044580703392070246-n-1-1709117779.jpg
Hình ảnh người mẹ ở mọi miền Tổ quốc: mộc mạc và bình dị, được nhiếp ảnh gia Lê Bích góp nhặt trong từng khoảnh khắc đời thường đáng giá. Ảnh: FBNV

Khán giả sẽ bắt gặp câu chuyện về tình mẫu tử, sự gắn bó giản dị và thiêng liêng sẽ được hiện hữu trong từng khoảnh khắc tràn ngập tình yêu thương của các bà, các mẹ trên những bản làng xa xôi, nơi rẻo núi cao mờ sương đến những nơi đồng bằng. Dù khác vùng miền, dân tộc, dù là người Mông, Thái, Nùng, Lô Lô đen hay người Kinh... thì việc thể hiện tình cảm với những đứa con yêu thương của mình cũng rất tự nhiên dù là trong giây phút lao động, vui chơi, nghỉ ngơi hay trao truyền tri thức…

429934122-1069134661012465-2112958156191865844-n-1709117989.jpg
Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Lê Bích chụp lại ở sát biên giới Việt - Trung huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: FBNV

Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện còn có lễ Trao tặng bộ ảnh Triển lãm “Mẹ yêu con” của nhiếp ảnh gia Lê Bích tới Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và phần giao lưu chia sẻ của nhà báo Trần Mai Anh, mẹ của bé Thiện Nhân, người thành lập quỹ “Thiện Nhân & những người bạn”, đồng thời cũng là một nhân vật xuất hiện trong bộ ảnh của triển lãm lần này.

Bên cạnh đó, khách mời sẽ có cơ hội lắng nghe chia sẻ của nhà thơ Khánh Dương, tác giả tập thơ “Trái tim thơm tho” lấy cảm hứng từ câu chuyện của nhà báo Mai Anh và cậu con trai Thiện Nhân; thưởng thức ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ "Trái Tim Thơm Tho" qua phần thể hiện của các nghệ sỹ đến từ Nhà Hát Tuổi Trẻ và tiết mục sáo Mẹ Yêu Con do nghệ sỹ Nguyễn Thắng, nhà hát VOV trình bày.

Sự kiện khai mạc vào lúc 15h ngày 1/3/2024, Triển lãm “Mẹ yêu con” mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ ngày 1/3/2024 cho đến hết ngày 15/3/2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

89472553-198402368085703-7095866652570419200-n-1709117818.jpg

Nhiếp ảnh gia Lê Bích nổi tiếng với kho ảnh khổng lồ về di sản của những nghệ nhân, làng nghề dọc chiều dài đất nước. Anh đã đi qua hàng trăm ngôi làng, gặp hàng trăm nghệ nhân, ghi chép lại số phận của làng, của nghề bằng hàng nghìn bức ảnh.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích sinh ra trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội, cha anh là họa sĩ. Đó hẳn là một trong các lý do mà chàng thương nhân tốt nghiệp ngoại ngữ khi đang kinh doanh địa ốc lại quay về với nghệ thuật. Anh đam mê sưu tập kiến thức vốn cổ, nhưng người ta biết nhiều đến Lê Bích có lẽ bởi anh là người sưu tập nhiều giếng nhất trong kho lưu trữ ảnh của mình.

Hành trình đi qua hơn 200 ngôi làng, với hơn 300 chiếc giếng cổ và hàng ngàn bức ảnh của anh được khởi xướng từ năm 2011, khi Bích nhận ra giếng là tình yêu của mình. Đó cũng là thời điểm anh bỏ việc tại một công ty bất động sản để trở thành một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở tuổi xấp xỉ 40. Trước đó, anh có 6 năm cầm máy và thường xuyên “tha thẩn” ở các làng quê trong mỗi dịp cuối tuần.
 
Ngân Trần