Gặp gỡ chàng trai Lê Hòa khao khát gìn giữ, lan tỏa ẩm thực qua gian bếp Việt kiểu Tây

Chẳng đơn thuần là lan tỏa những món ăn trứ danh đất Việt đến du khách nước ngoài qua gian bếp của studio, anh Lê Hòa còn mong mỏi được đồng hành cùng các nghệ nhân đã cống hiến hết mình cho ngành ẩm thực Việt Nam, khôi phục và gìn giữ các món ăn đang trên bờ vực thất truyền.

Thời gian gần đây, có một lớp học nấu ăn thú vị nằm gần chợ Bến Thành đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách nước ngoài. Bởi không chỉ mang đến cho khách những trải nghiệm thực tế để thêm hiểu về tính phong phú của ẩm thực Việt, mà nơi đây còn giúp du khách có phút giây thư thả, thoải mái khi được cùng nhau ăn uống và trò chuyện rôm rả về hương vị của các món ăn Việt Nam.

Từng bước lan tỏa tinh hoa ẩm thực Việt

Anh Nguyễn Đình Lê Hòa - nhà sáng lập M.O.M Cooking Studio cho biết, dẫu chỉ mới đi vào hoạt động từ năm 2017, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, lớp học đã đạt được những thành tựu nhất định trong “làng Cooking Class”. Gần đây nhất, lớp học đã cán mốc 20.000 lượt khách nước ngoài đến từ nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines,... đến đăng ký, trải nghiệm lớp học.

ng-t6066-optimized-1721288651.jpg

Theo chia sẻ của anh Lê Hòa, để gặt hái được “quả ngọt” như hôm nay, trước đó đã có không ít thử thách khiến anh phải loay hoay tìm hướng phát triển cho studio này. Quay lại 7 năm trước, khi đang theo học ngành thiết kế nội thất trường Đại học Văn Lang, anh Lê Hòa vẫn luôn yêu thích công việc nấu nướng, nên xin vào làm bếp tại nhà thờ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khỏa lấp niềm đam mê. 

Vô tình, tại một buổi thiện nguyện có sự hỗ trợ từ những người bạn quốc tế, thấy anh nấu ăn, họ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh về những đặc điểm của các món ăn Việt Nam. Cơ duyên gắn bó lâu dài với nghề cũng bắt đầu từ đây.

“Tôi chỉ biết nấu ăn thôi, không nghĩ người nước ngoài thấy hứng thú với món ăn của người Việt đến vậy. Sau hôm đó, tôi tìm tòi sâu hơn về ẩm thực Việt Nam có những nét đặc thù nào mà khiến họ dành nhiều tình cảm như vậy. Khi ấy, tôi chợt nghĩ ra ý tưởng, hay mở một nơi mà mọi người có thể vừa ăn uống, trải nghiệm nấu ăn, vừa chia sẻ văn hóa thông qua những cuộc trò chuyện”, anh Lê Hòa nói.

dscf0615-1-1721231496-1721287220.jpg

Bằng cách này, anh có thể góp phần lan tỏa tinh hoa ẩm thực Việt, qua đó giới thiệu về văn hóa đặc trưng của từng vùng miền đến bạn bè quốc tế. Nghĩ là làm, sau tốt nghiệp, anh Hòa dành ra khoảng 5 năm để trau dồi ngoại ngữ, kiến thức về nấu ăn, kinh nghiệm quản lý và vận hành cơ sở. Nhận thấy thời cơ chín muồi, năm 2017 anh Lê Hòa cùng người bạn đồng hành - Phan Trọng Nghĩa sáng lập nên M.O.M Cooking Studio.

dscf0610-optimized-1721289861.jpg

Tham gia lớp học, ngoài việc được tự tay chế biến các món ăn và thưởng thức thành phẩm của mình bên người thân yêu, lớp học còn cung cấp kiến thức cho khách thông qua hoạt động mua sắm nguyên vật liệu tươi ngon tại các khu chợ truyền thống. Đây cũng là một trong những điểm nổi bật giúp M.O.M Cooking Studio vươn tới top 3 trên Google và top 1 trên KLook, đồng thời 3 năm liền nhận chứng chỉ xuất sắc trên Tripadvisor.

“Thật ra lúc đầu tôi đưa khách đi chợ với tâm thế, một là khách thích, hai là không, bởi các khu chợ truyền thống có phần đông đúc và ồn ào. Hôm ấy, khách đi chợ về nhễ nhại mồ hôi do nắng nóng, thế nhưng họ lại rất thích chuyến đi này vì thông qua đó họ có thể hiểu hơn về văn hóa của người Việt”, anh Lê Hòa hào hứng kể lại.

dscf1224-optimized-1721231176-1721287096.jpg

Bước chậm lại để tiến xa hơn

Cứ ngỡ mọi việc sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi, nhưng dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến mọi hoạt động tại lớp học gần như “đóng băng” do không có khách du lịch. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải là giai đoạn khó khăn nhất, bởi với anh Lê Hòa, thời gian sau dịch mới là lúc mọi thứ trở nên mịt mù hơn bao giờ hết.

“Mình có nên tiếp tục mở lại lớp học nấu ăn hay không?”, “Nếu mở lại thì làm thế nào để tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn”, “Hay là chuyển sang kinh doanh chủ yếu cho người Việt”,... Suy nghĩ chồng chất suy nghĩ, mãi chưa có lời giải đáp. Loay hoay gần 2 năm, anh Hòa thử thích nghi bằng cách nhập mọi nguyên liệu ở Phú Yên, Khánh Hòa về kinh doanh. Thế nhưng khao khát được chia sẻ văn hóa, ẩm thực đến bạn bè quốc tế vẫn luôn âm ỉ trong lòng anh.

"Cuối năm 2022, tôi quyết định mở lại mô hình dạy nấu ăn cho khách nước ngoài, đồng thời khai trương thêm 3 cơ sở tại TP.HCM, hiện tôi đã mở được 2 studio tại quận 3 và quận 1, sắp tới là quận 2. Khác với những năm trước, các lớp học này không chỉ hướng đến khách nước ngoài, mà tôi còn lồng ghép thêm khóa học làm bánh Nhật cho người Việt", anh Lê Hòa chia sẻ.

dscf1138-optimized-1721286825.jpg
 

Hiện studio có 3 dạng lớp học nấu ăn đáp ứng nhu cầu và mục đích riêng của du khách: Lớp cơ bản (Regular), lớp Teambuilding và lớp chuyên sâu (Private). Mỗi lớp học sẽ có một đội ngũ đứng lớp là những người trẻ được đào tạo hơn 2 năm về ngành ẩm thực, đứng túc trực và hỗ trợ khách trong quá trình chế biến. Để khách thoải mái tương tác trong lớp học, với lớp cơ bản, anh Lê Hòa sẽ chỉ nhận tối đa khoảng 10 khách.

Trong khi đó, lớp Teambuilding thường sẽ đón khoảng 20 - 30 khách tham gia, do số lượng khách đông nên cách tổ chức cũng sẽ khác, theo đó lớp học sẽ được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm 4-5 khách để họ có thể luân phiên làm nên một món ăn hoàn hảo, hoạt động này giúp tăng sự gắn kết giữa các thành viên.

dscf0641-optimized-1721287489.jpg

Cuối cùng là lớp chuyên sâu (Private) - lớp học đặc biệt chỉ được tổ chức khi du khách muốn nâng cao tay nghề nấu nướng với các món ăn được mệnh danh là “tinh hoa ẩm thực Việt Nam” như: Phở, mì Quảng, bún bò Huế, bánh mì, bún riêu,... Tại lớp học này, khách sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách nấu dùng từ xương, thay vì sử dụng nước lèo có sẵn. Giới hạn học viên của lớp chuyên sâu là 8 người.

“Với những món ăn có độ khó cao, yêu cầu chế biến kĩ càng, tôi sẽ không đưa vào lớp cơ bản. Bởi quan niệm của tôi, nếu khách không thể làm được thì tôi sẽ không dạy món đó. Ngược lại, khách có được kiến thức về chế biến món ăn sau khi tham gia lớp học và họ lại tiếp tục đúc kết được kinh nghiệm nấu nướng khi đã trở về nước thì tôi mới dạy”, anh Lê Hòa nhấn mạnh.

ng-t6499-optimized-1721288408.jpg

Vì lẽ đó, thực đơn tại lớp học đều là những món ăn mang đậm chất vùng miền vừa dễ thực hiện, dễ tìm mua các nguyên liệu, lại vừa có tính ứng dụng cao. Đồng thời, thực đơn cũng sẽ được thay đổi định kỳ 3 tháng/lần cố định theo dạng món salad, món chiên, món nướng và món tráng miệng nhằm làm mới trải nghiệm cho du khách.

Bên cạnh khách Châu Á, studio còn ghi nhận lượng lớn các bạn Việt kiều trẻ ở Mỹ đến trải nghiệm, bởi dẫu cách xa về mặt địa lý, nhưng các bạn vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Thế nên mô hình lớp học nấu ăn của anh Lê Hòa được xem là điểm đến lý tưởng để các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về nét đẹp văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam.

dscf0775-optimized-1721287959.jpg

Sau bao nhiêu nỗ lực gầy dựng, tháng 5/2024, M.O.M Cooking Studio được chọn đồng hành cùng Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM trong chương trình Roadshow 2024 tại Sydney và Melbourne, Úc. Tại đây, anh Lê Hòa đã giới thiệu món gỏi cuốn đặc trưng Việt Nam đến với đại biểu và quan khách của Việt Nam và Úc. Với anh, chuyến đi này thật sự đã tiếp thêm động lực giúp anh vững bước trên con đường mình đã chọn. 

Tin chắc rằng hành trình quảng bá ẩm thực của studio vẫn sẽ tiếp tục lan rộng hơn trong tương lai, không chỉ là những món ăn trứ danh đất Việt mà còn là những món ăn đang đứng trên bờ vực thất truyền với sự đồng hành của các nghệ nhân sống và cống hiến hết mình cho ngành ẩm thực Việt Nam. Qua đó, giữ gìn và phát huy những tinh hoa trong từng món ăn của quê hương, góp phần đưa ẩm thực Việt cho ngày càng vươn xa, vươn cao hơn nữa.

Anh Thư

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/gap-go-chang-trai-le-hoa-khao-khat-gin-giu-lan-toa-am-thuc-qua-gian-bep-viet-kieu-tay-a4987.html