Khi nhắc đến văn hóa ẩm thực miền Nam, không thể không nghĩ đến những món đặc trưng như lẩu mắm, cá lóc nướng trui, hủ tiếu và rất nhiều món khác. Những món ăn này nhìn thì đơn sơ, bình dị nhưng chứa đựng giá trị tinh hoa vùng sông nước miệt vườn, phản ánh lối sống mộc mạc của người dân vùng đất Nam Bộ.
Với sự ưu ái từ mẹ thiên nhiên, cây trái quanh năm cùng với cá tôm đầy sông, người Nam Bộ đã biến những "thức quà tự nhiên" thành vô số món ngon. Mỗi món ăn còn là biểu tượng của tình yêu thương và tâm hồn mộc mạc của người dân. Từng mùa, từng loại cây trái đều mang lại một hương vị đặc trưng, tạo nên sự đa dạng và đặc sắc cho bữa cơm miền Nam.
Đặc biệt, mùa nước nổi và mùa gặt là thời điểm quan trọng nhất, khi sản vật rất phong phú. Trong mùa nước nổi, bữa ăn của người Nam Bộ trở nên đa sắc với màu trắng xen vàng của canh chua cá linh bông điên điển nghi ngút khói, với sắc nâu - hồng từ bông súng chấm mắm… Sau buổi làm đồng, đi ruộng về mà có mâm cơm như vậy là vui phải biết. Còn mùa gặt là thời khắc lý tưởng để thưởng thức các món dân dã ngoài đồng như cá lóc, cua đồng và rau đắng.
Mang sự mộc mạc của miền quê vào mỗi bữa ăn, người phương Nam thích ẩm thực với phong cách hoang dã, phóng khoáng. Một điều đặc biệt trong văn hóa ẩm thực nơi đây là ăn ngay sau khi bắt được. Với họ, xử lý và nấu nguyên liệu khi còn tươi mới thưởng thức được trọn vẹn hương vị dân dã của sản vật. Bắt được con cá lóc, họ xử lý sạch rồi lấy cây xiên, cắm xuống đất, phủ rơm và nổi lửa, thế là có món cá lóc nướng trui thơm lừng mùi đồng cỏ.
Với sự dân dã và giản dị, ẩm thực ở nơi đây còn mang lại sự hài hòa giữa nhiều hương vị khác nhau. Họ đề cao hương vị trong mỗi món ăn, đến mức “cay xé lưỡi” như nồi lẩu gà ớt hiểm, “chua lè” món canh bần hay tới mức “mặn chát” nồi kho quẹt. Mỗi món đều khơi gợi kí ức tuổi thơ, như những ngày trèo cây lội nước, khiến họ thấy nhớ quê hương da diết khi rời xa.
Cư dân Nam Bộ ưa bánh lắm, thích nhất cái vị béo đặc trưng của nước cốt dừa. Họ nghĩ ra hằng hà các loại bánh dân gian đủ kiểu, đủ vị mà đặc biệt phải cho nước cốt dừa vào mới gọi là đúng điệu. Từ xanh xanh bánh lá mơ gói trong lá mít, tròn như bánh ít trần đủ màu sắc đến vàng rực bánh chuối mà nhà nhà đều mê. Đến cả bánh tét dâng mâm cúng tổ tiên cũng phải ngọt, béo mới đúng điệu miền Nam.
Người xứ này đặc biệt thích ăn chao và mắm. Cái mùi đặc trưng và vị béo từ đậu hũ lên men, ăn rồi không bao giờ quên. Trong số các món sử dụng chao, không thể không nhắc đến lẩu vịt nấu chao. Món ăn này kết hợp giữa thịt vịt ninh mềm nhừ, khoai môn dẻo bùi và nước lẩu thơm ngào ngạt, với hương vị béo bùi của chao, tạo nên sự cân bằng hoàn hảo khi kết hợp với rau muống mát ngọt.
Còn mắm, ra đời cùng với sự hình thành vùng đất này, là đặc sản gắn liền với cuộc sống vùng sông nước. Mắm cá linh, cá chốt, cá lóc, ba khía… mang những hương vị riêng nhưng đều xuất phát từ sự trù phú của sông ngòi. Mùa nước nổi, cá nhiều ăn không hết, người dân ướp muối làm mắm rồi ăn dần. Chiều chiều dưới mái hiên, bên nồi mắm thơm lừng bốc khói ăn kèm với mớ rau vườn, bông súng giòn rụm mới hái làm mâm cơm thêm phần hấp dẫn và đậm đà hương vị quê hương.
Với người Nam Bộ, món ăn không chỉ đơn thuần là để thưởng thức, mà còn là cách họ gửi gắm tâm tình và cả văn hóa đặc trưng nơi miệt vườn sông nước. Mỗi món ăn đều chứa đựng một phần truyền thống, lịch sử và câu chuyện của đất đai, con người nơi đây. Hơn hết, khi thưởng thức những món ăn này, người ta không chỉ cảm nhận được hương vị tinh tế mà còn thấu hiểu sâu sắc văn hóa và phong cảnh đất phương Nam - nơi mà sông nước và con người hòa quyện tạo nên bức tranh gần gũi, đậm chất dân dã.
Y Thanh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/phong-vi-am-thuc-dat-phuong-nam-tinh-hoa-song-nuoc-miet-vuon-a4637.html