Giữ hồn văn hóa Nam Bộ qua nghệ thuật múa bóng rỗi

Múa bóng rỗi là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ thời khai hoang, lập ấp ở vùng đất Nam Bộ cách đây hơn 300 năm và gắn liền với tín ngưỡng thờ Bà. Cùng với đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội,… múa bóng rỗi đã góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc ở vùng đất Nam Bộ.

Trình diễn bóng rỗi Nam Bộ là một hình thức của thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam Phủ Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2016. Bóng rỗi thường được biểu diễn ở các đình, miếu, trang thờ nữ thần trong các dịp lễ Kỳ Yên và các lễ nghi khác. 

Các tiết mục biểu diễn thường được chia thành từng phần riêng biệt và được liên kết với nhau như: Khai mạc, Lễ mời - Lời kêu gọi từ tổ, Mời tiên ra trình diễn tuồng, biểu diễn song ca... Người múa cần phải thể hiện vũ đạo đẹp mắt và hóa trang thu hút; khi diễn, họ kết hợp múa với việc thể hiện các bài thơ, thường là những câu chuyện về nguồn gốc của đền thờ hoặc những bài thơ về tổ tiên, đất nước, truyền thống của người xưa, tình yêu thương con người và lòng hiếu thảo trong gia đình... gọi là hát rỗi. 

abstract-artist-interview-art-photo-collage-6-1714017092.jpg
 

Ngoài ra, người múa cần phải có tài năng tổng hợp về ca hát, biểu diễn và múa, cũng như có sức khỏe, sự linh hoạt, nhạy bén trong cảm nhận âm nhạc và có giọng ca tốt. Trang phục của người múa bóng rỗi thường rất rực rỡ và đa sắc.

Những người biểu diễn bóng rỗi được gọi là các nghệ nhân. Họ được truyền nghề từ các thế hệ đi trước theo lối "cầm tay chỉ việc". Một trong những nghệ nhân múa bóng rỗi nổi bật là Ngọc Thanh. Qua quá trình hoạt động nghệ thuật, Ngọc Thanh - nghệ nhân múa bóng rỗi ưu tú tại TP.HCM, được biết đến với tài năng thiên bẩm với sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật biểu diễn. 

abstract-artist-interview-art-photo-collage-1-1714017092.jpg
 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có người thân theo nghề múa bóng rỗi, Ngọc Thanh đã bắt đầu học múa từ khi còn nhỏ và nhanh chóng phát triển thành một trong nghệ sĩ múa bóng rỗi xuất sắc. Với sự kiên trì và đam mê, Ngọc Thanh đã sáng tạo ra những tiết mục múa bóng rỗi độc đáo, kết hợp giữa kỹ thuật, cảm xúc và tinh thần nghệ thuật. Cô đã biến những cử chỉ nhẹ nhàng của bóng rỗi thành những câu chuyện sống động, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả.

“Múa bóng và hát rỗi cái nào cũng có phần khó riêng. Hát bóng có nhịp nội và nhịp ngoại, nghĩ ra những câu chúc hay, mới lạ ngay trong buổi diễn. Còn múa bóng, trước tiên phải cần cái “duyên”, sau đó phải được hướng dẫn từ người thầy rồi dùng những sáng tạo của bản thân hoàn thiện từng bài múa theo cách phù hợp với từng người nghệ sĩ. 

Múa bóng rỗi đúng chuẩn tại các đình, miếu là múa ba chén bông và dâng mâm vàng là thường xuyên nhất. Còn múa tiến vua là múa tạp kĩ bao gồm trống chầu, rót rượu, múa khạp, bông huệ… sau này có thêm múa bàn, ghế, xe đạp” - Ngọc Thanh chia sẻ.   

1bcbf06e398397ddce92-1714017296.jpg
 

Nghệ thuật múa bóng rỗi không chỉ là một hình thức thực hành tín ngưỡng mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Đồng thời, đây cũng là một phương tiện truyền thống để truyền đạt những câu chuyện, giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ về ân nghĩa, hiếu đạo. Lời rỗi thường là những nguyện cầu về tình yêu quê hương, tình gắn kết gia đình, truyền thống văn hóa. 

Theo Ngọc Thanh bộ môn nghệ thuật này đòi hỏi sử dụng phần đầu thường xuyên, nhiều lúc phải đội trống, khạp nặng 30kg đến 40kg và phải di chuyển linh hoạt nên rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghề múa bóng rỗi sôi nổi từ tháng Giêng đến tháng 4 và rải rác từng lễ hội trong năm nên người theo nghề này “làm 4 tháng tiêu 8 tháng”, chỉ đủ trang trải cuộc sống. Ấy vậy mà những nghệ nhân vẫn tiếp nối với nghề, với họ chỉ cần còn khán giả vỗ tay là còn hết mình với đam mê.

3e6fe26c4481eadfb390-1714017845.jpg
 

“Với thế hệ trẻ, trong thâm tâm tôi luôn muốn tre già thì măng phải mọc. Các em học trò có thể nắm bắt và giữ gìn được nghệ thuật múa bóng rỗi này càng ngày sâu sắc và sẽ mở rộng hơn. Tôi hi vọng các ông bà, cô bác, anh chị sẽ càng ngày càng yêu quý bộ môn nghệ thuật này hơn nữa”, Ngọc Thanh chia sẻ.  

Ngoài tín ngưỡng, múa bóng rỗi còn là dịp để cộng đồng kết nối, tôn vinh và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Cần lắm những nghệ nhân đam mê, nhiệt huyết với nghề để có thể lưu truyền, giữ gìn và lan toả bộ môn nghệ thuật, di sản văn hóa phi vật thể này.  

Ảnh: Y Thanh - Hậu Phạm

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/giu-hon-van-hoa-nam-bo-qua-nghe-thuat-mua-bong-roi-a4111.html