Từ bản sắc đến phát triển du lịch

Với vị trí được bao quanh bởi lòng hồ thủy điện Bản Chát rộng lớn, những cánh rừng xanh bạt ngàn, núi non hùng vĩ, cảnh sắc nguyên sơ đã tạo cho xã Pha Mu (huyện Than Uyên) lợi thế để phát triển loại hình du lịch lòng hồ, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Pha Mu còn là vùng đất gắn bó lâu đời của hai dân tộc Mông, Thái với nền văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa và nhiều lễ hội truyền thống lâu đời. Đây là điều kiện thuận lợi để xã phát triển du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

4-1703526656813-1703649508.png
Sở hữu lòng hồ thủy điện Bản Chát rộng lớn, những cánh rừng xanh bạt ngàn, núi non hùng vĩ, cảnh sắc nguyên sơ đã tạo cho xã Pha Mu (huyện Than Uyên) lợi thế để phát triển các loại hình du lịch.

Với vị trí được bao quanh bởi lòng hồ thủy điện Bản Chát rộng lớn, những cánh rừng xanh bạt ngàn, núi non hùng vĩ, cảnh sắc nguyên sơ đã tạo cho xã Pha Mu (huyện Than Uyên) lợi thế để phát triển loại hình du lịch lòng hồ, du lịch sinh tháidu lịch nghỉ dưỡng. Pha Mu còn là vùng đất gắn bó lâu đời của hai dân tộc Mông, Thái với nền văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa và nhiều lễ hội truyền thống lâu đời. Đây là điều kiện thuận lợi để xã phát triển du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nằm cách trung tâm huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) khoảng 30km, thuộc xã Pha Mu, bên lòng hồ Thủy điện Bản Chát, Vịnh Pá Khôm được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ của miền sơn cước Tây Bắc. Vịnh Pá Khôm được hình thành từ khi có lòng hò Thủy điện Bản Chát, phát huy lợi thế thiên nhiên ban tặng xã Pha Mu vận động bà con phát triển các loại hình du lịch trên Vịnh Pá Khôm và cử cán bộ xuống đồng hành, giúp đỡ bà con trong quá trình xây dựng các nhà bè, làm homestay.

Hiện Vịnh Pá Khôm trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách vào dịp cuối tuần. Đến đây du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ bốn bề là vách núi với dòng nước trong xanh, mát rượi, ẩn hiện sau những rừng cây là những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Mông, Thái. Ngoài ra, du khách còn được tham gia các trò chơi như: trượt zipline, trải nghiệm mô tô nước, ca nô, chèo thuyền kayak, chụp ảnh check in, khám phá hang động là những trải nghiệm thú vị khi du khách lựa chọn đến với Vịnh Pá Khôm.

2-1703563685400-1703649549.png
Vịnh Pá Khôm trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách vào dịp cuối tuần. Đến đây du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ bốn bề là vách núi với dòng nước trong xanh.

Sau những giờ lênh đênh trên thuyền khám phá vẻ đẹp của Vịnh Pá Khôm, du khách còn được thưởng thức những món ăn do chính bà con tự tay nuôi trồng và chế biến như: cá nướng pa pỉnh tộp, dê nướng tảng, gà nướng, nộm rau rừng, da trâu muối chua… Từ bàn tay chế biến khéo léo của bà con, những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mông trở nên hấp dẫn, thơm ngon, khiến du khách ăn một lần để rồi nhớ mãi hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoàn (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: "Những ngày cuối tuần gia đình tôi thường tổ chức đi du lịch, sau khi lên mạng nghiên cứu tìm hiểu chúng tôi đã lựa chọn điểm đến Vịnh Pá Khôm. Tôi thực sự ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành, yên tĩnh nơi đây. Các thành viên trong gia đình đã có những trải nghiệm thú vị, khó quên khi chèo thuyền kayak, trượt zipline và thưởng thức các món ăn dân tộc, những điệu hát, múa của các cô gái Thái, Mông. Sau khi trở về tôi sẽ giới thiệu tới bạn bè, người thân để mọi người biết nhiều đến mảnh đất Pha Mu".

Đến Pha Mu du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều hang núi, cách trung tâm xã khoảng 2km về phía Bắc, đi qua bản Chít, leo lên núi khoảng 500m là đến hang Kết Hoi (Vảy Ốc). Trong hang, có nhiều nhũ đá, hình thù lạ mắt sẽ khiến du khách ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.

Bản Huổi Bắc cũng là một điểm đến hấp dẫn khi đặt chân đến xã Pa Mu. Bản có 50 hộ, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian bà con nơi đây vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm khèn Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong. Bà con sống đoàn kết tập trung phát triển các mô hình kinh tế: quế, mắc ca, mật ong rừng. Các hộ cam kết không trồng, không hút, không tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy; không di cư tự do, không chặt phá rừng.

Trong bản có 3 hộ đăng ký làm homestay, hy vọng trong thời gian tới bản sẽ đón được nhiều du khách đển bản tham quan. Người dân ở đây rất thân thiện, hiếu khách sẵn sàng mời bạn trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông.

1-1703563701606-1703649582.png
Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian bà con nơi đây vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như: dệt thổ cẩm, làm khèn Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong.

Được biết, để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, cuối năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Pha Mu đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/ĐU, ngày 29/12/2022 về phát triển du lịch xã Pha Mu giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Pha Mu cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế của xã, tạo tiền đề đến năm 2030, du lịch Pha Mu trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của huyện”.

Thực hiện mục tiêu này, từ năm 2021 đến năm 2023 xã đã vận động người dân trồng được 800 cây mận, đào, anh đào tại bản Huổi Bắc, vận động các hộ gia đình bản Pá Khôm, Pu Cay, Huổi Bắc tích cực chỉnh trang nhà cửa, cảnh quan; hình thành điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm Vịnh Pá Khôm. Trên địa bàn xã xây dựng được 5 homestay, hình thành hệ thống nhà hàng ăn uống, lưu trú.... mỗi tháng thu hút được 2.000 - 3.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến khám phá, trải nghiệm, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 7 - 9 triệu đồng. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được triển khai, kịp thời cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp và khách du lịch, mang hình ảnh, đất nước con người Pha Mu đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.

“Qua công tác tuyên truyền, Nhân dân các bản nhận thức được vai trò, nguồn thu nhập mang lại từ phát triển du lịch và phát triển du lịch không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Từ đó, tích cực chung tay xây dựng cơ sở vật chất, tham gia câu lạc bộ “Dân ca Thái”; Ban vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông. Nhân dân trong các bản tự giác trong công tác vệ sinh, xây dựng bản sáng, xanh, sạch, đẹp” - Ông Hoàng Phi Hùng - Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho biết thêm.

Thời gian tới, để du lịch xã Pha Mu trở thành điểm đến hấp dẫn, ngày càng phát triển bền vững và hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã, góp phần đưa Pha Mu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Xã cần có chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, chú trọng phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tăng cường sự quản lý điều hành của nhà nước về đầu tư nguồn lực cho phát triển du lịch. Kết nối các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước để Pha Mu có nhiều đoàn khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Anh Thư

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tu-ban-sac-den-phat-trien-du-lich-a2859.html