Ngắm chiều buông trên ruộng non sông Mã, nghe róc rách suối cá thần Cẩm Lương

Xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy cách thành phố Thanh Hóa chừng 80km, nơi đây có con sông Mã êm đềm chảy qua, cảnh vật xung quanh vừa trù phú tốt tươi vừa yên bình.

Giờ đường vào xã Cẩm Lương dễ dàng hơn mấy năm về trước, tuyến đường gồ ghề đã được trải nhựa thẳng tắp, xe đi không còn nghe tiếng lạch cạnh. Địa phương phát triển, đời sống người dân ấm no, nhiều thứ đã đổi khác nhưng cảnh vật thì vẫn như vậy, đẹp đẽ và yên bình.

Sông Mã chảy qua xã Cẩm Thủy nếu không phải ngày gió lớn thì hầu như chẳng thấy chút sóng gợn. Hai bên bờ sông nào tre, trúc, vầu, xanh, si... thi nhau vươn ra, như sà hẳn xuống dòng nước mát.

Nhờ sông Mã chảy vào tận giữa huyện tạo nên các bãi bồi đôi bờ rộng bát ngát mà người dân có thể làm nương ngô, nương lúa, mía, rau... xanh mướt một màu. Núi thấp cùng đồi len vào nhau, cắt xẻ vùng trũng tạo thành nhiều dạng địa hình, không quá xâm lấn mà vẫn hùng vĩ, thuận tiện canh tác. Cũng nhờ thế mà mỗi chiều muộn, khói bếp bay lên khiến người đi qua phải dừng trong giây lát vì quá yêu cái cảnh vừa  thanh bình vừa đượm buồn này.

506acc52aa430e1d5752-1723531029.jpg
Khúc sông Mã chảy qua địa phận xã Cẩm Lương nước trong veo. Vào thời điểm mưa lớn, nước sông đỏ quạch một màu, mang theo bao nhiêu dưỡng chất bồi đắp cho đôi bờ thêm trù phú xanh tươi.
3d00fe389c2938776138-1723530959.jpg
Trên cây cầu bắc qua sông Mã, các tuyến đường ở xã Cẩm Lương hầu như đã được trải nhựa hoặc đang tiếp tục mở rộng, cải tạo giúp việc di chuyển của người dân lẫn du khách trở nên dễ dàng hơn.
0009b871dc60783e2171-1723530979.jpg
Nhờ con sông Mã nuôi dưỡng, Cẩm Lương đôi bờ có nhiều vùng đồng bằng thích hợp để trồng lúa, ngô, mía các loại. Thời điểm này đang vào vụ lúa thu, những cánh lúa non xanh mướt đung đưa trong gió khiến tâm hồn con người trở nên bình lặng. Đằng xa, núi trùng điệp, rừng hoang vu càng làm cảnh vừa đẹp vừa có chút buồn, u tịch.
795f17967187d5d98c96-1723531029.jpg
Chẳng hiểu sao, khi đứng giữa mảng xanh trù phú, văng vẳng bên tai thanh âm của núi rừng tịch mịch... lại nhớ đến câu "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi" trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Người lữ khách cảm thấy cảnh và lời thơ như hợp thành một.
6e938ce6e8f74ca915e6-1723530979.jpg
Hai màu lúa xanh đôi bờ, núi đồi cao thấp trùng điệp, hùng vĩ trong làn khói lam chiều khiến ai  cũng phải nao lòng.
37e5e9d580c4249a7dd5-1723531008.jpg
Trên lộ tuyến 217 rẽ phải đến cầu Cẩm Lương bắc qua sông Mã, đi ước chừng 1km nữa sẽ đến suối cá thần Cẩm Lương. Đây mà một trong những đoạn đường đang được cải tạo, làm mới nhằm phục vụ khách du lịch đến tham quan cảnh đền và suối cá thần.
89fa54183d099957c018-1723531008.jpg
Trong khu vực suối cá, ngôi đền Long Vương hiện ra trong khói hương nghi ngút, cảnh hoang sơ nhưng không vắng lặng bởi tiếng đoàn khách nói cười pha lẫn tiếng róc rách của suối đang reo nghe rất rộn ràng.
137e02a16bb0cfee96a1-1723531008.jpg
Suối cá thần Cẩm Lương nổi tiếng nhiều cá. Loài cá thần ở đây bóng mướt, trên thân đôi khi hiện ra vài chiếc vảy đỏ kỳ lạ, mắt và miệng có màu hồng tươi như đánh son. Cá quần tụ thành nhiều bầy có thể đến hàng ngàn con, con nào con đấy mây mẩy, nhưng tuyệt nhiên không ai dám đánh bắt.
ab6b7e8d179cb3c2ea8d-1723531064.jpg
Ngôi đền Long Vương cổ kính, phủ đầy rêu phong, cây leo dại. 
f31e20fd49ecedb2b4fd-1723531063.jpg
Suối cá thần thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ban quản lý di tích thường xuyên nhắc du khách không tắm suối, thả chân hay cho cá ăn khi không được phép.
e4d0eb0f821e26407f0f-1723531064.jpg
Sự đông đảo của đàn cá ở khắp các con suối khiến không chỉ khu vực chính mà trong khe, trong động vẫn nghe tiếng quẫy đạp.
271ec4baa0ab04f55dba-1723531007.jpg
Đầu cột chạm đầu rồng có tuổi đời trăm năm của ngôi đền Long Vương, gắn với sự tích vượt vũ môn hóa long hình trong nhiều truyền thuyết Á Đông.
3f01c4cdaddc098250cd-1723530960.jpg
Suối ngọc đoạn gần động tiên.
866fa3b5c6a462fa3bb5-1723531029.jpg
Chợ Chiềng Đông ngay cạnh khu vực suối cá họp vào các ngày lẻ như 1,3,5,7,9... còn  các ngày chẵn chợ lác đác người. Theo người dân ở đây cho biết, chợ Chiềng Đông chủ yếu phục vụ nhu cầu buôn bán sản vật giữa người Kinh với người Mường.
52b478001d11b94fe000-1723531007.jpg
Nhiều sản phẩm là thuốc dân gian được bán ở đây. Người dân tộc bản xứ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đi rừng để tìm kiếm thuốc.
11e23c9c5e8dfad3a39c-1723530992.jpg
Một số mặt hàng sản vật khác như măng ngâm, chuối hột, rau sắng, củ đất, các loại củ ngâm rượu, rượu thuốc xoa bóp... cũng được mang ra bày bán.
8375e66c847d2023796c-1723531029.jpg
Trong những ngày phiên, mặt hàng buôn bán đa dạng hơn, có cả cua, ốc, cá đánh bắt từ sông Mã hoặc ruộng nương ở các bãi sông.
3befcae2a8f30cad55e2-1723530960.jpg
Cua và ốc ở đây nổi tiếng to, thịt ngọt, không tanh.
Bài và ảnh: Uy Danh