Gỡ "nút thắt" thị thực để vực dậy du lịch Việt Nam

Các chuyên gia trong ngành cho rằng nếu chính sách thị thực được nới lỏng hơn nữa, Việt Nam sẽ tạo động lực cho dòng hành khách quốc tế ngày càng tăng.

benjamin-wong-hsnpvb5onvw-unsplash-compressed-1679905687.jpg
Kinh thành Huế - Ảnh: Benjamin Wong

Năm 2022, trái ngược với sự tăng trưởng bùng nổ của khách du lịch nội địa, Việt Nam không đón được nhiều khách du lịch quốc tế như kỳ vọng. Ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa trở lại biên giới với khách du lịch quốc tế và nối lại hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực mở cửa. Được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá là quốc gia có chính sách cởi mở nhất.

Tuy nhiên, đến hết năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế lũy kế mà Việt Nam đón chỉ đạt 3,5 triệu lượt, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 5 triệu lượt. Nguyên nhân khách quan là do một số thị trường nguồn khách truyền thống của Việt Nam tại Đông Nam Á vẫn đóng cửa, cộng với các yếu tố địa chính trị, suy thoái kinh tế khiến dòng khách từ châu Âu bị hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch chỉ ra, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn là “điểm nghẽn”. Ông Chris Farwell - phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng yếu tố then chốt để thu hút du khách quốc tế là điều chỉnh ngay chính sách thị thực. Việc mở rộng danh sách các nước miễn thị thực (các nước châu Âu, Úc, New Zealand, Canada) và kéo dài thời hạn thị thực lên 30-45 ngày sẽ tạo đà cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư vấn Du lịch cũng kiến nghị đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, xem xét cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống cấp thị thực điện tử…

just-filip-mt1iihkbk1i-unsplash-1679907348.jpg
Tràng An, Ninh Bình - Ảnh: Just Filip

Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, bàn các nội dung liên quan đến việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ Công an, Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề xuất với Quốc hội: Trước tiên, nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Hai là cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ. Ba là nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.

andreea-popa-pknaorb1lvo-unsplash-compressed-1679907517.jpg
Bà Nà Hills, Đà Nẵng - Ảnh: Andreea Popa

Hiện nay, e-visa do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Việt Nam đang cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước. 

Với chính sách thị thực thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, văn hóa địa phương đặc sắc, người dân địa phương hiếu khách và các công trình kiến trúc ấn tượng, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới trên thế giới và là lựa chọn lý tưởng cho những kỳ nghỉ dài ngày của giới thượng lưu toàn cầu, những đám cưới xa hoa, sự kiện quốc tế và hơn thế nữa. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, nếu biết nắm bắt cơ hội này để thu hút khách du lịch từ Trung Quốc và các thị trường lớn khác như Đông Nam Á, Ấn Độ, Châu Âu, Châu Mỹ thì mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

 

T.Đ

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/go-nut-that-thi-thuc-de-vuc-day-du-lich-viet-nam-a905.html