Sau đây là các địa điểm mà du khách nên "bỏ túi" khi đến Đà Lạt mà Vietnamtraveller đã tổng hợp.
1. Hồ Than Thở
Trước đây hồ nước này có tên là Lacdes Soupirs, được dùng để làm nơi cung cấp nước cho người dân sinh hoạt, qua nhiều lần đổi tên thì hồ được gọi với cái tên hồ Than Thở như ngày nay.
Sở dĩ có cái tên nghe não lòng như thế là do gắn với câu chuyện tình của chàng thanh niên Hoàng Tùng và thiếu nữ Mai Nương. Tương truyền rằng vào thời kỳ của vua Quang Trung, lúc bấy giờ giặc ngoại xâm đang tiến vào xâm chiếm đất nước, trai tráng khắp nơi hưởng ứng lời kêu gọi tòng quân lên đường chống giặc-trong đó có chàng thanh niên Hoàng Tùng. Vào đêm trước lúc tòng quân ra trận, Hoàng Tùng và Mai Nương đã dạo quanh hồ và than thở, tâm sự và cùng nhau "hẹn ước" sau khi thắng trận sẽ trở về bên nhau.
Thế nhưng sau một thời gian thiếu nữ Mai Nương lại nghe tin người yêu của mình đã tử trận, nên buồn bã mà gieo mình xuống hồ tự vẫn theo người yêu. Tuy sau đó chàng Hoàng Tùng không hề tử trận mà trở về và tìm lại người yêu khi xưa, nhưng lại nghe tin người yêu của mình đã không còn, chàng cũng đau buồn mà trầm mình xuống hồ để giữ trọn lời hẹn thề bên nhau khi xưa. Và cảm động trước câu chuyện tình lãng mạn,bi ai ấy, người dân đã gọi khu vực hồ mà cặp đôi này trầm mình là hồ Than Thở để tưởng nhớ cũng như thể hiện sự cảm động trước câu chuyện tình chung thủy của Hoàng Tùng và Mai Nương.
Khi đến tham quan hồ Than Thở ngoài tận mắt ngắm một địa điểm lãng mạn-như là nơi chứng kiến một chuyện tình chung thủy, thì du khách có thể tham gia hoạt động cưỡi ngựa quanh bờ hồ, đi thuyền trên hồ, cắm trại,....
2. Đồi thông hai mộ
Là một địa điểm nữa gắn với câu chuyện tình vừa đẹp lại vừa bi ai không kém hồ Than Thở đó chính là câu chuyện ở đồi thông hai mộ. Khi nhắc đến các địa điểm nổi tiếng ở Đà Lạt có lẽ không ai không biết đến nơi này, được gọi như vậy là vì tại giữa rừng thông gần hồ than thở có một ngọn đồi, tại nơi này gắn với câu chuyện tình nổi tiếng của người thanh niên tên Vũ Minh Tâm và cô gái tên Lê Thị Thảo. Chuyện kể rằng vào những năm trước 1975, chàng thanh niên tên Tâm là con của một gia đình giàu có tại Gò Công (Tiền Giang) lúc bấy giờ đang theo học tại trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt ( trường trước năm 1975- nay là học viện Lục quân) đem lòng yêu cô Thảo là giáo viên của một ngôi trường tại Đà Lạt và hai người đã cùng nhau "thề non hẹn biển", tuy nhiên gia đình của chàng trai lại không chấp nhận do không "môn đăng hộ đối" và ép anh phải cưới một người con gái khác theo sự sắp đặt.
Vì không đến được với tình yêu của mình, người thanh niên Vũ Minh Tâm đã xin ra chiến trường tham gia chiến đấu và dặn dò người yêu mình sẽ trở về, nhưng được một thời gian thì có tin báo tử từ chiến trường về vì quá đau khổ trước cái chết của người yêu mình cô Thảo đã gieo mình xuống hồ Than Thở (là nơi hai người vẫn thường hẹn hò lúc trước) để tự vẫn nhằm giữ trọn lời thề ước bên nhau. Trước khi chết nàng để lại bức thư xin người nhà chôn nàng trên đồi thông.
Nhưng vì tin báo tử đã bị nhầm lẫn nên sau khi Tâm trờ về và biết rằng Thảo đã chết và được chôn trên đồi thông. Anh đã đau buồn, sau đó cũng tự tử theo để giữ trọn lời "thề non hẹn biển" với người con gái mà anh yêu thương. Trước khi chết, anh để lại bức thư tuyệt mệnh với ước nguyện được chôn xác bên cạnh mộ nàng để hai người mãi mãi được gần nhau. Nên sau đó người ta đã chôn cất anh cùng chỗ với ngôi mộ của người yêu mình và từ đó tạo thành ngôi mộ đôi và được gọi là đồi thông hai mộ
Khi đến tham quan tại khu vực đồi thông hai mộ, du khách ngoài có thể quan sát được nơi như là "di tích" của một chuyện tình lãng mạn, cảm động, thì du khách còn có thể cảm nhận được vẻ đẹp nguyên sơ hùng vĩ không kém phần nên thơ của rừng thông.
3. Hồ Xuân Hương
Được ví như là "viên ngọc xanh" giữa lòng thành phố Đà Lạt mờ sương, trước kia khoảng đất của khu vực hồ Xuân Hương chỉ là dãy đầm trũng bạt ngàn. Thấy được tiềm năng về địa thế - cảnh quan, công sứ Pháp Cunhac lúc bấy giờ mới đề nghị dẫn nước từ suối Cam Ly gần đó, ngăn đập tạo hồ. Công trình hồ Xuân Hương được khởi công năm 1919, với tên tiếng Pháp cũ là Grand Lac (“Đại Hồ”). Đến năm 1953, nhà báo Nguyễn Vỹ - Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt thời đó đã chuyển tên hồ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt gọi là hồ Xuân Hương đến ngày nay.
Du khách khi đến vui chơi tại khu vực hồ Xuân Hương có thể cảm nhận sự yên tĩnh, bình yên, cùng không gian trữ tình tại nơi đây với những hàng thông thẳng tắp cùng bãi cỏ xanh mướt hòa trong không gian se lạnh mờ sương ven bờ hồ Xuân Hương, tại đây du khách có thể tham gia các hoạt động như đi xe ngựa quanh bờ hồ, đi xe đạp đôi quanh bờ hồ, đạp vịt, ...Và đặc biệt khi ghé thăm nơi đây vào ban đêm sẽ càng thêm thú vị bởi không khí mát mẻ và ngắm nhìn những ánh đèn điện lung linh, huyền ảo của các công trình ven bờ hồ như quán cà phê, nhà hàng tỏa xuống mặt hồ, khiến cho khung cảnh hồ càng thêm hấp dẫn, long lanh vô cùng thú vị.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/nhung-dia-diem-ma-du-khach-nen-tham-quan-khi-den-da-lat-a886.html