Qua 2 năm gián đoạn do dịch Covid -19, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2022 sẽ được UBND tỉnh Hà Giang tổ chức khai mạc vào hồi 20 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 26/4/2022 (tức ngày 26/3 âm lịch) tại sân khấu Mê cung đá, xã Khâu Vai và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong lưu xã Khâu Vai.
Đến với Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2022, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm, khám phá các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang như: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà Lễ cầu duyên tại khu vực miếu Ông, miếu Bà Lễ cầu an.
Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức các tiết mục đặc sắc văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của người dân nơi đây như: Trình diễn thổi khèn Mông của xã Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc; Hát dân ca dân tộc Nùng; Hát dân ca dân tộc Giáy; Múa trống đồng, múa kéo nhị của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa nón, múa khăn của dân tộc Giáy thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; Múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban; Múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô, xã Xín Cái; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, thị trấn Mèo Vạc; Múa trống của dân tộc Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà; Hát đối giao duyên qua ống dây của dân tộc Mông các xã: Lũng Pù, Giàng Chu Phìn; Múa, thổi khèn đơn, khèn đôi của dân tộc Mông xã Sủng Trà.
Ngoài ra du khách còn được tham quan, trải nghiệm khám phá thung lũng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái tại Mê cung đá (xã Lũng Pù, Khâu Vai); tham quan, trải nghiệm khám phá chinh phục tuyến đi bộ Vách đá thần Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 ngắm hẻm vực Tu Sản - Mã Pì Lèng; tham quan, chụp ảnh cầu tình yêu tại Mê cung đá, xã Khâu Vai.
Chợ tình Khâu Vai là một phiên chợ tình, chợ phong lưu nổi tiếng ở Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, tỉnh Hà Giang, cách thị xã Hà Giang 180 km, ở cuối con đường đèo.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai bắt nguồn từ năm 1919 đến nay đã hơn 100 năm. Tương truyền ngày xưa ở vùng Khâu Vai có một gia đình nông dân nghèo với ba người con trai khỏe mạnh, khôi ngô, tuấn tú và rất giỏi việc săn bắt. Tuy nhà nghèo nhưng các chàng trai hàng ngày luôn cố gắng làm lụng, khai thác song mây đem sang vùng Bảo Lạc để đổi lấy vải, dầu, muối phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Trong đó chàng trai thứ ba sở hữu giọng hát rất hay, tài thổi sáo cũng như lòng tốt bụng luôn khiến dân làng yêu quý. Họ trìu mến đặt tên cho chàng là Chàng Ba. Hầu như các cô gái trẻ trong làng đều đem lòng yêu mến Chàng. Trong đó, tiếng sáo của Chàng đã vô tình làm trái tim của người thiếu nữ trong một gia đình tộc trưởng nọ ở làng người Giấy gần đấy thổn thức.
Tiếng hát của Nàng hòa quyện vào tiếng sáo của Chàng trở thành một trong những thanh âm đẹp đẽ, say đắm lòng người. Mối tình của hai người cứ thế càng rực lửa, bùng cháy. Tuy nhiên sự cấm đoán từ gia đình và họ hàng đã chia cắt tình cảm thắm thiết của cả hai. Nhiều lần Nàng Út đã trốn gia đình ra bờ suối cùng chàng ba gặp gỡ tâm tình nhưng đều bị cha mẹ sai người bắt về và nhốt trong buồng.
Do đó cả hai đã quyết định bỏ lại sau lưng những định kiến, dùng lời hát và tiếng sáo để cùng nhau hò hẹn đi trốn lên một hang núi ở Khâu Vai. Tuy nhiên chẳng được bao lâu, gia đình hai bên đã biết được và cho rằng cả hai đã phá lệ làng. Kiên quyết ngăn cấm cả hai đến với nhau. Thương cha mẹ, anh em phải đổ máu vì một cuộc tình còn đang dang dở, cả hai đành kiềm nén giọt nước mắt để chia tay nhau và trở về bản của mình. Không quên hẹn thề kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hứa rồi sẽ quay lại núi Khâu Vai vào 27 tháng 3 âm lịch hàng năm để gặp gỡ.
Cũng từ đấy mà lễ hội chợ tình Khâu Vai đã trở thành một trong những lễ hội dành cho những cặp đôi có duyên mà không phận. Cứ vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm, các cặp đôi lại tụ về nơi đây, gạt bỏ hết những ràng buộc của lễ giáo Phong Kiến, những tập tục lạc hậu mà cùng ngồi lại trò chuyện, tâm sự dẫu có thể đã xa cách nhau từ lâu.
Họ kể cho nhau nghe những vui buồn cuộc sống và cất lên những giai điệu dân ca quen thuộc để gửi gắm tình thương và nỗi nhớ vào từng lời hát. Tuy rằng mỗi người đã có một mái ấm gia đình nhưng mỗi khi lễ hội diễn ra sẽ không còn tồn tại sự ghen tuông. Cặp đôi tìm thấy nhau có thể ngồi tâm sự suốt cả đêm một cách hoàn toàn trong sáng. Đây chính là một trong những nơi để người dân có thể đến vui chơi mùa xuân, tìm một nửa của mình cũng như bày tỏ những tâm tình giấu kín.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai là một trong những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Tày đã hơn 100 năm. Phiên chợ tình huyền thoại này đã trở thành nơi để những cặp đôi yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau hò hẹn và tâm tình mỗi năm. Bắt nguồn từ năm 1919 đến nay, lễ hội chợ tình Khâu Vai vẫn được duy trì hơn trăm năm như một nét đẹp văn hóa truyền thống.
Mỗi khi đến ngày này diễn ra lễ hội, phiên chợ lại nhộn nhịp, náo nhiệt hơn bao giờ hết. Nam thanh nữ tú lũ lượt kéo nhau về đây trong những màu áo dân tộc sặc sỡ, xinh xắn và hòa mình vào dòng chảy lễ hội để kiếm tìm một nửa của chính mình.
Ngoài mục đích làm điểm hẹn nên duyên cho các cặp đôi, chợ tình Khâu Vai còn diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc cũng như là nơi buôn bán vô cùng nhộn nhịp. Ngày nay, lễ hội chợ tình Khâu Vai đã trở thành một phần không thể thiếu trong du lịch Hà Giang bởi tính độc đáo và bản sắc văn hóa được truyền tải thông qua phiên chợ tình.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/giao-duyen-cho-tinh-khau-vai-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a744.html