Chiều ngày 14/10/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá và kích cầu du lịch tỉnh Hà Giang tại khách sạn Mường Thanh (78 Thợ Nhuộm, Hà Nội).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết du lịch Hà Giang đã trở thành một điểm sáng hấp dẫn du khách trong nước lẫn quốc tế. Năm 2023 Hà Giang đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 10% vào GDP của địa phương. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hà Giang đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó có 290 nghìn lượt khách quốc tế.
“Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch của toàn tỉnh Hà Giang. Trong 2 năm 2023 – 2024, bên cạnh những chỉ số phát triển đáng chúc mừng, Hà Giang còn đạt được nhiều giải thưởng về du lịch, đặc biệt là 2 giải thưởng danh giá của Tổ chức du lịch thế giới là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á 2023” và “Điểm đến du lịch văn hóa khu vực hàng đầu Châu Á 2024”. Điều đáng nói là Hà Giang đạt được các thành tựu này khi chưa giải phóng toàn bộ nội lực của địa phương. Trong thời gian tới, Hà Giang vẫn có thể đẩy mạnh hơn nữa khả năng phát triển du lịch. Đặc biệt nên quảng bá 2 danh hiệu được trao bởi Tổ chức Du lịch thế giới đã nói ở trên song song với quảng bá trên nền tảng số. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nên tiếp tục quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch để tăng tính chuyên nghiệp lẫn chất lượng phục vụ” - ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ sự sẻ chia sâu sắc với chính quyền, người dân và những người làm du lịch tỉnh Hà Giang đã phải chịu thiệt hại do bão Yagi gây ra. Cơn bão đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, làm tê liệt các chương trình lẫn kế hoạch phát triển văn hóa, du lịch của địa phương.
Hà Giang vốn được biết đến là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu của miền Bắc. Nơi đây đa dạng các lớp địa hình từ đồi núi, thung lũng, lòng chảo… cảnh vật đa phần hoang sơ, chưa bị khai thác quá mức. Nhiều điểm đến thương hiệu phải kể đến như: Cột mốc số 0, cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, làng văn hóa Lô Lô Chải…
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, với mỗi mùa hoa, mùa khí hậu, Hà Giang lại khoác lên mình một tấm áo mới đầy màu sắc, làm xao xuyến lòng người. Vùng đất này có nền văn hóa đa dạng, mang nét đặc sắc của 19 dân tộc, mỗi dân tộc lại có câu chuyện riêng, tập quán riêng cùng cách sinh hoạt độc đáo.
“Hà Giang là vùng đất du lịch đầy hứa hẹn, do được thiên nhiên ưu đãi và có nét văn hóa đặc sắc, sự giao thoa của 19 dân tộc. Đây sẽ là những “thỏi nam châm” thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài. Mặc dù hay hứng chịu thiên tai, thường xuyên bị sạt lở đất nhưng công tác khắc phục và đầu tư đường xá của tỉnh lại rất nhanh chóng và khẩn trương. Điều này có lợi ích vô cùng to lớn, bởi lộ tuyến du lịch ở đây phải di chuyển nhiều, đường núi quanh co, nên nếu được đầu tư đường xá sẽ thu hút đa dạng nhóm khách du lịch, từ tham quan, nghỉ dưỡng cho đến các đoàn "phượt" mạo hiểm", ông Vũ Thế Bình phân tích.
Về vấn đề cơ sở hạ tầng và đường xá, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thông tin thêm, hiện tỉnh đã ban đầu khắc phục xong tình trạng sạt lở, khơi thông một số tuyến đường du lịch trọng yếu và lắp biển cảnh báo tại một số nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn, đồng thời điều hướng, hướng dẫn các đoàn chọn lộ tuyến mới để tham quan.
Với mong muốn đưa Hà Giang trở thành địa phương "du lịch bốn mùa", ông Nguyễn Hồng Hải muốn quảng bá về hình ảnh các loài hoa ở vùng đất "đá mọc trên nương".
"Đến Hà Giang trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, du khách có thể tìm hiểu văn hóa ăn tết của người dân tộc thiểu số, ngắm hoa đào lấm tấm, hoa lê, hoa mận trắng muốt khắp rừng. Đến tháng 5 và tháng 6 lại có hoa mộc miên (hoa gạo) và đỗ quyên rực đỏ; hoặc tham quan vùng đồi chè đặc sản, nơi một số cây chè có tuổi thọ nửa thiên niên kỷ. Sang tháng 7, du lịch Hà Giang tập trung khai thác tuyến du lịch tâm linh thăm chiến trường Vị Xuyên, ngắm bảo vật quốc gia tại nhiều đền trên địa bàn tỉnh. Mùa lúa chín vàng và thác đổ trắng xóa vào tháng 8, tháng 9 làm nao lòng nhiều du khách. Cuối cùng, đặc biệt hơn cả, mùa hoa tam giác mạch - biểu tượng của Hà Giang vào tháng 12, biến thời gian này trở thành cao điểm du lịch sôi động nhất", ông Nguyễn Hồng Hải phát biểu.
Ngoài hoa, Hà Giang còn được biết đến với 8 lễ hội lớn, trong đó có 4 lễ hội độc bản, là nét văn hóa truyền thống lâu đời thu hút khách quốc tế gồm có Lễ hội nhảy lửa, Lễ hội kéo chày, Lễ hội liếm lưỡi cày và nghi lễ nhúng tay chảo dầu đặc sắc.
Với lợi thế lớn do được thiên nhiên ưu đãi, có cộng đồng người dân tộc thiểu số bản địa sinh sống lâu đời và nét văn hóa tiêu biểu, Hà Giang thực sự vẫn là vùng du lịch có thể đẩy mạnh khai thác hơn nữa về cả chiều rộng và chiều sâu.
Một số hình ảnh tại buổi hội nghị:
Uy Danh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ha-giang-day-manh-phuc-hoi-tang-toc-phat-trien-va-tang-cuong-quang-ba-hinh-anh-du-lich-a5881.html