“Bà con ơi… lại mà xem “Chuyện phố Hàng” nào!”.
“Nhà tôi làm nghề thuốc Nam đã bốn đời rồi đấy. Thầy tôi năm nay cũng gần 80, bắt mạch kê đơn nổi tiếng khắp một vùng”.
“Kia là cậu cả nhà tôi, đích tôn của gia đình, chẳng màng việc truyền thống”…
Trong không gian xinh xắn nơi nhà cổ số 87 phố Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội, một gia đình trung lưu có truyền thống làm nghề thuốc đã từng sinh sống ở đây. Cái nếp cổ Hà Nội thanh lịch, nhã nhặn không có chỗ cho sự ồn ào, bừa bãi. Dù là cửa hàng thuốc, bệnh nhân đông nhưng chỉ nghe văng vẳng tiếng xì xầm, thoang thoảng mùi thuốc phơi khô quyện trong khói bã trà trộn vỏ bưởi vừa mới đốt.
Người xưa có câu “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, nếp cổ - nếp nhà ở Hà Nội là bảo ban nhau cùng vun vén gia đình và tiếp nối câu chuyện truyền thống. Trong không gian ấy, dù nhỏ bé nhưng ngọn lửa văn hóa lại hừng hực bùng cháy, thổi sâu vào tâm khảm mỗi người khi đến xem “Chuyện phố Hàng” - một mảnh ký ức độc đáo, tốn nhiều công phu lẫn tâm huyết của nữ đạo diễn/đồng tác giả NSƯT Lê Ánh Tuyết.
“Hà Nội đang trong không khí hào hùng của Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi rất vinh dự và tự hào vì được là người thổi hồn vào chương trình “Chuyện phố Hàng” nhân dịp đặc biệt này. Đối với tôi văn hóa luôn đẹp một cách tuyệt vời, văn hóa Hà Nội lại càng là một mảnh ghép ý nghĩa trong dòng chảy lịch sử của đất nước.
Hình tượng hóa văn hóa trở thành một tác phẩm nghệ thuật là công việc mà chúng tôi, những nghệ sĩ, diễn viên luôn đau đáu. Trong ngôi nhà cổ số 87 Mã Mây, nét văn hóa Hà Nội xưa lại càng sáng lên theo cách thanh tân, lịch sự nhất, không hề khoe mẽ, trái lại rất đỗi nhẹ nhàng. Tôi hi vọng “Chuyện phố Hàng” có thể thu hút nhiều du khách nước ngoài, chỉ vì một lý do duy nhất, chúng tôi muốn quảng bá văn hóa và nét đẹp trong cách sống của người Thủ đô”, NSƯT Lê Ánh Tuyết tâm huyết chia sẻ.
“Chuyện phố Hàng” là tour thực cảnh văn hóa Bắc bộ lấy bối cảnh một gia đình trung lưu bốn đời làm nghề thuốc. Diễn ra tại nhà cổ di sản số 87 Mã Mây, buổi biểu diễn nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Chương trình do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội kết hợp với nhóm nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện.
Đáng chú ý, “Chuyện phố Hàng” là 1 trong 7 sự kiện văn hóa lớn bao gồm: Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi”, Trưng bày “Ký ức Hà Nội – 70 năm”, Trưng bày chuyên đề và tour du lịch thực cảnh “Chuyện phố Hàng”, Triển lãm ảnh “Hà Nội ngày tiếp quản”, Triển lãm ảnh “Hà Nội – một thời để nhớ”, Biểu diễn âm nhạc truyền thống “Đông Kinh cổ nhạc”, Triển lãm trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô”.
Trong tour thực cảnh, khán giả sẽ được “xuyên không” về thời gian những năm 40 đến 50 của thế kỷ trước. Chứng kiến cuộc sống thường nhật của một gia đình có nghề thuốc lâu đời, thấy rõ cách ứng xử, đi, đứng, nằm, ngồi cùng mối tương quan, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau, giữa người với người và hoàn cảnh.
Cứ tưởng sẽ là một câu chuyện nghịch cảnh, nhưng cách kết thúc của kịch bản hóa ra lại mở ra một tương lai tươi sáng hơn với các nhân vật. Từ bố chồng, nàng dâu, đến cháu đích tôn và "cô gái nọ". Trong mối quan hệ tình cảm gia đình, sự chấp nhận và gắn kết lứa đôi mang khán giả đến gần với câu chuyện hơn như chính bản thân họ được trải qua.
Phía cổng ngoài của nhà cổ, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đứng chờ từ chiều để được xem buổi biểu diễn. Theo ông Cao Quốc Trung – Phó giám đốc miền Bắc công ty VIDO tour cho biết, du khách nước ngoài rất hào hứng và có mối quan tâm đặc biệt với văn hóa Việt Nam.
“Người nước ngoài rất hứng thú với văn hóa Việt, đặc biệt họ thích được trải nghiệm trực tiếp các loại hình văn hóa như show thực cảnh, thăm làng nghề, nghe nhạc dân gian… Văn hóa Việt Nam cũng có những nét phân hóa, phát triển theo cách riêng ở mỗi vùng miền càng làm cho nếp sống, truyền thống thêm đa dạng. Du khách đa phần đều sẽ không bỏ lỡ những tour văn hóa như thế” - ông Cao Quốc Trung cho biết.
Về khía cạnh thu hút du khách, NSƯT Lê Ánh Tuyết cho biết thêm, trong thời gian tới tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng” sẽ tiếp tục được biểu diễn và có thể thu phí với du khách nước ngoài. Điều này tạo ra hiệu ứng tích cực hơn và giúp làm tăng giá trị của show diễn. Du khách trải nghiệm tour mang tâm lý tiếp cận hơn, chứ không hời hợt vì nghĩ đây là chương trình miễn phí. Mặt khác, thu phí cũng là một sự khích lệ nhỏ để gửi lời cảm ơn tới các diễn viên, những người tâm huyết đang truyền đạt văn hóa.
Một số hình ảnh khác về chương trình tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng” (tổng duyệt):
Uy Danh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tiem-nang-thu-hut-khach-du-lich-qua-khong-gian-van-hoa-chuyen-pho-hang-a5852.html