Quê hương của "Bà chúa thơ Nôm" trở thành điểm du lịch

Làng Quỳnh Đôi thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây còn là mảnh đất có truyền thống hiếu học khoa bảng, "cái nôi" nuôi dưỡng nhiều bậc văn sĩ nổi tiếng.

Ngày 24/9, UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu - quê hương "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương - là điểm du lịch. UBND huyện Quỳnh Lưu được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để quản lý điểm du lịch này, nhằm bảo vệ và phát triển các giá trị du lịch sẵn có, tạo điều kiện cho du khách tham quan, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.

Theo Luật Du lịch, điểm du lịch được quy định là nơi có tài nguyên cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, được đầu tư, khai thác phục vụ khách. Nơi được công nhận là điểm du lịch được quyền tổ chức kinh doanh du lịch, thu phí, tổ chức thuyết minh và phải đảm bảo trải nghiệm cùng các dịch vụ cho du khách.

Làng Quỳnh Đôi thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây còn là mảnh đất có truyền thống hiếu học khoa bảng, "cái nôi" nuôi dưỡng nhiều bậc văn sĩ nổi tiếng. Từ năm 1444 đến 1725, làng Quỳnh Đôi có 707 người đỗ đạt từ các cấp bậc tam giáp, nhị giáp đến tiến sĩ.

quynhdoi1a-1727233742.jpg
Nhà thờ họ Hồ - Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (năm 1992)

Đây còn là điểm đến về văn hóa, du lịch nổi tiếng của Nghệ An, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia và cấp tỉnh. Quỳnh Đôi có 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia, bao gồm: Đình Quỳnh Đôi, Nhà thờ họ Hồ, Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, Đền thờ Hoàng Khánh, Nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu, Mộ và Đền thờ Hồ Sỹ Dương, Đền Thần, và Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Tích.

Đầu tháng 4, trong văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến điều chỉnh tên gọi của 8 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, huyện Quỳnh Lưu đề xuất ghép tên mới cho các xã, trong đó có xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành tên xã mới Đôi Hậu. Tuy nhiên, đề xuất này vướng nhiều ý kiến trái chiều; người dân không đồng tình với tên này vì muốn giữ lại tên gọi Quỳnh Đôi.

Giữa tháng 4, xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu đề xuất lấy tên mới sau sáp nhập là Quỳnh An với ý nghĩa bình an, an yên. Ngoài ra, Quỳnh An còn là tên ghép chữ Quỳnh của huyện Quỳnh Lưu và chữ An của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được đồng thuận.

Đầu tháng 6, Tỉnh ủy Nghệ An quyết định trong giai đoạn 2023-2025 chưa sáp nhập xã Quỳnh Đôi với Quỳnh Hậu, sẽ xem xét vào giai đoạn 2026-2030.

quynhdoi32-1727233738.jpg
Quê hương của "Bà chúa thơ Nôm" trở thành điểm du lịch

Cuối năm 2023, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Công ty du lịch bền vững Việt Nam đã phối hợp tổ chức khai trương tour du lịch “Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang” tại xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).

Nói về tour "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang", người ta không thể không nhắc đến truyền thống của làng. Theo đó, làng Quỳnh Đôi xưa kia có hai nghề chính là nghề "học", nghề "làm thầy đồ" và nghề dệt nuôi các sĩ tử đi học. Trong những ngày đầy khó khăn, cơ cực, người làng Quỳnh đã phải vượt qua bao gian nan, nỗ lực mới giữ được truyền thống hiếu học, khoa bảng. Chính vì thế, họ luôn tự hào với câu chuyện “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”.

Hình ảnh “Làng cá gỗ” ở Quỳnh Đôi thể hiện tinh thần “khổ luyện thành tài”, gợi nhớ chuyện xưa về truyền thống hiếu học, còn giữ mãi đến ngày nay. Có thể nói “Con cá gỗ” đã làm nên những “ông nghè, ông tổng” của làng Quỳnh. Với tên gọi "Làng cá gỗ - Sau ánh hào quang", tour du lịch như một lời nhắc nhở về sự tiếp nối truyền thống hiếu học, luôn vượt khó, vượt nghèo của người dân làng Quỳnh. Đâu đó trong những điệu hát, trong những di tích văn hóa, "Làng cá gỗ” thấp thoáng ánh hào quang khiến du khách gần xa nhớ về mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” này.

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/que-huong-cua-ba-chua-tho-nom-tro-thanh-diem-du-lich-a5724.html