Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam

Sáng ngày 18/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam - Định hướng và giải pháp”.

Chủ trì Hội thảo có TS. Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

Bên cạnh đó, tham dự Hội thảo còn có TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL); PGS.TS Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL); đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch địa phương; cùng các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp du lịch.

1-1726677009.jpg
TS. Phạm Văn Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết: "Thời gian qua, Việt Nam tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch đô thị… Với tiềm năng, lợi thế này, Việt Nam tăng cường phát triển một số loại hình du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng mới của thị trường như du lịch golf, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch đường sắt".

2-1726677018.jpg
TS. Nguyễn Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) phát biểu tại Hội thảo.
3-1726677017.jpg
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch phát biểu tại Hội thảo.

Du lịch đường sông đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt và ổn định, kết hợp với các sản phẩm du lịch sinh thái du lịch theo vùng... Tuy nhiên, du lịch đường sông chưa được coi là sản phẩm du lịch chính thức, cũng là liên kết yếu của du lịch Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực.

Do đó, tại buổi Hội thảo đã có rất nhiều những tham luận được đưa ra nhằm tạo tiền đề nghiên cứu, tham khảo cho các chuyên gia, doanh nghiệp. Đồng thời, các đại biểu, khách mời sẽ cùng nhau thảo luận, trao đổi, đánh giá thực trạng, chỉ ra tồn tại, hạn chế, đóng góp ý kiến, đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam. 

5-1726679446.jpg
GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Đính trình bày tham luận về Du lịch đường sông và một số vấn đề về định hướng phát triển du lịch đường sông Việt Nam.

Để du lịch đường sông phát triển tương xứng với tiềm năng, cần kết hợp giữa quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông kết nối liên vùng; quy hoạch sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đề ra các giải pháp về nguồn lực và tài chính, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng chính sách, thể chế phát triển du lịch đường sông; kế hoạch quảng bá, giới thiệu điểm đến.

Các đại biểu, khách mời cũng đã đề xuất, góp ý một số giải pháp cụ thể như: nghiên cứu kết hợp du lịch đường thủy gắn với hoạt động tìm hiểu lịch sử, tái hiện lịch sử, các trận chiến hào hùng trên sông nước; gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa; nghiên cứu số liệu khách du lịch qua đường thủy, phân tích các thị trường nguồn, thị trường tiềm năng để tìm hướng tăng cường thu hút khách du lịch. 

Nhìn chung, cần xây dựng các sản phẩm lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, ẩm thực kết hợp với du lịch đường sông. Đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan vùng sông nước, cơ sở hạ tầng để mời gọi doanh nghiệp tham gia, đầu tư. Đặc biệt, yếu tố giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững được đặt lên hàng đầu. 

Hai Hiền

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tiem-nang-thach-thuc-va-co-hoi-phat-trien-du-lich-duong-song-o-viet-nam-a5655.html