Tạp chí Vietnam Travel: Rong ruổi chuyến xe về Thanh Nghị - Hà Nam trợ giúp bà con vùng lụt

Xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam là một trong những xã đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi nước sông Đáy dâng cao, có nhà ngập qua mái.

Nhận được thông tin người dân xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cần giúp đỡ, đoàn của tạp chí Vietnam Travel lập tức lên đường.

Quãng đường di chuyển đến địa phận Hà Nam không mấy xa xôi nhưng trong lòng ai cũng thấp thỏm. Vì tình hình ngập lụt ở Chương Mỹ đã quá khó khăn, người dân không chỉ mất trắng tài sản, hoa màu, gia súc mà còn bị cô lập chưa rõ ngày nước rút nên ai nấy đều mong xã Thanh Nghị sẽ khả quan hơn.

545b57b1a30904575d185-1726263283.jpg
Thôn Bồng Lạng, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam ngập trong biển nước.

Ông Vũ Việt Trung – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Nghị, được biết công tác chuẩn bị ứng phó với ngập lụt do nước sông Đáy dâng cao được địa phương chỉ đạo từ sớm. Mặt khác, người dân các thôn vốn đã có kinh nghiệm sống chung với ngập lụt nên hiện tại không có thiệt hại về người, thiệt hại về của ở mức tối thiểu.

Hầu hết người dân được di chuyển đến các nơi cao hơn, một số nhà sâu trong vùng ngập bị cô lập được tiếp tế thường xuyên. Cá biệt có trường hợp người cao tuổi không chịu di chuyển sẽ có cán bộ tới động viên và giúp người nhà chăm sóc sức khỏe, cung cấp bữa ăn đầy đủ.

de4bf3d35c6ffb31a27e-1726263773.jpg
Ông Lê Tuấn, đại diện Vietnam Travel gửi bánh trung thu Nương Bắc tới bà Đinh Thị Nhung, chủ tịch MTTQ xã Thanh Nghị.
91a156e53b5d9c03c54c-1726280790.jpg
Cán bộ, nhân viên Công ty Bảo Việt Hà Nam có mặt ở xã Bồng Lạng. Ông Trần Mạnh Giới, trưởng nhóm kinh doanh Bảo Việt nhân thọ Hà Nam cho biết: “Toàn bộ 5 huyện và 1 thành phố bị ảnh hưởng bởi bão, lũ và bây giờ là ngập ở Hà Nam đều được công ty Bảo Việt nhân thọ Hà Nam quan tâm, giúp đỡ. Ngay từ sáng sớm chúng tôi đã hăng hái chất hàng lên xe, đến tận địa bàn để trao quà cho người dân, không ngại vào sâu bên trong khu ngập nặng”.

Hiện xã Thanh Nghị có 5 thôn chịu ảnh hưởng bởi nước sông dâng cao, trong đó thôn Bồng Lạng ngập nặng nề nhất, mực nước dù đã rút nhưng vẫn có nơi cao trên 2 m. Ở đây có 1.000 hộ dân, khoảng 3.000 nhân khẩu chiếm tới 60% dân số của xã nên việc di chuyển và tiếp tế cũng khó khăn và nặng nề hơn.

“Được sự trợ giúp của các cơ quan đoàn thể, công ty, nhà hảo tâm nên nhu yếu phẩm không phải là vấn đề cần ưu tiên. Điều quan trọng là làm thế nào để phân bổ nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt tới được tay người dân ở sâu bên trong các khu dân cư thôn Bồng Lạng. Nhất là nước sạch, chúng tôi có thể cung cấp nước uống, nhưng về lâu về dài người dân không có nước sinh hoạt để tắm giặt sẽ rất bất tiện. Thêm vào đó chúng tôi cũng cần sớm thành lập các đoàn để hỗ trợ bà con dọn dẹp và vệ sinh sau lũ, tránh gây ô nhiễm môi trường sống, dễ sinh ra bệnh dịch khó kiểm soát, vấn đề này chắc chắn nan giải nên cần ưu tiên đưa ra giải pháp thực hiện sớm và quyết liệt”, Bí thư xã Thanh Nghị cho hay.

cf8d1ed1456ee230bb7f-1726263283.jpg
Người dân di chuyển bằng thuyền do nước ngập sâu.
2cc01ea78e1b2945700a-1726263283.jpg
Mất điện, không có nước sạch, người dân ngồi trên mái nhà chờ tiếp tế.

Thực vậy, đi sâu vào vùng ngập lụt đoàn cứu trợ tạp chí Vietnam Travel được tiếp xúc với người dân. Nước ngập từ cổng làng Bồng Lạng, trải tới nhiều khúc sông khác nhau, mênh mông một màu vẩn đục, bốc mùi, rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh, thậm chí một số chỗ còn có phân gia súc. Dù xung quanh mênh mông nhưng nước sinh hoạt khan hiếm quả thực là vấn đề nan giải, đúng như chia sẻ của bà con “có nước mà lại thiếu nước”.

Bạn Lê Thị Oanh (27 tuổi) – Cán sự Đoàn thanh niên xã Thanh nghị làm công việc dọn dẹp rác thải vùng ngoài đã 3 ngày kể từ khi Bồng Lạng bị ngập. Oanh cho biết trong ngày đầu lũ về, bạn được điều động ngay trong đêm để giúp cán bộ xã cùng người dân di chuyển đồ đạc, sau đó làm công việc vệ sinh vòng ngoài như nhặt rác, tiêu hủy uế phẩm… Mặc dù huy động khá nhiều thanh niên và thường xuyên dọn dẹp nhưng môi trường sống xung quanh thôn Bồng Lạng không mấy khả quan vì nhiều lý do.

c6fcff745cccfb92a2dd-1726263773.jpg
Đoàn thanh niên dọn dẹp rác thải xung quanh thôn.

“Rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, gia súc, gia cầm bị chết và nước cống là lý do khiến môi trường ở đây ô nhiễm. Nhưng hiện tại do mực nước quá cao, chúng em chỉ có thể kêu gọi người dân tránh vứt rác xuống nước, đồng thời thường xuyên dọn dẹp vòng ngoài. Chờ khi nước rút, Đoàn thanh niên sẽ lập tức ra quân để thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, tiêu độc cũng như khử trùng toàn bộ thôn”, bạn Oanh cho hay.

Chia sẻ thêm về bất tiện trong sinh hoạt của người dân, bà Trịnh Thị Đông (66 tuổi) đội 2, thôn Bồng Lạng lại có kiến nghị nên xin tài trợ một số nhu yếu phẩm đặc biệt như xô, chậu, bô hoặc bỉm cho người cao tuổi.

“Nhiều gia đình như chúng tôi vừa ăn uống, vừa đi vệ sinh trong cùng một không gian. Nhà nào có tầng 2, tầng 3 thì đỡ khó khăn hơn, chứ nhà cấp 4 chỉ thêm một gác như nhà tôi thì sinh hoạt bất tiện và mất vệ sinh vô cùng”, bà Đông lộ rõ vẻ bất lực nói.

a04e0dfdae45091b5054-1726263773.jpg
Bà Trịnh Thị Đông chán nản vì điều kiện sống mất vệ sinh.

Về vấn đề phát quà cứu trợ, theo ông Đinh Xuân Hải – Trưởng thôn Bồng Lạng chia sẻ, mực nước ngập cao nhất có nơi trên 2m. Người dân chỉ có cách di chuyển bằng thuyền tới các điểm tập kết trao quà. Trên chiếc thuyền chòng chành đó, đoàn Vietnam Travel dẫu cố gắng cũng chỉ có thể đi một quãng ngắn vì càng vào sâu, thuyền càng dễ lật bởi sức nặng. Nhưng ở đây, thậm chí có cả các em nhỏ tự tin chèo thuyền bằng… dép, một mình tiến ra ngoài lấy nhu yếu phẩm về nhà thay cho cha mẹ.

54db4b67e8df4f8116ce-1726263773.jpg
Ông Đinh Xuân Hải, trưởng thôn Bồng Lạng chỉ đạo nhận quà tiếp tế.
0350cb569ce93bb762f8-1726263283.jpg
Ở một số chỗ ngập sâu, người dân phải bơi vào nhà.
be67b8de1b66bc38e577-1726263773.jpg
Trẻ em chèo thuyền bằng... dép, nhận đồ tiếp tế thay bố mẹ.

Ông Đinh Quyết Tiến (72 tuổi), người lớn lên ở làng Bồng Lạng cho rằng trận lụt năm nay là “chưa từng có”.

“Tôi sinh năm 1952, lớn lên ở làng, chứng kiến trận lụt năm 1968 đã thấy to rồi, đến năm 1985 lại có một trận lụt to hơn, rồi 2017 và cuối cùng năm nay 2024 đã vượt mọi kỷ lục trước đó. Nhà tôi ở vị trí cao nhất trong làng, xưa nay dù lụt nước cũng chưa vào đến sân vậy mà giờ nước đã ngập quá sàn nhà tôi”, ông Tiến bàng hoàng chia sẻ.

666186cd2575822bdb64-1726263773.jpg
Người dân bị cô lập sâu trong làng, tầng 1 hoàn toàn không thể sinh hoạt.
97287e87dd3f7a61232e-1726263772.jpg
Nước ngập sâu, ống cống, bể phốt làm không khí ô nhiễm.

Theo dự đoán của một số người cao tuổi có kinh nghiệm, nếu trời nắng to, không mưa, nước có thể rút trong 4 ngày tới. Nhưng nếu trời tiếp tục mưa lớn hoặc lũ tràn về, tình cảnh khổ sở "đi không được, ở không xong" của người dân có lẽ phải tiếp diễn trong thời gian dài.

Tạp chí Vietnam Travel xin chân thành cảm ơn các nhà hảo tâm, đơn vị Nương Bắc và mạnh thường quân đã hỗ trợ về nhu yếu phẩm, giúp cán bộ tạp chí đưa tận tay những người cần giúp đỡ. Trong số đó có nhà hảo tâm thậm chí không cần để lại tên tuổi, quyên góp ẩn danh hàng trăm bánh chưng, nước uống, bánh ngọt… Trong tình hình khó khăn, đây vừa là lòng tương thân tương ái vừa là sự cho đi không màng đáp lại. Vì việc tốt chẳng cầu được biết, tạp chí sẽ gửi trọn tấm lòng của quý vị tới người dân.


 

Uy Danh - Ảnh: Long Hưng

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tap-chi-vietnam-travel-rong-ruoi-chuyen-xe-ve-thanh-nghi-ha-nam-tro-giup-ba-con-vung-lut-a5605.html