Nét đẹp làng nghề: Đổ xăm hường – Thú chơi tao nhã của người Huế

Xăm hường là một trò chơi xuất hiện từ thời nhà Nguyễn ở Huế ngày xưa, sau đó phổ biến và dần lan truyền ra ngoài nhân dân đến ngày nay.

z5814973615817-c3f310f7cd478ec737cb86eee25677dc-1725951505.jpg

Trò chơi xăm hường xuất phát trong cung đình nhà Nguyễn, các cung nữ chơi xăm hường để thư giãn trong những lúc rảnh rỗi. Sau khi trò chơi ra khỏi cung cấm, xăm hường không chỉ giữ được nét tao nhã mà còn biến tấu để trở nên phù hợp hơn với đời sống dân gian. Các thẻ xăm hường dần trở thành một phần trong các dịp lễ hội tại Huế.

Thẻ xăm hường được làm từ những mảnh nhỏ bằng gỗ hay giấy có khắc các biểu tượng câu hỏi hoặc câu đố để tạo nên thách thức cho người chơi. Nếu ai không thể trả lời được, họ sẽ bị phạt bằng cách thoa "xăm hường" – một loại bột thơm được làm từ gạo nếp và tinh dầu hoa lên mặt.

z5814973594366-2bc5fc5ce6bb3791fee7ba20f00428d7-1725951505.jpg

Được biết, mỗi bộ xăm hường có tổng cộng 63 thẻ được khắc chữ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời phong kiến. Trong đó, có 32 xăm tú tài (1 điểm/xăm), 16 xăm cử nhân (2 điểm/xăm), 8 xăm tiến sĩ (4 điểm/xăm), 4 xăm hội nguyên (8 điểm/xăm), 1 xăm thám hoa, 1 xăm bảng nhãn (cùng 16 điểm/xăm) và xăm có điểm lớn nhất là trạng nguyên (32 điểm).

Theo luật chơi từ ngày trước, người chơi gieo 6 hột xúc xắc được khắc dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục (mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ, các mặt khác tô màu đen). Mỗi lần đổ xúc xắc, căn cứ vào mặt tứ để tính điểm, người chơi sẽ nhận về cho mình chiếc xăm với số điểm thích hợp.

z5814973582344-c904c72b873b4dbe8b35c74cef757573-1725951505.jpg

Ngày nay, với sự phát triển của xã hội hiện đại khiến trò chơi xăm hường dần bị lãng quên. Tuy nhiên, hiện tại ở Huế vẫn còn một cụ già miệt mài chế tác những thẻ xăm hường để cố gắng giữ lại hồn cốt của trò chơi xưa. Ông là người thợ cuối cùng và cũng là một trong số ít những người còn biết và nắm giữ bí quyết làm thẻ xăm hường.

"Đến hiện tại, mặc dù xã hội ngày càng hiện đại hơn nhưng tôi vẫn mong muốn gìn giữ và phát huy nghề cho thế hệ trẻ sau này biết đến nghề này cũng như trò chơi này. Nhưng điều tôi lo ngại cho đến hiện tại là thế hệ của tôi chưa có ai trong gia đình muốn tiếp nối nghề cả. Nên hiện tại tôi sẽ cố gắng nhất có thể để lưu truyền được nghề này", ông Tố - người duy nhất còn theo nghề nói.

z5814973606204-d8e62544a275ab46f32cb10e82d2f20f-1725951505.jpg

Hằng ngày, ông thường ngồi trong gian nhà nhỏ của mình, cẩn thận khắc những hoa văn lên từng thẻ gỗ. Những chi tiết nhỏ nhặt như đường khắc hay cách phối hợp màu sắc đều được ông thực hiện với lòng kiên nhẫn và yêu nghề. Những thẻ xăm hường ông làm không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang trong mình hồn cốt văn hóa của người Huế, là lời nhắc nhở về một thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật và trò chơi cung đình.

Trò chơi xăm hường không chỉ đơn thuần là một trò giải trí mà đây còn là một di sản văn hóa quý giá của Huế. Qua những biến tấu và cải tiến, trò chơi đã thích ứng với đời sống dân gian nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của mình. Đây là một minh chứng sống động cho sức mạnh văn hóa và sự bền bỉ của các giá trị truyền thống trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi các trò chơi dân gian đang dần mai một, việc gìn giữ và phát huy trò chơi xăm hường là vô cùng quan trọng. 

z5814973575984-804fd3d878e2c3eee1fd453e131da876-1725951510.jpg

Xăm hường không chỉ là một trò chơi, mà là một phần của lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Mặc dù trò chơi xăm hường có thể không còn phổ biến như trước, nhưng với sự nỗ lực của ông Tố vẫn miệt mài chế tác từng thẻ xăm hường, hy vọng rằng xăm hường sẽ được khôi phục và vẫn mãi mang trong mình một nét đẹp văn hóa Huế. 

Quang Huy - Xuân Thao

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/net-dep-lang-nghe-do-xam-huong-thu-choi-tao-nha-cua-nguoi-hue-a5558.html