Lỗ ròng nhiều năm liên tiếp, Vietnam Airlines tiếp tục âm vốn chủ sở hữu hàng chục nghìn tỉ đồng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024. Trong đó nợ phải trả lên đến 69.364 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airline âm đến 11.633 tỷ đồng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024, được kiểm toán bởi KPMG

Tại báo cáo này, kiểm toán đã nhấn mạnh nhiều vấn đề hiện hữu của Vietnam Airlines bao gồm nợ ngắn hạn, lỗ sau thuế của doanh nghiệp. Hãng hàng không quốc gia chính thức lỗ ròng trong nhiều năm liên tiếp.

Báo cáo cho thấy, tổng tài sản của Vietnam Airline tính đến ngày 30/6/2024 là 57.731 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn 16.271 tỷ đồng, tài sản dài hạn 41.460. Tổng số nợ phải trả của Vietnam Airline 69.364 tỷ đồng, trong đó khoản phải trả đã quá hạn của Vietnam Airline và các công ty con lên đến 13.351 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 40.787 tỷ đồng, dẫn đến âm vốn chủ sở hữu lên đến (-) 11.633 tỷ đồng.

Theo kiểm toán KPMG, khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty hàng không Việt Nam và các công ty con phụ thuộc chủ yếu vào việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airline và các công ty con.

Công ty áp dụng phương pháp tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân chữa bảo dưỡng máy bay và động cơ cho các năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2020, 2021 và 2022 theo hướng dẫn kế toán riêng được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Từ ngày 1/1/2023, phần chênh lệch luỹ kế giữa chi phí khấu hao và phân bố theo phương pháp đường thẳng và phương pháp được phê duyệt riêng nêu trên được Tổng Công ty tiếp tục phân bố theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, báo cáo nêu rõ.

vna-1725870136.webp
Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam liên tục báo lỗ ròng nhiều năm liên tiếp. Ảnh: Internet

Theo ban lãnh đạo Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc Tổng công ty thường xuyên đánh giá các ảnh hưởng và triển khai các giải pháp đối phó với các khó khăn về tình hình tài chính để Tổng công ty và các công ty con có thể duy trì khả năng hoạt động liên tục. Các giải pháp đã và đang thực hiện bao gồm:

Về quản lý hoạt động: Với các diễn biến tích cực của ngành hàng không, trong kỳ 6 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đã vận chuyển khoảng 7,96 triệu hành khách nội địa và 3,63 triệu khách quốc tế, tương đương 88,84% và 123,05% so với cùng kỳ 2023 (6 tháng 2023 sản lượng 8,96 triệu hành khách nội địa và 2,95 triệu khách quốc tế).

Vietnam Airlines đã điều chỉnh kế hoạch sử dụng đội tàu bay, lịch bay, các chặng bay phù hợp với năm cầu thị trường, đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa nhằm tận dụng hiệu quả năng lực đội bay, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và dòng tiền hoạt động.

Đối với chi phí hoạt động, Vietnam Airline thự hiện chính sách tối ưu chi phí nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo hiệu quả kinh tế

Về nguồn vốn hoạt động: Tổng Công ty và các công ty con đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cho đến ngày 30/6/2024, tổng hạn mức tín dụng 1 mà Tổng Công và các công ty con đã ký với các ngân hàng thương mại là 29,8 ty nghìn tỷ VND (1/1/2024: 25,4 nghìn tỷ VND), ngoài ra Tổng Công ty còn có nguồn vốn vay tài cấp vốn 4 nghìn tỷ VND từ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội theo Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5 tháng 4 năm 2021.

Trong kỳ, các ngân hàng đã đồng ý tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn mà Tổng Công ty và các công ty con đã thanh toán đúng hạn và đáp ứng các điều kiện và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tổng Công ty tin tưởng sẽ tiếp tục đi tục duy trì được các hạn mứcς tín dụng hiện tại trong năm tiếp theo cũng như đâm bảo thanh toán các khoản gốc vay đến hạn.

Đối với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, Vietnam Airlines cũng đã đàm phán thành công với một số chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả. Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán giảm giá, giãn hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác, trong đó nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá (đối với chi phí thuê tàu bay và bảo dưỡng...) hoặc giãn, hoãn lịch thanh toán (đối với chi phí thuê tàu bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay...)

Liên quan đến khoản nợ quá hạn nhà cung cấp với số tiền 13.351 tỷ đồng, Vietnam Airlines cho biết đang tích cực tìm kiếm các nguồn tài chính để thanh toán. Mặt khác, Vietnam Airlines cũng đang tiếp tục đàm phán và kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác trong việc giảm và giãn hoãn thời hạn thanh toán đối với các khoản nợ quá hạn.

Về đề án tái cơ cấu lại Tổng công ty: Vietnam Airlines đã hoàn thành xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và báo cáo các cơ quan liên quan, đồng thời cũng đang trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xem xét phê duyệt các đề án này.

Thy Thêu

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/lo-rong-nhieu-nam-lien-tiep-vietnam-airlines-tiep-tuc-am-von-chu-so-huu-hang-chuc-nghin-ti-dong-a5548.html