Đêm giao thừa người Sài Gòn đến Lăng Ông Bà Chiểu, các chùa như Chùa Ông, Chùa Bà… để cầu may, khấn mong những điều tốt lành cho bản thân, gia đình và đất nước. Tại chùa chiền người ta dành cho nhau những tình cảm nồng ấm, trong năm dù có giận hờn gì thì ngày đầu năm cũng nhoẻn miệng cười, làm lành với nhau.
Ở chợ, các tiểu thương thường tếu táo bảo, chơi Tết là chơi “hết mùng cho tới mền”, tức là từ mùng Một đến mùng Mười là hết Tết nhưng đến rằm tháng Giêng lại là cuộc hành hương tìm đến chùa chiền cầu mua may bán đắt. Nói thì nói thế, chứ thật ra ở Sài Gòn hầu như chỉ sau mùng Một Tết là quán xá lại khai trương nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống “nhanh, gọn, lẹ” của cư dân nơi đây. Đây cũng là một đặc trưng của tính cách người Sài Gòn.
Vào dịp Tết người Sài Gòn thường xem bói tuồng, người ta dựa vào tuồng tích, tình huống đang diễn ra để đoán định về tương lai sắp đến. Cùng với bói tuồng người ta cũng đoán điềm lành giữ qua hoa mai, trong ngày Tết cánh hoa nở, héo rụng thế nào để suy ngẫm vận hạn cuộc đời.
Tết Sài Gòn cũng nổi bật với những thức quả, đặc biệt là mâm ngũ quả với cái tên “cầu – vừa – đủ - xài”, là tên các loài quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Dưa hấu là loại quả được ưa chuộng trong ngày Tết, những quả dưa vỏ xanh ruột đỏ vừa giúp người ta giải khát vừa mang biểu tượng của sự may mắn. Vào ngày Tết khách đến nhà chơi, bao giờ gia chủ cũng mời khách ăn hoa quả, mứt Tết, bánh kẹo và nhâm nhi chút rượu chè…
Một cái Tết nữa lại đến. Trẻ con vẫn háo hức vì đứa nào đứa ấy đều chờ đợi để được diện quần áo mới, được lì xì. Còn những người trưởng thành lại bùi ngùi nhớ Tết xưa.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tet-xua-trong-ky-uc-nguoi-sai-gon-a552.html