Du lịch Thủ đô phát triển nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ngành du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm thu hút khách.

hanoi5-1725150886.jpg
Đoàn khách du lịch đến từ Ấn Độ thăm Di tích Hỏa Lò. Ảnh: VGP/Minh Anh

Lượng khách du lịch tăng trưởng liên tục trong các tháng qua

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 8, du lịch Hà Nội đã đón được 2,49 triệu lượt khách. Trong đó, có 496,4 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Thủ đô đã đón được 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch quốc tế đạt 3,94 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch nội địa đạt 15,1 triệu lượt, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 8, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 57,3%, tăng 0,3 % so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, Hà Nội có 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm. Lượng khách du lịch tăng cao nên tổng thu từ khách du lịch ước đạt 73.261 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Thời gian qua, Sở Du lịch Hà đã đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch gồm: Kế hoạch 98/KH-SDL về việc Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản-di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội tới phía tây Thành phố; Kế hoạch số 99/KH-SDL về xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản-di tích và làng nghề theo tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội" tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên năm 2024.

Đồng thời, tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định công nhận 4 điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017: Điểm du lịch Đảo Ngọc-Trúc Bạch, quận Ba Đình; Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền Voi Phục; Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Đền Quán Thánh; Điểm du lịch Kim Lan, huyện Gia Lâm.

Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản-di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội-Thanh Trì-Thường Tín-Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội-Thanh Oai-Ứng Hoà-Mỹ Đức; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ-Bát Tràng-Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.

Phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…

Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội-Hà Nam-Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội-Sơn La, Hà Nội-Lào Cai-Lai Châu.

Sở Du lịch đã xây dựng Kế hoạch kịch bản thuyết minh không gian trưng bày (thuyết minh song ngữ Anh – Việt, có gắn mã QR) tại không gian tổ chức những ngày Hà Nội tại tỉnh Điện Biên và TPHCM; tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch…

Phát triển các sản phẩm du lịch mới và đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong tháng 9 tới, Sở Du lịch tiếp tục tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-UBND của UBND Thành phố về việc đổi mới mô hình tổ chức, phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội; Trình UBND Thành phố ban hành Quyết định của UBND Thành phố về việc ban hành "Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp Thành phố" theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút du khách đến Hà Nội. Cụ thể, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 và chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024; chuỗi hoạt động chuyên đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội.

Tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024.

Đặc biệt, Sở Du lịch sẽ xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản-di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ ( Đan Phượng)...

Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.

Năm 2023, du lịch Hà Nội hoàn thành các chỉ tiêu, ghi tên trong nhiều giải thưởng du lịch uy tín. Năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô phấn đấu đón 27 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu này, theo bà Đặng Hương Giang, năm 2024, Hà Nội vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, là "cửa ngõ" đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; là điểm đến du lịch "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn".

Về mục tiêu gia tăng lượng khách quốc tế, Hà Nội sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, các quốc gia Halal (theo đạo Hồi), Nam Mỹ, Australia…)

Để làm được điều đó, Hà Nội tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf.

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/du-lich-thu-do-phat-trien-nhom-san-pham-du-lich-chuyen-nghiep-hap-dan-a5458.html