Độc đáo lễ Thu tế tại ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm

Nét đặc sắc của lễ Thu tế chính là ở các nghi thức, trang phục... tất cả đều mang dấu ấn dân tộc cổ truyền theo đúng phong tục lễ cúng ngày xưa. Điều này đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng người dân và đông đảo du khách.

Làng Chuồn là một ngôi làng cổ với bề dày lịch sử và văn hóa hơn 600 năm. Trong đó, lễ Thu tế làng Chuồn là một trong những nét đẹp truyền thống độc đáo. Được biết, tên làng Chuồn là cách nói tiếng Nôm của làng An Truyền, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Làng Chuồn cách Huế khoảng 10km theo hướng Đông Bắc, gần phá Tam Giang. Hằng năm cứ vào giữa tháng 7 Âm lịch, người dân làng Chuồn lại thành kính tổ chức lễ Thu tế. Đây cũng là dịp để người dân địa phương biểu thị lòng biết ơn với các bậc tiền nhân cũng như cầu cho mùa màng bội thu, mọi người làm ăn thuận lợi, cuộc sống thịnh vượng an nhàn.

lang-chuon-3-1724314703.jpg
Lễ Thu tế là dịp để người dân địa phương biểu thị lòng biết ơn với các bậc tiền nhân cũng như cầu cho mùa màng bội thu.

Theo tục lệ, lễ Thu Tế làng Chuồn được tổ chức trong 3 ngày: 15, 16 và 17/7 âm lịch hàng năm. Ngày 15/7 người dân làm lễ trần thiết và cúng rằm. Sáng sớm ngày 16/7 sẽ làm lễ rước cung nghinh các bài vị Thành Hoàng về Tổ Ðình, sau đó là lễ an vị kế hành túc yết. Ngày 17/7, đúng 2 giờ sáng người dân làm lễ Chánh Tế; 5 giờ sáng làm lễ tiến cung nghinh, cúng bia bạc. Dù cuộc sống hiện tại có nhiều thay đổi nhưng hàng năm các nghi lễ này vẫn được người dân làng Chuồn tiến hành một cách trang nghiêm, long trọng.

pl-1724314802.jpg
Các vị cao niên đứng trước hương án thành kính cúi lạy khi đoàn rước đi ngang qua.
lang-chuon6-1724314703.jpg
Dù cuộc sống hiện tại có nhiều thay đổi nhưng hàng năm lễ Thu tế vẫn được người dân làng Chuồn tiến hành một cách trang nghiêm.

Lễ hội Làng Chuồn có những đặc điểm nổi bật so với các lễ Tế ở nơi khác. Lễ rước cung nghinh ba vị Thành Hoàng thờ ở Miễu giữa đồng (gọi là đồng Miễu) được cử hành rất đẹp mắt và trọng thể. Ðám rước có đủ kiệu lọng, cờ xí, lỗ bộ. Đám rước có tất cả 3 kiệu, được sắp đặt cách xa đều nhau, vừa đi vừa có âm nhạc nhịp nhàng. 

lang-chuon-4-1724314703.jpg
Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ: màu của lễ phục cổ truyền, cờ xí rực rỡ, kiệu lọng thắm tươi...

Một điểm đặc sắc nữa khiến đám rước thu hút đông đảo người xem là mỗi năm dân làng lại thay đổi linh vật, hoặc vật thờ cúng được đan bện tinh tế, trang hoàng công phu... Các nghệ nhân tài giỏi trong làng xem công việc trang hoàng cho đám rước là bổn phận thiêng liêng để họ góp chút công sức, tài năng nghệ thuật; đồng thời cũng là thể hiện sự thành kính và lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên cho nên các linh vật và lễ vật đã được kiến tạo luôn được chuẩn bị công phu, tỉ mỉ.

Tiếp theo sau đám rước, đồ lỗ bộ và kiệu là đoàn hát Thài. Theo lời kể của người dân địa phương, thài là điệu hát chỉ dành riêng cho lễ cung nghinh. Ðám hát thài thường gồm khoảng 20 người, mặc lễ phục dân tộc truyền thống xưa. Hát thài trong đám rước cung nghinh ở làng Chuồn là một lễ tục hiếm có còn sót lại trong các đám rước Thành Hoàng ở Thừa Thiên Huế.

lang-chuon-5-1724314702.jpg
Sự độc đáo của lễ Thu tế làng Chuồn còn được thể hiện qua việc lựa chọn các nghệ nhân tài giỏi để trang hoàng cho đám rước thật chỉn chu, long trọng.

Hình ảnh đám rước với đầy đủ nghi trượng truyền thống, diễu hành trên con đường làng, in bóng xuống mặt nước đầm Chuồn tạo nên một khung cảnh vừa linh thiêng, vừa đẹp đẽ, thơ mộng, độc đáo của vùng đất cố đô. Lễ Thu tế làng Chuồn không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với các bậc tiền nhân; mà đây còn là dịp để lan toả nét đẹp truyền thống "uống nước nhớ nguồn", thắt chặt tình làng nghĩa xóm đầy trân quý và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ con cháu mai sau. Ảnh: P.V - Ảnh: Lương Thanh Hải

Ảnh: P.V - Ảnh: Lương Thanh Hải

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/doc-dao-le-thu-te-tai-ngoi-lang-co-co-lich-su-hon-600-nam-a5361.html