Ánh vàng ánh bạc trên tranh sơn mài khắc

Vẫn giữ được hồn cốt của dòng tranh dân gian, họa sĩ Lưu Minh Hòa lại điểm thêm những nét vàng óng ánh trên làm nội dung thêm sinh động, quý phái.

Triển lãm tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc được nhóm họa sĩ Latoa Indochine ấp ủ từ lâu. Với nguyện vọng ban đầu là lưu giữ lâu dài dòng tranh dân gian gắn liền với đời sống và văn hóa dân tộc.

Tranh dân gian diễn tả các cảnh sinh hoạt thường nhật, cảnh nông nghiệp như Nông canh chi đồ, Phủ tại sơn lâm khách hữu tầm, các bức thần thú như Thần Kê, Thanh Long, Bạch Hổ hay các bức tranh tâm linh lại rất trang nghiêm, kiểu cách Tứ Phủ, Trần Triều, Ngũ Hổ...

8639e76c1c13b84de102-1723703567.jpg
Nhóm các bức tranh Ngũ Hồ thần tướng có màu sắc đa dạng, sống động không thua gì tranh dân gian nhưng lại mang tone đậm hơn cùng viền đường nét vàng sáng loáng. Các bức tranh gồm có Trung ương Hoàng hổ (màu vàng), Đông phương Thanh hổ (màu xanh), Tây phương Bạch hổ (màu trắng) Nam phương Xích hổ (màu đỏ cam) và Bắc phương Hắc hổ (màu đen chám).

Nói chung, hầu hết các khía cạnh của đời sống đều được phản ánh, khắc họa chi tiết một cách nghệ thuật qua tranh dân gian, bởi bàn tay của cha ông lẫn các nghệ nhân hiện đại. Chỉ duy nhất có một điều, tranh dân gian ít có tính sưu tầm, dễ bị hỏng do nhiều yếu tố như ẩm, mốc, thời gian – hơn nữa, người xưa thường dùng một số nhóm tranh để trang trí nhà cửa sau đó đốt đi.

Vậy nên, nhóm họa sĩ Latoa Indochine – họa sĩ Lưu Minh Hòa đã tìm cách để đưa nhóm các tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống… hiện diện trên chất liệu sơn mài khắc, nhằm tăng tính lưu giữ. Và bất ngờ, những bức tranh thật sự đã sáng lên, lung linh đủ ánh vàng, ánh bạc, thần thái không thua dòng tranh truyền thống, một số bức còn như đang chuyển động.

0e28b550422fe671bf3e-1723703568.jpg
Tranh Tứ Phủ cũng với các đường nét vàng, làm sáng bức tranh theo cách mới, kết hợp với tuyến màu bạc sơn mài làm tăng vẻ lấp lánh ở các đường nét chính lẫn phụ, màu vàng lúc này càng rực rỡ hơn nhưng lại dịu mắt, không gây lóa.

Chia sẻ kỹ về cách làm tranh sơn mài khắc, họa sĩ Lưu Minh Hòa cho biết: “Sơn mài khắc là sự kết hợp của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Thông qua nhiều công đoạn từ khắc lõm, đi vào sơn mài, thếp vàng, thếp bạc… trong từ 2 đến 3 tháng thì hình trong tranh đạt được độ sắc nét và có chiều sâu”.

Họa sĩ đã tìm thấy điểm chung của dòng tranh dân gian và sơn khắc ở chỗ cả hai cần lấy nét – tạo nét sau đó thành hình, khi kết hợp với sơn mài truyền thống sẽ cho ra màu sắc mới. Vì vậy, quan trọng nhất khi đưa tranh dân gian lên chất liệu sơn mài, họa sĩ Lưu Minh Hòa cần phải lấy được trọn vẹn hồn cốt của bức tranh.

ebe3f6ae10d1b48fedc0-1723703567.jpg
Bức An nam bách nghệ - Trăm nghề quý người An Nam, điển hình việc đi nét của họa sĩ Lương Minh Hòa. Các viền nét khá đậm, dày như khiến chủ thể nổi lên trong tranh giống mề đay.

Sau quá trình lấy nét, tranh trải qua nhiều công đoạn sơn và mài, hiệu ứng màu sắc sẽ thay đổi, tạo nên nét riêng hiếm có. Điển hình nhất là nhóm các bức tranh thờ vốn cần nhiều màu sắc, nay khi lên sơn mài lại càng rõ nét, lấp lánh lơn. Sau cùng khi lên sơn khắc, các sắc thái mới lại thể hiện bằng các kỹ thuật chạm khắc thếp vàng, thếp bạc - một lần nữa khoác lên hoa văn, đường nét của tranh một màu lóng lánh quý phái. Điều này khiến tranh vừa mang tính “cổ rả” vừa hiện đại.

“Những tác phẩm sơn mài khắc này được các hoạ sĩ sử dụng 5 màu truyền thống (hoàng - vàng, xích - đỏ, hắc - đen, thanh - xanh, bạch - trắng) tương ứng với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Điều đặc biệt ở sơn mài khắc là mỗi bức vẽ dù có thể giống về nét nhưng khi bức tranh hoàn thiện, luôn là một bức vẽ độc bản”, họa sĩ Lương Minh Hòa giải thích.

3fd168679f183b466209-1723703567.jpg
Giáo sư - nhà sử học Lê Văn Lan nhận xét, sơn mài khắc và tranh của Latoa Indochine "dụng công đầy tâm huyết" với nghệ thuật, truyền thống lẫn hiện đại.

Vậy là từ nguyện vọng ban đầu muốn gìn giữ lâu dài một truyền thống, Lương Minh Hòa và các họa sĩ Latoa Indochine lại làm sáng lên không chỉ các giá trị dân gian mà còn giúp chúng một lần nữa đi vào đời sống nhưng với tuổi đời, tuổi lưu giữ cao hơn.

Đây cũng là điểm nhấn để các sản phẩm tranh sơn mài khắc dựa vào dòng tranh dân gian có thể đem bán đấu giá, mang tính thương mại hoặc làm quà lưu niệm du lịch.

63be9a186367c7399e76-1723703567.jpg
Bức Vinh quy bái tổ. 

Uy Danh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/anh-vang-anh-bac-tren-tranh-son-mai-khac-a5290.html