Ngắm nhìn diện mạo điện Thái Hòa sau hơn 3 năm trùng tu

Sau gần 3 năm trùng tu, điện Thái Hòa - công trình có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của triều Nguyễn tại Huế đã được hồi sinh với một diện mạo mới để nâng cao trải nghiệm tham quan cho du khách.

z5732536576921-00ff3ec28ff044cdb153cad0fedf67a9-1723694502.jpg

Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1805, đến năm 1833, vua Minh Mạng đã cho xây dựng lại công trình. Đây là một trong những công trình kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể di tích cố đô Huế. Tại đây, từng là nơi Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình, là nơi vua thiết triều tiếp đón quan chức, sứ thần nước ngoài. 

Không chỉ là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế, điện Thái Hòa còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

z5732536557969-de73c58a31be8841a0de34c9266bda81-1723702467.jpg

Trải qua hơn 200 năm với nhiều lần tu bổ, vào cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chính thức khởi công Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa với tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng.

Theo đó, quá trình trùng tu Điện Thái Hòa có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu về bảo tồn di sản văn hóa với các công nghệ tiên tiến như mô phỏng 3D, kỹ thuật phục dựng theo nguyên mẫu và các vật liệu trùng tu cũng được lựa chọn kỹ lưỡng để phù hợp với nguyên bản, tạo nên sự đồng bộ về thẩm mỹ và độ bền.

z5732536553404-8a1f72945ac28a89af82426a06e5a90d-1723703151.jpg

Cụ thể, điện Thái Hòa đã tiến hành tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh, tường gạch với màu sắc nguyên trạng; phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói; bờ mái và con giống khảm sành sứ; hệ thống trang trí pháp lam... 

Bên cạnh đó, dự án cũng đã tiến hành tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán các đồ nội thất; cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên Điện, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh; hệ thống điện chiếu sáng… các đơn vị tranh thủ thời gian để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành vào cuối tháng 11 tới.

z5732536556529-0fd8ee3da57a8c717c49b0bdf5a72a67-1723703170.jpg

Sau quá trình trùng tu, Điện Thái Hòa đã phần nào khôi phục lại được vẻ uy nghi, trang trọng vốn có. Không gian nội thất được bày trí lại, các hiện vật quý hiếm được bảo quản, hệ thống ánh sáng và âm thanh hiện đại cũng được tích hợp lại tạo nên không gian sống động, giúp điện Thái Hòa không chỉ là điểm tham quan mà còn là nơi giáo dục lịch sử, văn hóa của triều Nguyễn đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

z5732536583330-2c80baebf93546cc215f837fcf8368e1-1723703370.jpg

Sự hồi sinh của điện Thái Hòa trở lại với vẻ đẹp huy hoàng của mình không chỉ là một công trình xây dựng, mà còn là một biểu hiện của nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Đây là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách khi đến Huế và là niềm tự hào của người dân xứ Huế và còn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa Việt Nam qua mọi thời đại.

Điện Thái Hòa sẽ bắt đầu mở cửa đón khách vào cuối tháng 11/2024. Hiện trung bình mỗi ngày Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bán ra khoảng 10.000 lượt vé cho du khách đến tham quan các điểm di tích do đơn vị quản lý. Cuối năm 2024, Trung tâm sẽ tiếp tục khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh, công trình nằm phía sau điện Thái Hòa trong Đại Nội Huế.

Bài: Q.H - Ảnh: Xuân Thao

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ngam-nhin-dien-mao-dien-thai-hoa-sau-hon-3-nam-trung-tu-a5287.html