Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2024), mừng Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2024) và 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sĩ Latoa Indochine tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Mạch di sản”. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cũ – Biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Suốt nhiều thế kỷ, tranh dân gian gắn liền với đời sống, văn học và cả tâm linh của người dân. Nội dung trong tranh cho thấy cái nhìn đa chiều về văn hóa, phong tục, quan điểm mỹ thuật lẫn nhân sinh quan của người xưa. Tranh dân gian xưa thường được vẽ trên chất liệu giấy dó, giấy điệp hoặc hồng điều công phu và tỉ mỉ.
“Như bức tranh Thúy Kiều – Kim Trọng đang được trưng bày ở đây, thể hiện rõ mối quan tâm của người chơi với tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam là Truyện Kiều. Ngoài ra một số bức tranh như Thần kê, Thanh Long, Bạch hổ, Tiến tài, Tiến lộc, tranh Tứ Phủ, Trần Triều cũng rất đặc sắc. Tuy nhiên phần lớn tranh dân gian mang tính thời vụ, dùng trong thời gian ngắn sau đó bỏ đi. Nhóm Latoa Indochine mong muốn đưa tranh dân gian lên chất liệu mới để bảo lưu "một nhịp thở di sản”", họa sĩ Lương Minh Hòa cho biết.
Việc “thời đại hóa” được nhóm nghệ sĩ, họa sĩ thực hiện không chỉ dừng lại ở việc chuyển tranh từ chất liệu dân gian là giấy dó sang sơn mài khắc mà tỉ mỉ hơn, các bức tranh còn được số hóa lên không gian mạng thông qua mã QR.
Về dòng tranh sơn mài khắc, họa sĩ Lương Minh Hòa giải thích thêm: “Sơn mài khắc là sự kết hợp của hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc. Qua nhiều công đoạn từ khắc lõm, đi vào sơn mài, thếp vàng, thếp bạc… thật kỹ lưỡng trong 2 đến 3 tháng thì hình ảnh trong tranh đạt đến độ sắc nét, có chiều sâu”.
Quay trở lại với các bức tranh trong triển lãm, chất liệu văn hóa lẫn nội dung là yếu tố tiên quyết cấu thành tác phẩm mà nhóm họa sĩ Latoa Indochine một mực bảo lưu. Bao gồm các tranh Kim Hoàng như lợn, gà trống, thần tài; tranh Hàng Trống như Tứ phủ Thánh Mẫu, Trần Triều, Ngũ Hổ, Tiên cô; tranh Đông Hồ có đám cưới chuột, chăn trâu, ngửa váy hứng dừa, Lý ngư vọng nguyệt...
So về nguyên gốc, loại giấy dó, giấy điệp và hồng điều cho ra chất lượng, màu sắc khác nhau. Điều này làm nên tính độc bản của một số tranh. Đây cũng là một thách thức với sơn mài khắc nhưng nhóm họa sĩ vẫn tìm ra cách nhằm giúp người thưởng tranh phân biệt kỹ càng. Ví như tranh Tứ Phủ Thánh Mẫu, ánh kim tuyến lóng lánh thể hiện rõ cái trang trọng, hài hòa thường tìm thấy ở tranh Hàng Trống, nhưng nhìn qua bức Thần kê trên nền sơn mài đỏ, người xem nhận ra ngay tranh Kim Hoàng.
Về khía cạnh bảo lưu lâu dài cần phải nhắc đến tính thực dụng của tranh xưa. Hầu hết tranh được chia làm 3 loại, loại để treo, loại để thờ cúng và loại sưu tầm. Với dòng tranh để thờ cúng và sưu tầm, tuổi thọ sẽ cao hơn vì được gia chủ quan tâm, yêu thích, nhằm phục vụ việc kính lễ hoặc trưng bày. Nhóm các tranh này thường lấy chủ đề như Thánh Mẫu, Thánh Trần, Sơn Trang, Tiên Cô, Thánh Cậu. Cũng vì lẽ đó nên còn nhiều bản tranh vẫn được lưu giữ.
Bên cạnh đó, nhóm chủ đề tranh liên quan đến đời sống thường nhật như Nông canh chi đồ, Họp chợ lại cho thấy sự sung túc, phú quý, giàu sang. Các hoạt động nông nghiệp như cày cấy, chăn bắt, giao thương thể hiện khá nhịp nhàng lại vô cùng gần gũi, chân thực, khiến người xem như bị hút vào bên trong tranh.
“Tranh dân gian thể hiện đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của cha ông ta, chính ngay chủ đề bức tranh đã nói lên tất cả. Việc chuyển toàn bộ tinh thần, cách nghĩ của tiền nhân sao cho giống và gần gũi là công việc mà chúng tôi đề cao nhất”, họa sĩ Trần Thiệu Nam giới thiệu.
Bên cạnh các dòng tranh cổ, tranh Sen là chủ đề tâm đắc mang lại nguồn cảm hứng bất tận cho họa sĩ Trần Thiệu Nam: “Sen thể hiện cho sự tinh khiết, trong sạch vươn lên từ bùn. Đại diện cho những người ngay thẳng, vượt qua được nghịch cảnh. Họa sĩ chúng tôi không diễn đạt bằng lời mà để tranh nói thay, tại sao lại như vậy? Bởi trong tranh Sen, nhất là sen trắng trước nay không bao giờ có chuồn chuồn, sâu bọ vì nó đại diện cho điều cao khiết tôi vừa nói, chuồn chuồn bây giờ là do một số họa sĩ tự thêm vào. Tôi lưu giữ truyền thống đó, đưa chúng lên sơn mài khắc là để tiếp nối kiến thức, văn hóa của tiền nhân".
Ngoài tranh dân gian, tranh sen, tại triển lãm còn trưng bày 1 số tranh sơn mài trừu tượng kén người thưởng thức. Sự kiện diễn ra từ ngày 9/8 đến hết ngày 3/9/2024.
Bài và ảnh: Uy Danh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/sen-than-ke-thanh-long-va-bach-ho-nhay-mua-trong-tranh-son-mai-khac-a5236.html