Độc đáo món phở "gọi 1 được 2" tại Tây Nguyên

Có dịp đến với mảnh đất Tây Nguyên chắc chắn bạn không thể bỏ qua đặc sản “phở hai tô” trứ danh của tỉnh Gia Lai

Tỉnh Gia Lai được biết đến là nơi có diện tích lớn thứ hai trên cả nước (sau Nghệ An) cùng với sự chung sống đa dạng các cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu sổ, cho nên ẩm thực nơi đây vô cùng phong phú. Trong đó, không thể không kể đến đặc sản “phở hai tô” (hay còn gọi là phở khô) được rất nhiều người yêu thích. 

pho-he-to-1722584547.jpg
Món "phở hai tô" hay còn gọi là "phở khô" khiến nhiều thực khách mê mẩn - Ảnh: Thúy Hiền.

Nguồn gốc tên kỳ lạ

Du khách sẽ nghe người dân gọi “phở khô”, khi thì lại “phở hai tô”. Có nhiều câu chuyện, lời đồn đại về sự xuất hiện và mốc thời gian ra đời của phở khô Gia Lai, đặc biệt là cái tên độc đáo gắn liền với cách phục vụ “gọi 1 được 2”.

Người dân địa phương cho biết nguồn gốc món phở khô xuất phát từ nghề làm bánh phở khô truyền thống ở Gia Lai. Cơ sở sản xuất tại số 42 Bà Triệu (TP Pleiku) được xem là lò làm bánh phở khô đầu tiên ở phố núi, do ông Hầu Tắc Cái (người gốc Hoa) và vợ là bà Hứa Thị Thủy lập nên. Con đường Bà Triệu cũng là nơi có nhiều lò làm bánh phở lâu đời nhất hiện nay, đều là của con cháu dòng họ Hầu. 

ngoai-lam-banh-pho-1722584821.jpg
Bà Hầu Khải Ngọc Loan - con gái ông Hầu Tắc Cái cho biết ngày nay gia đình bà vẫn tiếp tục công việc sản xuất sợi phở. Ngoài sợi phở tươi phục vụ các quán phở 2 tô, cọng phở được cuộn tròn, phơi khô để đưa đi tiêu thụ tại các thị trường trong nước - Ảnh: Hoàng Ngọc.
phoi-pho-1722584889.jpg
Bánh phở luôn được kiểm tra trong quá trình phơi, đảm bảo vừa đúng độ mềm, dẻo để đưa vào máy cắt sợi - Ảnh: Hoàng Ngọc.
cat-pho-1722584946.jpg
Công đoạn cắt phở bằng máy - Ảnh: Hoàng Ngọc.

Từ sợi bánh phở khô, ông Nguyễn Thành Mỹ (di cư từ tỉnh Bình Định lên Gia Lai lập nghiệp) đã sáng tạo ra món phở khô hay còn gọi phở hai tô để kinh doanh. Vào những năm 1960, quán ăn tên Đại Hưng của ông Mỹ luôn thu hút được nhiều khách hàng. Mặc dù không có nghiên cứu chính thực nhưng những thực khách bản địa sành ăn ở phố núi khẳng định họ biết đến hương vị của “phở hai tô” đầu tiên chính là ở tiệm Đại Hưng, từ đó tên "phở hai tô" cũng bắt đầu xuất hiện từ đây.  

HIện nay, con gái của ông Mỹ là cô Nguyễn Thị Bích Hồng vẫn kế nghiệp cha bán món ăn hấp dẫn này. Nổi tiếng nhất Pleiku đó là quán phở khô Hồng do con gái ông Mỹ làm chủ đã mở nhiều cơ sở tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội... Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi món phở khô ra đời. Dù chỉ xuất phát từ một tiệm ăn nhỏ, hoàn cảnh ra đời cũng rất đặc biệt nhưng nó lại có sức sống và phát triển qua bao thế hệ.     

Nguyên liệu món phở khô và cách ăn

Đúng như tên món ăn “gọi 1 được 2”, thực khách khi gọi một phần phở sẽ được phục vụ cùng lúc hai tô, một tô đựng bánh phở, một tô đựng nước dùng. 

Một tô phở khô hoàn chỉnh bao gồm những nguyên liệu cơ bản: bánh phở đã trụng kèm tóp mỡ, hành phi, hành lá, thịt xay… cùng phần nước dùng đi kèm có thịt bò, bò viên hoặc xương (tùy theo từng quán mà sẽ có thành phần ăn kèm khác nhau).

Rất nhiều người thường nhầm lẫn sợi phở khô giống như sợi hủ tiếu, tuy nhiên thực sự chúng có s khác nhau. Sợi phở khô nhỏ, tròn, mảnh và mềm, sau khi trụng không bị mềm nhũn, nhão còn sợi hủ tiếu to, dai hơn về kết cấu. 

me-mon-nay-1722585293.jpg
Món ăn trông có vẻ đơn giản nhưng khâu chế biến vô cùng cầu kỳ đã gây thương nhớ đối với nhiều người dân địa phương và du khách gần xa - Ảnh: Thúy Hiền.

Để thưởng thức món phở hai tô, du khách cần ăn kết hợp với một chén tương đen sánh, mịn làm từ đậu nành lên men. Đây là loại tương đen mang ý nghĩa “linh hồn” cốt lõi của món phở khô với rất nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu từ ủ, lên men cho đến xay, nấu trong nhiều giờ đồng hồ. 

Khi thưởng thức, thực khách cần dùng đũa sắn làm tư hoặc làm tám các sợi phở để dễ nhai. Sau đó, trộn thêm tương đen, tương ớt, xì dầu cùng các nguyên liệu có trong tô. Đối với những ai yêu thích ăn rau, có thể thêm giá đỗ thanh mát, húng láng cùng ngò gai để ăn kèm.

Sau khi trộn đều, gắp một đũa đầy phở thưởng thức, điều đầu tiên du khách có thể cảm nhận nơi đầu lưỡi đó là sự thơm ngậy, béo bùi của sợi phở dai mịn hòa lẫn tương đen đậm đà. Song hành khi ăn, tiếp tục húp vài thìa nước dùng từ xương hầm ngon ngọt, chua nhẹ khi vắt chanh, thực khách sẽ thật sự cảm nhận được hết trọn vẹn vị ngon của “phở 2 tô” trứ danh.

Các địa điểm nổi tiếng lâu đời bán phở hai tô

Tại thành phố Pleiku, từ sáng đến tối, bất cứ khi nào bạn muốn ăn đều có thể dễ dàng tìm được nơi bán món phở hai tô.  Một số quán ăn lâu năm nổi tiếng tại trung tâm thành phố Pleiku phải kể đến phở Ngọc Sơn (15 Nguyễn Thái Học), phở khô Hồng (22 Nguyễn Văn Trỗi), phở Tàu Lý (45 Đoàn Thị Điểm), phở Bé Tư ( 05 Nguyễn Du), phở Ngọc Linh (46 Phan Bội Châu), phở Liên (25 Thống Nhất)... Mỗi suất phở có giá dao động 30.000 - 50.000 đồng tùy số lượng khẩu phần và nguyên liệu chế biến.  

Ngày nay, có không ít các hàng quán mở bán món phở hai tô trên khắp cả nước, thực khách đôi khi cũng quên mất nguồn gốc của món ăn chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử với mảnh đất bazan Gia Lai. Tuy nhiên, các du khách cho rằng không nơi nào có thể chế biến ngon bằng Gia Lai.

Nếu có dịp đến với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, du khách không nên bỏ lỡ món ăn "gọi 1 được 2 thanh toán 1" độc đáo này bởi chắc chắn sẽ để lại cho mọi người trải nghiệm ẩm thực thú vị.  

Hai Hiền

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/doc-dao-mon-pho-goi-1-duoc-2-tai-tay-nguyen-a5148.html