Thái Lan tập trung thu hút nhóm khách ở dài ngày, chuyên gia du lịch đánh giá chất lượng quan trọng hơn số lượng?

Thái Lan đang cố gắng thu hút du khách lưu trú dài ngày như những người du mục kỹ thuật số - "đơn giản vì điều đó ít gây áp lực hơn cho các điểm nhập cảnh và điểm giao thông".

Thái Lan tập trung thu hút du khách ở dài ngày

Mới đây, CNN có bài viết về việc Chính phủ Thái Lan với những chính sách rộng mở tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Xứ chùa Vàng đã giới thiệu loại thị thực mới, có hiệu lực từ 22/7 với thời hạn lên đến 5 năm dành cho dân du mục kỹ thuật số và những người muốn ở lại lâu dài để học Muay Thái, học nấu ăn, chữa bệnh...

Thị thực đích đến Thái Lan (DTV) cho phép du khách đáp ứng đủ yêu cầu được lưu trú 180 ngày mỗi lần nhập cảnh và có thể nhập cảnh nhiều lần 5 năm.

Các tiêu chí để cấp visa là du khách cần chứng minh có ít nhất 500.000 baht (13.800 USD) trong tài khoản, hồ sơ về mục đích chuyến thăm như giấy mời từ trung tâm y tế, công việc đang làm; Thị thực có giá 10.000 baht (278 USD), không cho phép du khách kiếm việc làm tại Thái Lan.

thailan1-1721266655.jpg
Chính phủ Thái Lan với những chính sách rộng mở tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển - Ảnh: Linh Sep GO

Chính phủ Thái Lan cũng mở rộng danh sách miễn thị thực, nâng từ 57 lên 93 quốc gia, vùng lãnh thổ và kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 60 ngày. Số lượng quốc gia, vùng lãnh thổ được Thái Lan cấp thị thực cửa khẩu tăng từ 19 lên 31.

Các chính sách này sớm mang lại kết quả khả quan cho du lịch Thái Lan. Trong nửa đầu năm 2024, xứ chùa Vàng đã đón 17,5 triệu khách quốc tế, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, các chuyên gia du lịch cho rằng chính sách cấp thị thực mới không phải chỉ để thu hút nhiều du khách hơn. Ông Gary Bowerman - người sáng lập công ty nghiên cứu và tiếp thị du lịch Check-in Asia cho biết, nếu nhìn vào những gì Thái Lan đã làm thì các sáng kiến và chiến dịch du lịch được thực hiện trong hai năm qua đã thu hút du khách đã khá thành công. Minh chứng là Thái Lan luôn dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng khách du lịch.

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy số lượng cao nhưng mức chi tiêu trung bình cho mỗi du khách lại không quá cao. "Ngày càng có nhiều du khách đến Thái Lan nhưng ngành du lịch nước này không cảm nhận được những tín hiệu tích cực bởi thời gian lưu trú của khách thường ngắn ngày. Nhiều người đến, di chuyển nhiều điểm đến và rời đi khá nhanh. Điều đó gây căng thẳng ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng, sân bay, mạng lưới giao thông. Đã đến lúc ngành du lịch Thái Lan cần phải giảm tốc độ rời đi của du khách", ông Bowerman nhận định.

Ông cho biết, đó là lý do tại sao Thái Lan đang cố gắng thu hút du khách lưu trú dài ngày như những người du mục kỹ thuật số - "đơn giản vì điều đó ít gây áp lực hơn cho các điểm nhập cảnh và điểm giao thông".

Sự linh hoạt của ngành du lịch Thái Lan 

Các chuyên gia du lịch cũng phân tích rằng Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất mong muốn giữ chân du khách lâu hơn. Olivier Ponti - Giám đốc tiếp thị tại công ty dữ liệu du lịch Forward Keys, cho biết, sau đại dịch, nhiều người tìm kiếm cơ hội cho kỳ nghỉ kéo dài hơn. "Một xu hướng toàn cầu mà chúng tôi thống kê được là sau Covid-19, du khách lưu trú lâu hơn. Lượng khách đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn giảm 23% so với năm 2019 nhưng thời gian lưu trú dài hơn (hai tuần trở lên) chỉ giảm 8% so với mức trước đại dịch”, ông nói.

"Hiện tại, tỷ lệ vé có thời gian lưu trú dài, trên 14 đêm, chiếm 25%. Những khách lưu trú thời gian trung bình, 6-13 đêm, chiếm 45%. Vì thế, các chính sách mới có thể tăng thêm sức hấp dẫn cho Thái Lan với khách lưu trú dài hạn, tỷ lệ khách ở dài ngày sẽ tăng theo thời gian", Ponti chia sẻ thêm.

dulichthailan1-1722483139.jpg
Mỗi thời điểm, Thái Lan đều hướng đến một đối tượng du khách riêng, từ đó đưa ra các chính sách linh hoạt là điều các quốc gia có thể học tập - Ảnh: Du Lịch Việt

Là quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan cả thời tiết, khí hậu và điều kiện tự nhiên, Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực học hỏi nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.

Đánh giá về các chính sách "mở cửa" của Thái Lan, đặc biệt là chính sách thị thực, chuyên gia du lịch Phạm Anh Vũ - Phó TGĐ Công ty Du Lịch Việt bày tỏ, đây là biện pháp thu hút thêm nhiều du khách, tạo điều kiện cho ngành du lịch Thái Lan cạnh tranh hơn, kinh tế Thái Lan sẽ được hưởng lợi nhờ sự chi tiêu của du khách.

"Về sự linh hoạt của chính sách visa, từ sau dịch Covid-19 tác động tích cực đến ngành du lịch chúng ta đều đã thấy rõ, ở đây tôi nhấn mạnh khía cạnh từng độ cởi mở của mỗi chính sách visa. Mỗi thời điểm, Thái Lan đều hướng đến một đối tượng du khách riêng, từ đó đưa ra các chính sách linh hoạt, thuận tiện cho du khách, phù hợp với xu hướng của giới trẻ hay tăng chi tiêu khi lưu trú dài hơn với nhóm du khách lớn tuổi, hưu trí. Gần đây nhất là chính sách visa Điểm đến thời hạn lưu trú đến 180 ngày sẽ tác động kích thích tăng số lượng du khách trẻ, có tri thức, có ngành nghề như công nghệ, nấu ăn…", ông Phạm Anh Vũ nhận định.

Phó TGĐ Công ty Du Lịch Việt nói thêm rằng ngoài chính sách visa, muốn du lịch phát triển, Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu” bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại vào quy trình cấp thị thực và nhập cảnh để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Ngoài ra, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bề dày văn hóa, lịch sử và con người thân thiện, du lịch Việt Nam cần chung tay tạo nên các sản phẩm du lịch an toàn, thân thiện, độc đáo, chất lượng. Cung cấp các chương trình quảng bá, khuyến mãi, giảm giá cho đặt trước sớm, ưu đãi kích thích du khách quay trở lại Việt Nam. Cập nhật và đổi mới các sản phẩm du lịch để đáp ứng xu hướng và sở thích của khách hàng, nhằm tạo ra động lực cho du khách chi tiêu nhiều hơn và làm cho dịch vụ trở nên hấp dẫn hơn.

Nói thêm về mối quan hệ giữa “số lượng và chất lượng” trong du lịch, tức là số lượng du khách và mức chi tiêu trung bình, ông Phạm Anh Vũ cho rằng cả hai yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch. Đối với doanh nghiệp lữ hành 2 yếu tố này cần đặc biệt lưu ý trong kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Trường hợp số lượng khách tăng nhưng doanh thu giảm, doanh nghiệp cần điều chỉnh tối ưu sản phẩm, dịch vụ chất lượng, tăng cường trải nghiệm độc đáo và thiết kế nhiều gói dịch vụ linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu và khuyến khích chi tiêu nhiều hơn.

Đồng thời cần chú trọng đến chiến lược sản phẩm và quảng bá doanh nghiệp chuyên biệt hơn, các sản phẩm dịch vụ cao cấp tìm kiếm, thu hút thêm thị trường khách chi tiêu nhiều. Doanh nghiệp nên đa dạng hơn các sản phẩm du lịch thông thường như thu hút du lịch MICE.

Bên cạnh đó, yếu tố sản phẩm du lịch xanh, định hướng du lịch bền vững, bảo tồn văn hóa địa phương cũng giúp tạo ra các giá trị bền vững trong việc tăng thu hút và chi tiêu của du khách, tạo ra ý nghĩa và giá trị gia tăng cho du khách.

Lam Giang

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/thai-lan-tap-trung-thu-hut-nhom-khach-o-dai-ngay-chuyen-gia-du-lich-danh-gia-chat-luong-quan-trong-hon-so-luong-a5137.html