Chùa Cầu Hội An: Thương cảng sầm uất, rực rỡ 400 năm trước rực rỡ trở thành biểu tượng của di sản phố cổ

Được xây dựng hơn 400 năm trước, Chùa Cầu Hội An không chỉ là biểu tượng của phố cổ nổi tiếng mà còn là một di sản văn hóa lịch sử quan trọng của Việt Nam.

Nhắc đến Hội An, người ta thường nhớ ngay đến sông Thu Bồn êm đềm chảy, những ngoi nhà cổ màu vàng đặc trưng, những góc phố treo đầy đèn lồng rực rỡ và cả Chùa Cầu - điểm check-in không thể bỏ lỡ khi đến phố cổ. Từ lâu, Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố cổ Hội An.

Được xây dựng hơn 400 năm trước, Chùa Cầu Hội An không chỉ là biểu tượng của phố cổ nổi tiếng mà còn là một di sản văn hóa lịch sử quan trọng của Việt Nam. Được bắc qua con sông Thu Bồn, Chùa Cầu là cây cầu gỗ kết hợp kiến trúc, thể hiện sự hội tụ văn hóa giữa nhiều quốc gia phương Đông. Theo thời gian, Chùa Cầu phủ lên mình lớp rêu phong cổ kính, đậm chất lịch sử nhưng cũng lại mang đến cho du khách cảm giác hoài cổ, thân thương.

Chùa Cầu - Nơi ghi dấu ấn lịch sử hơn 400 năm

Chùa Cầu Hội An được xây dựng bắc ngang qua một nhánh nhỏ của con sông Thu Bồn, là cầu nối những tuyến đường chính của phố cổ Hội An.

chuacauhoian1-1722393170.jpg
Chùa Cầu Hội An - Ảnh: TITC

Chùa Cầu đặc biệt ngay từ tên gọi. Đây là ngôi chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, bởi từ thế kỷ 16, người Nhật đến Hội An giao thương, buôn bán vô cùng tấp nập. Theo nhiều sử sách ghi lại, Hội An khi ấy chia làm 2 khu vực, một bên tập trung đông đúc người Hoa, một bên là người Nhật. Vì thế, Chùa Cầu được người Nhật xây dựng để đôi bờ tiện bề đi lại, thông thương.

Ngoài ra, còn có một truyền thuyết liên quan đến Chùa Cầu. Theo đó, các thương nhân người Nhật Bản đã góp tiền lại để dựng lên một cây cầu biểu tượng cho hình ảnh của một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu (quái vật thường quẫy đuôi tạo nên những trận động đất) để có thể chế ngự nó, có cuộc sống bình yên. Sau một thời gian, ở sườn cầu phía Bắc được dựng thêm phần chùa nên cây cầu mới được gọi là Chùa Cầu.

Hơn 400 năm trước, Hội An là thương cảm sầm uất, là nơi giao thoa kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Chính vì thế, phố cổ Hội An nói chung và Chùa Cầu nói riêng là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nhiều nước phương Đông.

Cây cầu được làm bằng gỗ, được nâng đỡ bằng trụ đá vững chắc, dài khoảng 18m, rộng 3m, có mái che theo kiến trúc "Thượng gia, hạ kiều" (tức là trên nhà, dưới cầu). Mái được lợp ngói âm dương, khảm những đồ gốm men lam độc đáo, tinh tế. Ở cửa chính có treo tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ "Lai Viễn Kiều" - ba chữ được chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng nhân một lần đến thăm Hội An với ý nghĩa "cầu đón khách phương xa".

Chùa Cầu được sơn son chạm trổ công phu, tinh tế. Mặt chùa quay về phía bờ sông, hai đầu cầu có hai tượng thú chó và khỉ đứng canh giữ. Đây là hai thần thú trấn giữ Namazu trong truyền thuyết dân gian của người Nhật.

Phần trụ và cột được chạm khắc kì công, chi tiết, tinh xảo thể hiện rõ thẩm mỹ, tín ngưỡng của người xưa. Khi đến đây, du khách không chỉ cảm nhận được sự sầm uất, nhộn nhịp của thương cảm xưa kia mà còn biết thêm về tín ngưỡng, văn hóa của người dân.

Ngôi chùa nhưng không thờ Phật

Ít ai biết, Chùa Cầu không thờ Phật mà thờ tượng gỗ Bắc Đế Trấn Vũ - vị thần được cho là có khả năng bảo hộ vùng đất, ban phát niềm vui, sự an lành cũng như những điều tốt đẹp đến cho con người. Bởi lẽ, theo truyền thuyết, khi người Nhật xây dựng Chùa Cầu nhiều lần bị nước xoáy cuốn trôi. Vì vậy phải đổ rất nhiều chì, bạc xuống móng, dùng cột đá vững chắc để trấn giữ.

Khi người Hoa tiếp quản chăm sóc thì thêm miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ - tên gọi vị thần chuyên trị lũ lụt theo quan niệm của người Hoa.

chuacauhoian3-1722393531.jpg
Chùa Cầu sau khi trùng tu - Ảnh: Báo Quảng Nam

Trải qua 400 năm với nhiều biến động của thời gian, lịch sử, Chùa Cầu bị xuống cấp, hư hỏng nên đã trải qua nhiều lần trùng tu.

Chùa Cầu được ví như điểm sáng của du lịch Hội An, là biểu tượng của phố cổ. Với vẻ đẹp, độc đáo cùng giá trị văn hóa, lịch sử, Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Truyền thông quốc tế cũng nhiều lần khen ngợi đây là một trong những cây cầu độc đáo nhất nhì thế giới.

Đặc biệt, hình ảnh Chùa Cầu được in trên trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam. Đây không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng mà còn có giá trị lớn về mặt văn hóa tâm linh.

Mới đây, UBND TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, thành phố dự kiến sẽ khánh thành di tích Chùa Cầu vào chiều ngày 3/8 trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện "Giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản" lần thứ 20, năm 2024. Việc khánh thành lại di tích Chùa Cầu vào năm 2024 là một dịp để vinh danh và tái hiện lại giá trị lịch sử và văn hóa của nơi đây. Với nét mới sau 20 tháng trùng tu, Chùa Cầu vẫn giữ được sự linh thiêng và hấp dẫn với du khách, đồng thời tiếp tục là một trong những biểu tượng quan trọng của du lịch và văn hóa tại Hội An.

Lam Giang (Tổng hợp)

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/chua-cau-hoi-an-thuong-cang-sam-uat-ruc-ro-400-nam-truoc-ruc-ro-tro-thanh-bieu-tuong-cua-di-san-pho-co-a5127.html