Tỉnh Hưng Yên được đặt vào năm Quang Thuận thứ 10 thời Lê (năm 1466). Từ khi thành lập cho tới nay, Hưng Yên (558 năm) luôn là một mảnh đất địa linh nhân kiệt, phủ màu văn hoa, lắng đọng trầm tích văn hóa được bồi tụ từ lâu đời. Do địa lý tỉnh không giáp biển, không có đồi núi nên Hưng Yên hoàn toàn là vùng đồng bằng, thuận lợi để phát triển nông nghiệp, giao thương và có điều kiện để trở thành một vùng đất biểu trưng cho văn hóa đồng bằng Bắc bộ.
Toàn tỉnh Hưng Yên có 1.802 di tích, trong đó có 3 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt; 7 bảo vật quốc gia; 175 di tích cấp quốc gia; 274 di tích, cụm di tích cấp tỉnh; cùng các làng nghề truyền thống, hơn 500 lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ và những vườn cây hoa trái, hệ thống sông ngòi lớn, trải dài. Hưng Yên còn nổi tiếng với rất nhiều địa danh di sản thu hút nhiều khách du lịch tới khám phá. Cụ thể như:
Làng Nôm giàu truyền thống văn hóa
Một trong những di tích lịch sử, văn hóa đầu tiên cần phải kể đến là làng Nôm – địa điểm nổi tiếng dung dị, gần gũi. Làng Nôm nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Xuôi theo Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng khoảng 30km sẽ đến làng Nôm. Hoặc du khách cũng có thể di chuyển từ tuyến Quốc lộ 1, tuy nhiên khoảng cách sẽ xa hơn và đường nhỏ, tốc độ di chuyển cũng chậm hơn.
Làng Nôm có tuổi đời hàng trăm năm, thu hút nhiều khách du lịch thích khám phá, có niềm yêu mến với di sản và văn hóa làng quê Bắc bộ Việt Nam. Làng lưu giữ quần thể nhiều di tích cổ như đình Nôm Đại Đồng, cổng làng Nôm, chùa Linh Thông, cầu chín nhịp, chợ Nôm cổ.
Đình Nôm Đại Đồng mang đậm nét kiến trúc cổ, toát lên vẻ uy nghiêm, bề thế. Không gian xung quanh đình trồng cây si, cây đa rợp bóng. Phía trước đình có ao riêng (bên phải đình), cùng ao chung tạo thành thế phong thủy “minh đường tụ thủy”. Đình làng Nôm nổi tiếng cổ kính, thờ đức thánh Tam Giang có công đánh giặc Đông Hán. Khoác lên mình vẻ phong sương cùng những giá trị kiến trúc, văn hóa quý báu, ngôi đình là niềm tự hào của dân làng. Dọc bên hồ cạnh đình, nhiều nhà thờ họ Nguyễn, Trần, Lê rêu phong phủ màu thời gian cũng hấp dẫn du khách không kém.
Đình thiết kế hình chữ tam, trước cửa đình có cặp 'long chầu, tượng phục' làm tăng thêm dáng vẻ uy nghiêm, bề thế. Đình xây 5 gian đại bái, 3 gian chính đường. Nóc đình tạc tượng các linh vật quý giá như cặp cá chép tranh nhau bầu hồ lô vô cùng độc đáo. Đình lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị nghiên cứu về lịch sử.
Giếng và cổng Nôm cổ
Cạnh đình Nôm ngoài hồ còn có giếng cổ lâu đời, cũng được xây cùng thời gian với miếu. Đây là một trong 3 “giếng quý nghìn năm” rải rác khắp nơi trong làng. Trước đây phục vụ nhu cầu lấy nước của người dân là chủ yếu.
Bên cạnh đình Nôm, xuôi theo hồ chung sẽ tới cổng làng Nôm. Chiếc cổng này có tuổi đời hơn 100 năm, cho đến giờ vẫn chứng kiến sự qua lại, trưởng thành và rời xa của các thế hệ dân làng. Đặc biệt, dù đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ quyết liệt nhưng cổng làng vẫn còn giữ nguyên hiện trạng. Vì lẽ đó cho đến giờ, dân làng vẫn quyết định không trùng tu để lưu giữ chân thực nhất vẻ cổ kính của cổng Nôm, như một chứng nhân của lịch sử.
Cây cầu di sản chín nhịp của làng Nôm
Từ phía cổng nội làng Nôm, đi về phía bên tay trái ước chừng 100m sẽ tới cây cầu di sản chín nhịp của làng. Gọi cầu chín nhịp bởi cầu có đủ 9 nhịp cầu tạc hình mây bắc qua sông Nguyệt Đức, dẫn đến chùa Linh Thông. Cầu làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, khép khít. Mặt cầu rộng 2m, cả 2 bên thành cầu vẫn còn nguyên vẹn dù đã trải qua 200 năm phục vụ dân làng.
Chợ Nôm cổ
Đi qua cầu, đến bờ bên kia sông Nguyệt Đức, tản bộ chừng 100m nữa là tới chợ Nôm cổ. Chợ họp từ thời Lê trên bãi đất rộng ước chừng 2 mẫu đất (theo đo lường cũ). Chợ hiện giờ vẫn là địa điểm tập trung mua bán, giao thương quanh vùng, họp vào các ngày có số cuối 1, 4, 6, 9 hàng tháng.
Năm 1997, chợ được dựng lại nhưng chủ yếu vẫn họp và giữ nếp cổ cho đến tận ngày nay. Dù được xây bằng gạch đỏ, trải qua thời gian hư hại nhưng người dân cũng một mực lưu giữ di sản, tương tự cổng Nôm.
Chùa Nôm - đỉnh cao tạo tác và "hồn" tượng trăm năm
Chùa Nôm theo văn bia được xây dựng vào khoảng năm 1680, niên hiệu Chính Hòa thời Lê. Chùa bao gồm nhiều hạng mục công trình: Tam quan, gác chuông, gác trống, nhà Mẫu, nhà Tam bảo… quý giá nhất là tam quan, được xếp hạng vào một trong những "Tam quan chùa lớn và cao nhất Đông Nam Á".
Khắp các nơi trên cổng Tam quan chạm khắc nhiều hình tượng hoa sen, lân, gậy như ý, đao vân… vô cùng tinh xảo mà nếu như chỉ dùng từ đẹp đẽ sẽ không thể nào diễn tả được hết tính nghệ thuật, tỉ mẩn đến từng chi tiết dưới bàn tay của nghệ nhân xưa.
Chùa Nôm nổi tiếng xa gần với nhiều người yêu di sản còn bởi nơi đây lưu giữ hơn 122 pho tượng bằng đất nung quý báu. Kích cỡ các pho tượng khác nhau, tạo tác sinh động vô cùng, từ cử chỉ, nét biểu cảm, đường viền áo hay cả vật dụng đều chi tiết. Đáng chú ý, chùa trải qua nhiều trận lụt, nước ngập tượng nhiều ngày nhưng tượng không tan, vẫn giữ nguyên vẹn, qua đó thấy được trình độ của đôi bàn tay những người “thợ cả” xuất phát từ đất Hưng Yên.
Phố Hiến - tâm điểm di sản Hưng Yên
Từ làng Nôm, đi theo đường đến Phố Nối qua thị trấn Yên Mỹ, lại dọc theo tuyến cao tốc Hưng Yên – Thái Bình sẽ tới trung tâm phố Hiến, thành phố Hưng Yên.
Phố hiến xưa là một cảng giao thương nổi tiếng, đông đúc xa gần, họp đủ kẻ chợ, người buôn. Vậy nên ngoài trình độ quản lý, khai thác kinh tế - tập trung văn hóa, câu “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố hiến” còn lột tả cái sầm uất, đô hội của một đô thị cổ không thua kém kinh thành. Phố Hiến có tổng cộng 16 điểm di tích: Đền Mây, đền Kim Đằng, đền Bà Chúa Kho, đình An Vũ, đền Nam Hòa...
Văn miếu Xích Đằng
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình văn hóa tại phố Hiến là Văn miếu Xích Đằng, thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn thành phố Hưng Yên. Văn miếu xây dựng cuối thời Lê (thế kỷ 17), khoảng năm 1701 – là một trong những văn miếu lâu đời nhất cả nước. Xưa kia, nơi đây dùng để tổ chức các kỳ thi Hương hay tế bái xuân thu nhị kỳ và tụ điểm bình văn, thơ của nhiều thi sĩ, trí sĩ, tao nhân mặc khách. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn miếu còn dùng làm nơi hoạt động bí mật của Trung ương.
Văn miếu Xích Đằng tương tự như Văn miếu Quốc Tử Giám, thờ Khổng Tử - người sáng lập đạo Nho và “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An. Mặt tiền của Văn miếu hướng về phía Nam, nghi môn xây dựng khá đồ sộ, cho đến giờ đã rêu phong, cổ kính. Khuôn viên Văn miếu rộng chừng 6.000 m2, bao gồm tam quan, gác chuông, gác khánh, nhà tả vu, hữu vu (hiện đang dùng để giới thiệu, trưng bày các hiện vật liên quan đến ngành sư phạm tỉnh Hưng Yên). Sân văn Miếu khá rộng do dùng để tổ chức thi, giữa sân có đường thập đạo. Nội tự Văn miếu tỏa sáng bởi hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng đều sơn son thếp vàng.
Bia đá của Văn miếu là một trong số các hiện vật có giá trị, tạc danh các nhà khoa bảng. Trong số 9 bia có 8 bia tạc năm 1888 và 1 bia năm 1943, ghi rõ tên của 138 người đỗ đại khoa từ thời nhà Trần đến năm 1919. Hiện nay, Văn miếu vẫn là nơi tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động liên quan đến giáo dục, được tỉnh Hưng Yên đặc biệt lấy làm biểu tượng của tỉnh.
Từ Văn miếu Xích Đằng di chuyển vào trong thành phố Hưng Yên - trên trục các địa điểm di tích đình - đền phố Hiến, ta dễ dàng vào tham quan các đền như đền Trần, đền Cửu, đền Vực, chùa Chuông… nhưng có lẽ đặc sắc nhất vẫn là đền Mẫu phố Hiến.
Đền Mẫu Hưng Yên - Nơi thiêng chốn thực
Từ lâu đền Mẫu được xem là nơi ký thác tâm linh của nhiều người dân, đặc biệt là với những ai theo Tín ngưỡng thờ Mẫu. Đền mang dáng vẻ trầm mặc, nghiêm trang nhưng cũng rất gần gũi. Theo “Đại Năm nhất thống chí”, đền được xây dừng từ rất lâu vào đời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo (1279), nằm trên thế đất “ngọa long” mà tạo ra “Sơn Diễu Thủy” .
Trong đền, giữa sân là tổ liên hợp của 3 cây sanh, đa, si cổ thụ tuổi đời 700 năm có lẻ, phủ bóng hoàn toàn đền Mẫu, tăng vẻ u tịch cho đền. Đây là một trong những tổ hợp cây cổ thụ lâu đời nhất Bắc Bộ.
Trong đền có các tòa Đại bái, Tiền đường, Hậu cung lợp ngói vảy rồng, đao mái uốn cong, chạm đầu rồng nổi đẹp mắt. Từng cấu kiện của đền như các con rường, cột, cửa võng, vì nách chạm hình lá, hoa, rồng, phượng, lân tinh xảo, tựa như đang chuyển động rất đẹp mắt.
Hiện vật của đền Mẫu cũng toàn những di sản “lớp cụ lớp kỵ”, theo người dân kể lại có tượng Mẫu nét mặt đôn hậu, hai bà hầu cận Kim thị, Liễu thị niên đại thế kỷ 17, long sàng, long kỷ từ thế kỷ 18, cùng 15 đạo sắc phong trải khắp 2 triều đại Lê và Nguyễn.
Đền Mẫu phố Hiến được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia năm 1990, từ đó cho đến nay đền mở lại kỳ lễ hội đầu xuân thường niên (tháng 1 âm lịch) , thu hút rất nhiều khách du lịch.
Hưng Yên quả thực là một địa danh văn hóa xứng tầm di sản, đáng để đầu tư phát triển du lịch tâm linh. Thế mạnh của Hưng Yên không chỉ bởi cảnh vật đẹp, nếp xưa giàu truyền thống lâu đời mà chính con người Hưng Yên cũng đôn hậu, nồng nàn, mến khách – đặc biệt có ý thức bảo tồn di sản.
Uy Danh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ve-mien-di-san-hung-yen-du-khach-khong-nen-bo-lo-nhung-dia-diem-nao-a5086.html