Làng Nôm nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là một trong những làng cổ có truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng quý báu. Trải qua nhiều biến động lịch sử, làng vẫn còn lưu giữ được nề nếp, truyền thống lẫn di sản của cha ông bao đời.
Người dân ở đây cũng không rõ vì sao làng được gọi là làng Nôm, nhưng danh từ "Nôm" từ lâu đã gắn liền với đình, chùa chùa Nôm, chợ Nôm, cổng Nôm...
Là một trong những địa điểm "du lịch di sản" nổi tiếng thu hút khách thập phương - đình Nôm hay đình Đại Đồng đặc biệt gây ấn tượng với những người yêu văn hóa, thích tìm hiểu lịch sử và điền dã ngắn ngày tạm xa thủ đô.
Đình Nôm có tuổi đời hàng trăm năm, thờ Đức thánh Tam giang, một thuộc tướng dưới thời Hai Bà Trưng dẹp quân Đông Hán vào những năm 40. Trong đình còn để lại bản ghi tóm lược "Thần phả thượng đẳng Thánh Tam Giang" do người con của làng - ông Tạ Văn Đại chép lại vào năm 2005. Đại ý của thần phả kể về việc thánh Tam Giang là tướng theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, trên đường hành quân đi đánh giặc đến trại Đồng Cầu (thôn Đại Đồng ngày nay), ông cho binh sĩ đóng quân ở đây. Sau này khi thắng trận ông vẫn lấy Đồng Cầu làm đồn sở. Đến năm 43, giặc chiếm lại đất đai, thánh Tam Giang hi sinh cùng mẹ và vợ, người dân Đồng Cầu lập miếu thờ ông rồi hương hỏa không dứt cho đến ngày nay.
Đình Nôm mang những giá trị kiến trúc, văn hóa đặc biệt tiêu biểu cho truyền thống của các làng Bắc bộ nói chung và văn hóa xứ Kinh Bắc nói riêng. Đình uy nghiêm, bề thế, rêu phong phủ kín nhưng lại rất đỗi gẫn gũi.
Cũng như các làng khác, phía trước cổng đình thường trồng cây đa, cây si phủ bóng và có thêm hồ nước để đảm bảo các yếu tố "minh đường tụ thủy". Tuy nhiên, hồ chung ở làng Nôm trước cửa đình có diện tích rất lớn, dọc hai bên hồ còn xây dựng các nhà thờ họ Nguyễn, Trần, Lê khá khang trang, rêu phong không kém. Một số nhà thờ đã được xây dựng hơn 100 năm.
Đình Nôm thiết kế hình chữ tam, quay mặt hướng ra hồ chung. Trong đình, phía trước có năm gian đại bái, đằng sau có ba gian chính đường, tả vu - hữu vu thông nhau. Điều quý giá của đình nằm ở chỗ các vết phai thời gian khiến đình như trở thành một "nhân chứng sống kể câu chuyện làng". Chỉ bằng những vết lốm đốm trên từng cấu kiện, đình Nôm không khỏi khiến nhiều người cảm thán về dấu thời gian nơi đây.
Phía sau đình, một gò đất đụn lên, cùng với gò đất ở đầu làng gọi là gò "con Bống" giúp tạo thế "tiền án hậu chẩm" (che trước, dựa sau) kết hợp với minh đường (ao làng) trở thành bộ ba chân kiềng phong thủy, thể hiện sự tinh tế trong cách sắp đặt cũng như hi vọng của tiền nhân.
Khi bước chân đến địa hạt cổng đình, nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy những nét chấm phá đắc sắc trong thiết kế, cách sắp xếp cũng như hoa văn trang trí trên cửa, tường, câu đối, mái ngói và nóc đình.
Cặp long chầu và voi phục một trên một dưới chính là điểm nhấn khiến cảnh đình trở nên uy nghiêm hơn. Khác với các công trình đình làng khác, trên đỉnh mái đình Nôm có tạc một đôi cá chép tranh bầu hồ lô, đây là tượng trưng cho nét văn hóa đạo giáo thuở xa xưa. Hồ lô theo một vài tài liệu (như ở tháp đất nung đền Đậu An - Hưng Yên) là bảo vật đạo gia, cũng như là phép thử để giao thoa giữa trời và đất.
Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá cây hương, nhang án gỗ, câu đối, đại tự, sắc phong, thần tích, sập thờ, ngai thờ, kiệu…
Làng Nôm đã được công nhận Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia năm 2020. Trở thành địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch di sản.
Uy Danh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/dinh-nom-dai-dong-ve-dep-cua-kien-truc-co-kinh-hiem-hoi-con-sot-lai-a5044.html