Cũng như nhiều đầm sen khác nằm ở địa phận xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Oai, Hà Nội - vườn sen của chị Ngô Thị Mai Lan đang vào mùa... hết sen. Mặc dù sen đã tàn, nhưng theo chia sẻ của chị cùng nhiều chủ đầm sen xung quanh, đầm vẫn không thiếu khách đến chụp ảnh.
Vườn sen Mai Lan trồng các loại như sen Quan Âm, sữa dừa, jubawa, mây xanh, mùa hoa nở bắt đầu chủ yếu từ tháng 4 đến hết tháng 6. Từ tháng 7, sen bắt đầu tàn nhưng lác đác ở một vài góc đầm sen vẫn thắm – chưa hái hết nên vẫn có khách tới xin chụp.
Chị Mai Lan không thu phí chụp ảnh của khách tới đầm, lại tiếp đón niềm nở không yêu cầu phải mua bán gì nên đông đảo khách tìm về đầm sen của chị.
“Không đáng là bao, mình cảm thấy thế. Ở đây ai trồng sen cũng vậy cả, vườn của mình nằm ở gần mặt đường nên có thể kinh doanh thêm quán nước. Ngoài ra, khách đến chụp thường mua 1 bó sen để chụp cùng, xem như ủng hộ mình. Giá sen cũng thay đổi tùy vào mùa sen, giống sen, như sen mây xanh, sen Quan Âm mình bán giá 40 nghìn/bó, sen jubawa thì rẻ hơn, 30 nghìn/bó” - chị Mai Lan chia sẻ.
Thu nhập chính của đầm sen chủ yếu vẫn đến từ hoạt động buôn bán sen đến các chợ đầu mối. Nhưng một vài năm gần đây, xu thế chụp ảnh ở đầm sen nở rộ nên chị Mai Lan cùng mẹ đã đầu tư thêm – chủ yếu trang trí thêm, thay đổi cảnh quan xung quanh nhằm thu hút khách đến chụp ảnh.
Ở đầm sen đã có sẵn cầu, thuyền chở sen nên chị Mai Lan cùng mẹ chỉ cần mua thêm chum nước, xích đu, lọ hoa để trang trí. Tốn kém nhất cũng chỉ là gia cố nhà nổi giữa đầm sen để khách nghỉ ngơi, phóng tầm mắt ra khắp hồ sen.
Ngoài xã Vĩnh Quỳnh, các đầm sen khác như đầm sen Thanh Hà (Hà Đông), đầm sen Quan Sơn (Mỹ Đức), đầm sen Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), đầm sen Ninh Sở (Thường Tín)... vẫn còn sen nhưng vì thu phí, lại xa xôi nên nhiều người vẫn chọn đến đầm sen của chị Mai Lan chụp ảnh.
Khách chụp tại đầm đều miễn phí, nhưng để ủng hộ vườn cũng vì thái độ mến khách nên ai tới đây đều mua sen để làm đạo cụ, sau đó mang về cắm ở nhà.
"Mình chỉ là khách đi qua đầm thôi, vì thấy sen vẫn còn nở nên ghé vào chụp. Mình cảm thấy sen mây xanh ở đầm vẫn còn đẹp, chủ đầm lại rất mến khách, nhiệt tình, vừa giúp mình chụp ảnh, lại giúp mình gấp cánh sen mang về. Đầm sen có diện tích khá rộng, cầu bắc chắc chắn ra tận mép đầm nên mình an tâm hơn" - chị Tưởng Thị Trang (30 tuổi) cho biết.
Ngoài bán sen, chị Mai Lan còn bán thêm các sản phẩm khác như đài sen, hạt sen bóc sẵn, gấp cánh sen cho khách mua về và kinh doanh thêm quán nước. Vì có đầm sen nên việc buôn bán của chị cũng dễ dàng hơn, một vài người đến mắc võng, hóng gió và ngủ tại đầm sau khi chụp. Chị cho biết doanh thu của đầm vào những ngày cuối mùa dao động từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng, thời điểm này thu nhập chủ yếu là nhờ sản phẩm hạt sen bóc sẵn.
Chị Nguyễn Thúy (30 tuổi) là khách thường xuyên đến đầm cũng cho biết, công việc của chị liên quan đến hoa nên chị cũng hay đến đầm sen chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội: "Chủ đầm sen rất nhiệt tình, theo mình thấy những tháng cao điểm người đến chụp sen ở đây khá đông, hiện tại đã vãn đi nhiều nhưng mỗi ngày đều vẫn có khách đến chụp. Mình cũng thường giới thiệu bạn bè tới đây vì đầm khá rộng, đa dạng các loại sen và giá bán sen lẻ cho khách không đắt".
Còn anh Nguyễn Long (34 tuổi) chở theo vợ con tới đây để chụp ảnh, nhưng do thấy hạt sen bóc sẵn khá rẻ, tiện lợi nên mua về. "Hạt sen, tâm sen bóc sẵn đều có cả. Mình không hay chụp ảnh nhưng tiện có quán nước và võng ở đây, mình có thể chờ vợ con chụp ảnh chán chê rồi mới về cũng không thấy mệt" - Anh Long cho biết.
Hiện tại chị Mai Lan và mẹ vẫn thay nhau coi sóc đầm sen, sẵn sàng cho vụ sen mới. Có thể đến tháng 10 và tháng 11, đầm sen bắt đầu lên lứa mới, khách đổ về sẽ nhiều hơn nên chị còn dự tính bắt tay xây dựng một kênh riêng để quảng bá đầm sen.
Bài và ảnh: Uy Danh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/het-mua-sen-chu-dam-van-kiem-tien-trieu-moi-ngay-tu-khach-chup-a5037.html