Chùa Cầu Hội An hoàn thành trùng tu, dự kiến đón khách đầu tháng 8

Với việc hoàn thành trùng tu và mở cửa đón khách trở lại vào đầu tháng 8, Chùa Cầu hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm tham quan hấp dẫn, góp phần phát triển vào ngành du lịch của địa phương.

Sau hai năm kể từ 2022, việc trùng tu di tích Chùa Cầu đã hoàn thành tất cả các công đoạn quan trọng như gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, khung gỗ, mái; cải tạo hệ thống điện và chống mối cho công trình. Hiện tại, đơn vị tu bổ di tích thuộc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đang tiến hành tháo dỡ giàn giáo, mái che, tu bổ cảnh quan và làm sạch để sẵn sàng bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan.

chua-cau-hoi-an-hoan-thanh-trung-tu-du-kien-don-khach-dau-thang-8-064855856-1721575536.jpg
Phần giàn giáo che chắn công trình được tháo dỡ. Ảnh: Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.

Theo kế hoạch, Chùa Cầu sẽ được khánh thành vào ngày 3/8, trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20 năm 2024. Được biết, dự án tu bổ Chùa Cầu được UBND TP Hội An phê duyệt vào ngày 28/12/2022, với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Dù đã trải qua bảy lần trùng tu, nhưng đến năm 2022, Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng với phần mố cầu và trụ cầu bị nứt, lún; nhiều cột và kèo bị hỏng. 

Quá trình trùng tu kéo dài hơn một năm so với dự kiến do gặp nhiều tranh cãi về mặt cầu "cong hay thẳng" và các kiến trúc liên quan. Cũng vì vậy mà Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã phải tạm dừng công tác tu bổ để nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong thời gian trùng tu, Chùa Cầu vẫn mở cửa nhưng các hạng mục chính bị che kín bởi giàn giáo, khiến du khách không thể tham quan chi tiết công trình.

markus-winkler-qzgdis5w3li-unsplash-1721575714.jpg
Theo kế hoạch, Chùa Cầu sẽ được khánh thành vào ngày 3/8. Ảnh: Markus Winkler

Chùa Cầu nằm ở trung tâm phố cổ Hội An, được các thương nhân Nhật Bản khởi dựng giữa thế kỷ XVII. Công trình gồm phần cầu có mái che bắc qua một rạch nước trên sông Hoài. Về sau, một ngôi chùa được xây thêm ở phần cầu phía bắc nên được gọi là Chùa Cầu. Cây cầu này có kích thước dài 18m cùng mái che, với lối thiết kế bằng gỗ, cấu trúc chùa với phần trên là nhà, phần dưới là cầu, phần nền móng sử dụng các loại trụ đá. Kiến trúc Nhật Bản được thể hiện rõ nét ở phần mái che cầu kỳ, tại cửa chính có một tấm biển chạm nổi 3 chữ Hán là “Lai Kiều Viễn”.

Ngày 17/2/1990, chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia. Đồng thời, đây cũng chính biểu tượng du lịch của TP. Hội An, nơi được tạp chí du lịch Travel+Leisure bầu chọn là một trong những "thành phố đẹp nhất thế giới" đầu năm 2023.

Theo số liệu từ UBND tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch Quảng Nam đạt 4,6 triệu lượt (tăng 18% so với cùng kỳ). Trong đó tổng lượng khách đến Hội An đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt, tăng 32% so với cùng kỳ và khách nội địa đạt 417.000 lượt, tăng 4% so với cùng kỳ. Riêng khu di sản phố cổ Hội An đã tiếp đón khoảng 966.000 lượt khách mua vé và tham quan trong nửa đầu năm nay. 

Anh Thư (tổng hợp)

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/chua-cau-hoi-an-hoan-thanh-trung-tu-du-kien-don-khach-dau-thang-8-a5026.html