Cỗ cúng Sơn Trang - nét đẹp tình người miền Thượng

Mâm cỗ đầy đủ các thức vật, đủ mùi vị từ chua, chát, cay, mặn, ngọt, đắng... chan chứa tình cảm của người miền Thượng đã ký thác niềm tin của mình vào rừng xanh núi đỏ.

Danh từ "Thượng" từ lâu dùng để chỉ những vùng đất cao, là đồi núi giáp đồng bằng. Người miền thượng cũng vậy - họ là người dân tộc bản xứ đã quen với cuộc sống trên nương, trên non, có đời sống văn hóa - tình cảm, chọn ký thác niềm tin của mình vào đất mẹ, rừng núi thiêng liêng.

"Thượng ngàn" là khái niệm thường được nhắc đến trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, ám chỉ "phủ" hay "miền" rừng núi xanh thẳm, được cai quản bởi Người Mẹ xứ sở, Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

f7f48627ead7488911c638-1720692098.jpg
Cỗ Sơn Trang nhiều màu sắc, sản vật tốt tươi nhằm tri ân Người Mẹ của xứ sở.

Tín ngưỡng thờ Thượng Ngàn đã hình thành từ rất lâu, kể từ khi người Việt sinh sống trên rừng núi. Ở đó, họ được Mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng lúc còn đang sống và lúc mất đi lại trở về bình yên trong những tầng đất sâu.

Để đáp lại sự cho đi phóng khoáng của Mẹ thiên nhiên, nhiều dân tộc Thổ, Dao, Mán, Mường... khắp các vùng Hòa Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang đã có tập tục cúng Sơn Trang nhằm mục đích tri ân. Cỗ cúng Sơn Trang trở thành một nét văn hóa "uống nước nhớ nguồn" đặc sắc, mang đậm tính nhân văn, được truyền thừa từ đời này sang đời khác.

Theo như cố GS Ngô Đức Thịnh viết trong cuốn "Đạo Mẫu Việt Nam", mâm cúng Sơn Trang dành sự tri ân đặc biệt tới Thánh Mẫu Thượng Ngàn cùng các vị Thánh xuất hiện trên rừng núi, Bát Bộ Sơn Lâm và Thập Nhị Tiên Nàng.

e0b9fd54ada40ffa56b543-1720692098.jpg
Cỗ cúng có ý nghĩa biểu trưng, thường đi kèm với con số 13.

Sản vật trong mâm lễ cúng tùy điều kiện của người dâng, nhưng đều lấy con số 13 làm tiêu chuẩn. Ví dụ 13 con bún (bún hến), 13 con tôm, 13 con ốc, 13 con cua... Tại sao lại là số 13? Bởi chủ thể để dâng cỗ có 12 tiên cô và Thánh Mẫu, nên những vật phẩm nhỏ, xếp thành đĩa được đều phải chia làm 13 phần ứng với 13 lễ phẩm.

Một số vật phẩm khác có thể dâng lên như: Nem chua, nem thính, cá mắm, cơm nếp nương, cơm nếp cẩm, đậu phụ rán, khế chua, cùi dừa, mắm tôm... Đặc biệt nhất không được thiếu món măng, dù là măng nứa, măng tre, hay măng đắng, thậm chí canh măng, bởi như trong văn có hát:

Những đọt măng tre, măng nứa cô ưa.

Hay

Măng đắng rồi lại măng vầu

Măng gì cũng có ở nơi Thượng Ngàn.

Măng được xem như sản vật vùng rừng núi, món ăn này được thấy ở hầu hết các mâm cơm của bà con, dù lúc đói hay lúc no. Măng khi được muối cùng ớt cho hương vị mặn và cay nồng, kích thích vị giác. Bởi thế, nhiều người sau khi nếm thử món măng muối cay đều phải cảm thán vì độ... nịnh miệng mà nó mang lại.

Ngoài măng và các thức kể trên, đôi khi người ta còn dâng thêm một mâm tháp toàn dưa chuột, mướp đắng, sung chát, ớt cay, chanh chua với ngụ ý đa tầng, đa vị, cuộc sống tốt tươi lẫn có đủ trải nghiệm đắng cay, ngọt bùi.

8a2ddde9b11913474a0840-1720692098.jpg
Mâm cỗ không thể thiếu măng, từ măng tre, măng nứa, măng vầu, măng đắng...

Quay trở lại với mâm cúng Sơn Trang, mặc dù vật cúng đề huề nhưng sau cùng, hầu hết vật phẩm gia chủ hay người dâng sẽ không thụ hết - chỉ giữ lại một số ít lễ vật. Còn lại đều được chia cho người thân, bà con, thậm chí cả người hành hương. Sự san sẻ này có ý nghĩa đùm bọc to lớn "một miếng khi đói bằng một gói khi no" hay "lá lành đùm lá rách". 

Việc "chia lộc" cũng thể hiện sự quan tâm giữa người với người, đồng thời biểu trưng cho ân đức to lớn của Mẹ thiên nhiên dành cho vùng đất. Điều này trực tiếp thể hiện mối quan hệ canh tác (nông nghiệp), mua bán (giao thương) và cho tặng (tình thân hữu) - sản vật được luân chuyển đến tay người cần và ai cũng nhận một ít. Vậy nên nét đẹp từ cỗ cúng Sơn Trang vượt qua các quy tắc tâm linh, giúp làm gần gũi hơn tình cảm thôn bản, xóm làng.

2ca0395769a7cbf992b644-1720692098.jpg
Người dâng cỗ sẽ phát vật phẩm cho người thân và cả khách hành hương thể hiện tinh thần đùm bọc.

Sau cùng, khi đã cho đi vật lễ của mình, người con tiếp tục tìm về Mẹ thiên nhiên thỉnh cầu một mùa màng bội thu, hăng say lao động và sản xuất để cùng nhau phát triển, làm nên một kết nối bền chặt giữa thiên nhiên và con người.

Uy Danh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/co-cung-son-trang-net-dep-tinh-nguoi-mien-thuong-a4936.html