Tất tần tật những địa danh trên đồng tiền Việt Nam

Tiền tệ không chỉ là đơn vị giao thương mà còn thể hiện nét văn hóa độc đáo liên quan đến các địa danh nổi tiếng của Việt Nam.

Tiền Việt Nam - Việt Nam đồng không chỉ đơn giản để mua bán, trao đổi, giao thương trong đời sống thường ngày, mà sâu trong đó còn mang ý nghĩa biểu tượng, sự tự hào của người Việt Nam với cảnh vật, quê hương và xứ sở. Mỗi tờ tiền lại có hình ảnh đại diện về một danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử khác nhau, thể hiện tinh thần dân tộc.

Mệnh giá 500 nghìn đồng

Đây là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất đang được lưu hành của Việt Nam. Trên đồng tiền in hình một ngôi nhà thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt, Khu di tích lịch sử Kim Liên (làng Sen), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - chính là quê ngoại Bác Hồ, người cha già của dân tộc.

06721f59e48446da1f9516-1720511945.jpg

Không gian văn hóa khu di tích lưu giữ những hiện vật, tài liệu lịch sử quan trọng về thời niên thiếu mà Bác đã lớn lên cùng người thân trong gia đình.

Mệnh giá 200 nghìn đồng

Là tờ tiền có mệnh giá lớn thứ 2 hiện đang được lưu hành nhưng lại xuất hiện sau mệnh giá 500 nghìn đồng. 200 nghìn đồng mang màu chủ đạo đỏ và nâu, phát hành vào tháng 8/2006.

9e21880a73d7d18988c615-1720511945.jpg

Trên tờ tiền in hình vịnh Hạ Long, cụ thể là hòn Đỉnh Hương. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi khối đá đồ sộ này khiến người ta liên tưởng tới bát hương hay đỉnh hương ngoài trời thường thấy trong các ngôi đền. Hòn Đỉnh Hương thuộc vịnh Hạ Long được nhận xét như tác phẩm nghệ thuật vĩ đại tạo tác bởi thiên nhiên. 

Mệnh giá 100 nghìn đồng

Là tờ tiên có mệnh giá lớn thứ 3, phát hành năm 2004, thay cho tờ tiền cũ màu nâu chất liệu cotton phát hành năm 2000. 

e66f966474b9d6e78fa8-1720512027.jpg

Tờ tiền có màu xanh lá, in hình Khuê Văn Các thuộc di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Với vị thế là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu xây dựng năm 1070 thời vua Lý Nhân Tông, nơi đây thờ Khổng Tử và cho phép con cháu hoàng thân, hoàng tử tham gia học tập.

Khuê Văn Các in trên tờ 100 nghìn là biểu tượng đại diện cho khu di tích Văn Miếu và vườn Giám.

Mệnh giá 50 nghìn đồng

Tiền in hình Nghênh Lương Đình - Phu Văn Lâu nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế. Hai công trình này được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, có tác dụng khác nhau, một làm nơi nghỉ chân của vua mỗi khi có dịp đi xuống bến sông để lên thuyền rồng một để thực hiện bố cáo.

1df713eee8334a6d132214-1720511945.jpg

Nghênh Lương Đình được xây dựng vào năm 1852 dưới thời vua Tự Đức, trùng tu năm 1903 và đến năm 1918 thì được sử dụng vào mục đích nghỉ mát.

Trong khi đó Phu Văn Lâu là ngôi nhà 2 tầng nằm trên trục chính của Hoàng Thành, xây dựng năm 1819 dưới thời Gia Long, dùng làm nơi niêm yết chỉ dụ của hoàng đế, triều đình, đôi khi dán kết quả các kỳ thi.

Mệnh giá 20 nghìn đồng

Tờ tiền in hình chùa Cầu, một địa chỉ chụp ảnh mà bất cứ ai cũng phải đến mỗi khi tới phố cổ Hội An. Nhưng kỳ thực, lịch sử xây dựng cây cầu này lại có liên quan đến một thương nhân Nhật Bản cùng câu chuyện dân gian của người dân xứ Phù Tang về con quái vật gây động đất.

aa4ad2b0296d8b33d27c13-1720511945.jpg

Chùa Cầu nằm trên một cây cầu ngắn nối 2 bên bờ con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An. Công trình này do một thương nhân người Nhật Bản đứng ra khởi công xây dựng vào thế kỷ 17 nên có thời điểm người dân còn gọi cầu Nhật Bản. 

Truyền thuyết khác còn kể rằng, cây cầu có hình dạng như một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật cá trê Namazu. Theo dân gian Nhật Bản, con cá trê này to lớn đến mức mỗi khi quẫy đuôi sẽ gây ra động đất, sóng thần ảnh hưởng tới người dân. Cây cầu ban đầu mang nhiều nét kiến trúc xứ Phù Tang nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, nét văn hóa đó biến mất và được thay thế bằng kiến trúc Việt.

Mệnh giá 10 nghìn đồng

Tiền in hình mỏ dầu lớn nhất Việt Nam về trữ lượng - mỏ dầu Bạch Hổ, thuộc bồn trầm tích Cửu Long, cách Vũng Tàu khoảng 145km về phía Đông Nam.

3ea40544fe995cc7058812-1720511945.jpg

Trữ lượng dầu của mỏ Bạch Hổ được nhiều chuyên gia dự đoán rơi vào khoảng 300 triệu tấn.

Mệnh giá 5 nghìn đồng

In trên tờ tiền là nhà máy thủy điện Trị An - Đồng Nai. Công trình này không chỉ có ý nghĩa to lớn với kinh tế của đất nước mà còn thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô.

1346ae855558f706ae4911-1720511945.jpg

Nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 1991.

Mệnh giá 2 nghìn đồng

Nhà máy dệt Nam Định - từng là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương. Nơi đây chứng kiến sự ra đời và phát triển của phong trào cách mạng công nhân không ngừng nghỉ.

6bbdb0774baae9f4b0bb10-1720511945.jpg

Mệnh giá 2000 đồng được phát hành năm 1988 bằng chất liệu cotton và cho đến nay, trải qua 36 năm vẫn không thay đổi.

Mệnh giá 1 nghìn đồng

Ra đời vào năm 1989, tiền khắc họa cuộc sống lao động của người dân Tây Nguyên cùng voi lớn. Vùng đất này đang chứng kiến sự trỗi dậy của du lịch với ưu thế từ cảnh vật hoang sơ, đại ngàn xanh thẳm đến văn hóa các dân tộc lâu đời.

6d70e8d3130eb150e81f9-1720511945.jpg

Mệnh giá 5 trăm đồng

Một trong những tờ tiền có tuổi đời lâu nhất, sử dụng trong thời gian khá dài, không chỉ sử dụng trong với giao thương mà còn gắn với tuổi thơ nhiều thế hệ.

Bên cạnh đó tờ 500 đồng còn được dùng nhiều trong tâm linh, bởi có màu đỏ may mắn, mệnh giá thấp nên được dùng để công đức tại đền, chùa.

76f71b7afca65ef807b7-1720515623.jpg

Tờ tiền in hình cảng Hải Phòng, cảng biển lớn nhất miền Bắc.

Mệnh giá 2 trăm đồng

Không như nhiều người vẫn nghĩ, tờ tiền mệnh giá 200 đồng vẫn đang được lưu hành chứ không hề bị thu hồi hay biến mất trên bản đồ tiền tệ Việt Nam.

2de3a26e45b2e7ecbea3-1720515623.jpg

Tiền in hình thu hoạch lúa tại cánh đồng 5 tấn tỉnh Thái Bình.

Uy Danh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/tat-tan-tat-nhung-dia-danh-tren-dong-tien-viet-nam-a4909.html