Được biết, quán hủ tiếu của bà Thanh Hồng (68 tuổi) nằm tại hẻm 76A, đường Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, TP.HCM đã duy trì được khoảng 4 năm, đi cùng với cách bán độc đáo thả hủ tiếu từ tầng trên xuống.
Hủ tiếu được cho vào chiếc khay nhựa, đủ để chứa hai tô đầy ắp topping thơm ngon. Để tránh va đập và bảo vệ món ăn, phía dưới khay được lót một chiếc khăn mềm mại. Khi khách hàng đến, họ chỉ cần gọi to phần ăn mình muốn hoặc nhờ nhân viên phục vụ gọi giúp, bà Thanh Hồng ở tầng trên sẽ thả khay hủ tiếu xuống cho khách. Việc dọn dẹp, kêu món và tính tiền được giao cho con trai của bà phụ trách ở bên dưới.
Hình thức bán hàng này của bà Hồng xuất phát từ lúc bùng dịch Covid-19, khi mà giãn cách xa hội làm người dân không được tiếp xúc gần với nhau. Khi đó sức khỏe của bà cũng không được tốt. Do bếp nấu ăn đặt trên tầng, quá trình di chuyển xuống khó khăn nên bà nghĩ ra cách bán “độc lạ” trên.
Bà Hồng cho biết, thực khách chủ yếu là những người trong xóm, mỗi ngày bán được khoảng 40 tô. Thời gian gần đây do được nhiều người biết đến nên lượng khách tăng vọt, trung bình khoảng 70 tô một ngày.
Hủ tiếu của bà có 2 loại là hủ tiếu xương và thịt, được yêu thích nhất là hủ tiếu khô. Một tô hủ tiếu đầy ắp thịt đồng giá 30.000 đồng làm ai cũng ngạc nhiên. “Dù lời không nhiều nhưng được bán buôn, đi đi lại lại cũng làm tôi khỏe hơn là ngồi một chỗ, bán vậy mà vui”, bà Hồng cho biết.
“Thấy nhiều người lan tỏa quán của dì Ba (bà Hồng) nên tôi đến ăn thử. Thật sự bất ngờ vì lần đầu tiên tôi thấy được cách bán hàng độc đáo như vậy. Ấn tượng nhất phải kể đến tô hủ tiếu to bự lại đầy thịt, giá cả lại phải chăng”, bạn Mỹ Hậu (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ.
Là khách quen của quán, bạn Thanh Tú (hàng xóm) chia sẻ: “Tôi ăn hủ tiếu tại quán dì Ba lâu rồi. Đồ ăn ở đây ngon, giá lại mềm. Lúc trước quán cũng phục vụ ở tầng trệt như thường thấy. Từ lúc đổi sang hình thức mới này tôi thấy thú vị, còn chất lượng thì vẫn như xưa”.
Bà Hồng cho biết, xưa quê bà ở Trà Vinh, từ năm 1992 thì đến TP.HCM định cư đến giờ. Nghề bán hủ tiếu này bà nối nghiệp từ gia đình. “Cái nghề này là cha truyền con nối, tôi học được từ cha mình, bán đến giờ cũng vài chục năm rồi”, bà Hồng bộc bạch.
Bài, ảnh: Y Thanh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/doc-la-mon-hu-tieu-tha-tu-tren-troi-a4896.html