Phát huy tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe: Còn nhiều việc phải làm

Du lịch chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19. Với tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, điều kiện địa lý cùng nguồn tài nguyên địa chất - khoáng sản và dược liệu, Việt Nam hứa hẹn là một trong những “ngôi sao mới nổi” trong việc phát triển ngành Du lịch này.

0407du-lich-suc-khoe-1-1720059546.jpg
Người Dao đỏ khai thác lá thuốc chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên. Ảnh TL

Tiềm năng lớn

Loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe hiện khá thịnh hành trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, du lịch chăm sóc sức khỏe được hình thành dựa trên các hoạt động ngoài trời kết hợp với phương pháp trị liệu như tắm khoáng nóng, tắm bùn, xông hơi, thanh lọc, thải độc, thiền định, yoga, đi bộ... nhằm chăm sóc sức khỏe, đồng thời xoa dịu tinh thần, gia tăng khả năng chữa lành cho du khách.

Việt Nam được du khách nước ngoài đánh giá có nguồn tài nguyên nước khoáng đa dạng, có giá trị cao trong việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê của ngành Địa chất, cả nước có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, trong đó có 11 loại có tác dụng chữa bệnh. Nếu được đầu tư đúng cách, đây sẽ là những địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Không những vậy, Việt Nam còn có nền y học cổ truyền nổi tiếng trong khu vực, đó là nguồn tri thức dân gian của đồng bào các DTTS như Dao, Thái, Mường... sử dụng dược liệu để chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh. Theo thống kê, cả nước hiện có 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc Đông y. Đây chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần đa dạng hóa sản phẩm thành một thế mạnh trong loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Những khu nghỉ dưỡng trên núi, ven biển là gợi ý tốt cho phát triển dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Tiềm năng phát triển loại hình nghỉ dưỡng núi được người Pháp khai thác từ thế kỷ trước, đến nay vẫn còn dấu ấn tại Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bà Nà (Đà Nẵng)...

Dẫn đầu xu thế du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe là tỉnh Lào Cai đã gắn kết dược liệu với du lịch chăm sóc sức khỏe. Lào Cai có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu, phù hợp để phát triển thành sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

0407du-lich-suc-khoe-2-1720059656.jpg
Du khách trải nghiệm tắm suối khoáng tại Khu du lịch MEDI Thiên Sơn (Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội).

Bà Hồ Thị Bích Thủy, đại diện Công ty Cổ phần lữ hành Fiditour cho biết: Thời gian gần đây, nhiều du khách có nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền, xoa bóp, châm cứu hay tắm lá thuốc của người dân vùng cao. Mỗi loại thảo dược để phát huy tốt nhất công dụng phải có cách sơ chế khác nhau. Vậy nên, trong các tour du lịch, chúng tôi đều kết nối với các dịch vụ đó để mang lại sự hài lòng cho du khách.

Ở Lào Cai, sản phẩm nổi bật của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe là tắm lá thuốc của người Dao đỏ, với những loài thảo dược quý, hiếm mọc trên núi cao.

0407du-lich-suc-khoe-3-1720059716.jpg
Đến bản Tả Phìn (Sa Pa) trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao.

Cần có chính sách phát triển tổng thể

Dù sở hữu tiềm năng rất lớn nhưng quy mô và tính chất của du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển rời rạc, manh mún.

Lý giải về điều này, Tiến sĩ Dương Đình Hiền, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng: “Chúng ta chưa có chính sách phát triển tổng thể, thiếu cơ chế ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp; thiếu sự liên kết giữa ngành Du lịch với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Sự phát triển manh mún, tự phát của các đơn vị dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp hoặc lạm dụng, gây ảnh hưởng về nhiều mặt. Công tác quảng bá tiếp thị cho du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam ra quốc tế còn thiếu bài bản, khiến du lịch chăm sóc sức khỏe chưa phát triển xứng tầm”.

Để tháo gỡ rào cản nói trên, Tiến sĩ Dương Đình Hiền cho rằng, cần đánh giá một cách toàn diện khả năng phát triển mạng lưới du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, từng vùng miền. Đồng thời, cần xây dựng chính sách phát triển tổng thể, dài hơi về du lịch chăm sóc sức khỏe cùng với chiến lược phát triển du lịch chung của quốc gia.

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/phat-huy-tiem-nang-du-lich-cham-soc-suc-khoe-con-nhieu-viec-phai-lam-a4841.html