"Check in" phố lụa nghìn năm càng thêm trân quý tinh hoa nghề dệt

Người xưa có câu “the La, lụa Vạn...” là để chỉ cái tinh hoa và cái thần của người làm nghề dệt, mà Vạn Phúc là một trong những đại diện tiêu biểu với tuổi đời hơn 1.000 năm.

Làng lụa Vạn Phúc trước có tên Vạn Bảo, nhưng vì húy kỵ nên sau đổi thành Vạn Phúc. Làng được thành lập đã trên 1.000 năm và là một trong những làng nghề truyền thống danh giá đất Thăng Long. Người xưa có câu “the La, lụa Vạn...” là để chỉ cái tinh hoa và cái thần của người làm nghề dệt. Cùng thuộc quận Hà Đông, Hà Nội, La Khê nổi tiếng với nghề dệt the lụa, trong khi đó Vạn Phúc cũng vang danh là làng dệt lụa đẹp nhất ở Việt Nam.

38a73c8ae401415f181051-1722567546.jpg
Cổng làng Vạn Phúc nhìn vào phố lụa.

Làng lụa Vạn Phúc trong những năm gần đây bắt đầu đẩy mạnh công tác phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống. Song song với công việc đã theo dân làng cả nghìn năm, bước vào thời đại số - người dân trong làng cũng tích cực chuyển mình để tiếp đón du khách. Với mong muốn quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và cũng một phần tự hào nghề truyền thống, cả Hợp tác xã và Ban quản lý đã có nhiều chính sách kích cầu du lịch.

Không chỉ tập trung thu hút du khách lớn tuổi, nhờ vào chiến lược thúc đẩy du lịch mới, mà cụ thể là xây dựng cảnh quan đẹp đẽ, giàu cảm xúc... làng lụa Vạn Phúc đã thu hút cả đối tượng là các bạn trẻ tới tham quan. Dưới đây là một vài gợi ý cho du khách để có chuyến hành trình về thăm làng lụa vang danh Việt Nam được trọn vẹn:

Phường dệt

Đây là nơi đầu tiên du khách đặt chân đến khi bước qua cổng làng. Phường dệt nằm ngay bên cạnh Văn phòng HTX dệt lụa Vạn Phúc vừa là nơi giới thiệu văn hóa, trưng bày, buôn bán sản phẩm và dệt vải.

Phường dệt Vạn Phúc có diện tích lớn, bao gồm xưởng dệt của HTX, chủ yếu để khách tới tham quan tìm hiểu về nghề truyền thống và bên cạnh là khu trưng bày, buôn bán vải, lụa vân, các sản phẩm dệt từ đôi bàn tay nghệ nhân của HTX.

UBND phường Vạn Phúc, HTX dệt lụa Vạn Phúc và người dân trong làng đã đưa ra nhiều kế hoạch để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống. Cụ thể như thành lập các cơ quan như HTX “Vụn” art để tiếp xúc với giới trẻ, Công ty CP dệt Vạn Phúc để phát triển du lịch làm tour làng nghề... Đối với du lịch truyền thống, HTX cũng phối hợp cùng nhiều đơn vị cho ra các tour du lịch khám phá làng nghề, tìm hiểu nghề dệt, các bước dệt... Bên cạnh đó là tích cực tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, lập các fanpage, kênh tiktok riêng... để lan toả hình ảnh của làng nghề.

703edd5e05d5a08bf9c445-1722567660.jpg
Khu trưng bày, buôn bán vải, lụa vân, các sản phẩm dệt từ đôi bàn tay nghệ nhân của HTX.
4d76f07428ff8da1d4ee47-1722567660.jpg
Cảnh quan bên trong được bài trí đa sắc màu nhằm thu hút khách du lịch.
bf2c6551bdda188441cb43-1722567660.jpg
HTX đã phối hợp cùng nhiều đơn vị cho ra các tour du lịch khám phá làng nghề, tìm hiểu nghề dệt, các bước dệt... để phục vụ du khách.
3adab2ba6a31cf6f962049-1722567660.jpg
a43b3634eebf4be112ae46-1722567660.jpg
Sản phẩm của HTX dệt và nhiều nghệ nhân có độ tinh xảo cao, bắt mắt, chứa đựng kỹ thuật điêu luyện trong từng đường nét.
77ca3eb1e63a43641a2b44-1722567661.jpg
Một góc không gian trưng bày đẹp mắt trong làng lụa Vạn Phúc.

Vào những năm 2002, HTX dệt Vạn Phúc bắt đầu bắt tay vào công tác đổi mới, mục đích ban đầu nhằm tuyên truyền nghề dệt của làng. Thông qua các hội chợ như Hội chợ triển lãm Giảng Võ, Hội chợ các làng nghề truyền thống... Vạn Phúc chinh phục phần đông khách hàng, trở thành nơi tiếp đón của các hiệp hội nghề ở khắp nơi. Đáng chú ý, lụa Vạn Phúc đã từng hai lần được mang đi đấu xảo tại Paris năm 1921 và Marseille năm 1938.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không chỉ nổi tiếng với nghề dệt, cho ra vô vàn sản phẩm tinh tế, làng Vạn Phúc đồng thời cũng là ngôi làng giàu truyền thống cách mạng. Khi xưa, nhiều gia đình trong làng Vạn Phúc từng là nơi ở và hoạt động của cán bộ cách mạng. Đặc biệt, làng Vạn Phúc còn vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc vào cuối năm 1946.

Hiện tại ở làng lụa Vạn Phúc có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được biết, đền thờ Bác Hồ nhằm tri ân sự kiện ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác, đền thờ được phủ một màu xanh gần gũi, trồng thêm hoa sen - khiến người ta liên tưởng về làng Sen quê Bác.

37e3f89c2f178a49d30637-1722568676.jpg
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng lụa Vạn Phúc.
69b367b6b03d15634c2c38-1722568675.jpg
Đền thờ Bác Hồ được phủ một màu xanh gần gũi, trồng thêm hoa sen để tưởng nhớ về làng Sen quê Bác.
e08a4cf0947b3125686a41-1722568676.jpg
Không gian xanh xung quanh đền nối với HTX dệt Vạn Phúc.
dec137e7e06c45321c7d39-1722568676.jpg
Trước cửa đền có 2 khẩu thần công oai vệ, minh chứng cho tinh thần bất khuất của người Việt Nam ta.

Tư gia cố nghệ nhân Triệu Văn Mão

Ngoài phường dệt chính, làng Vạn Phúc còn rất nhiều xưởng dệt tư của nhân dân, một số xưởng đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng. Trong đó có gia đình cố Nghệ nhân Triệu Văn Mão với truyền thống làm nghề từ lâu đời.

Trước năm 1964, ông Mão đã nổi tiếng như một "tay dệt" xuất sắc, một cá nhân tinh hoa của làng nghề. Sau năm 1964, khi gia nhập vào HTX, gia đình ông Mão bắt tay cùng địa phương đưa sản phẩm dệt truyền thống xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Sản phẩm chủ đạo mà xưởng dệt Triệu Văn Mão làm ra phải kể đến lụa vân cao cấp.

e6562554fddf588101ce53-1722569452.jpg
Sản phẩm chủ đạo lụa vân cao cấp do xưởng dệt Triệu văn Mão làm ra.
7caffb8f2304865adf1556-1722569452.jpg
Hiện tại, con dâu Nghệ nhân, bà Nguyễn Thị Tâm đang điều hành xưởng dệt. Nơi đây trở thành điểm tham quan thường xuyên tiếp đón du khách và Hiệp hội các làng nghề Việt Nam.
ec66eb4933c2969ccfd354-1722569451.jpg
Cảnh quan trong nhà được bà giữ nguyên, ở đâu cũng thấy nong kén, vải thành phẩm và cả sợi đũi...
9533b61f6e94cbca928555-1722569452.jpg
Sản phẩm chủ lực của gia đình Nghệ nhân đều được bán trực tiếp ở đây. Bà Tâm là người đề xuất với bố chồng làm ra loại lụa vân mới với 7 phần tơ tằm 3 phần tơ bóng 2 màu, nhằm mục đích nâng cao tính cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp xưởng dệt của gia đình phát triển, có thể xuất khẩu sang Châu Âu mà còn đưa ra hướng đi mới cho cả HTX lẫn dân làng làm theo - đủ sức cạnh tranh cùng thị trường Trung Quốc.
c25c0876d0fd75a32cec52-1722569452.jpg
Từ cửa nhà cố Nghệ nhân Triệu Văn Mão, du khách có thể hướng thẳng ra phố Lụa, nơi buôn bán rất nhiều sản phẩm lụa từ giá bình dân đến cao cấp.

Đình vạn Phúc

Truyện kể rằng, xưa kia thiếp của Cao Biền (người Trung Quốc) là bà Lã Nương (người phụ nữ họ Lã) một lần đi qua nơi đây, thấy cảnh đẹp trù phú, tự nhiên bà quyết tâm ở lại và dạy dân làm nghề "con quay, cái cửi". Kể từ đó Lã Nương trở thành vị thần bảo hộ cho người dân và nghề dệt của làng, giúp làng nghề vượt qua bao thăng trầm của thời đại.

f563a49d7316d6488f0759-1722575062.jpg
Đình Vạn Phúc, nơi thờ Thành Hoàng làng Lã Nương - tổ nghề dệt Vạn Phúc. Đình cổ kính, phủ màu rêu phong, trước Đình có ao hoa súng nở rộ  khoe sắc vào mùa hè. Đây là địa điểm thường ghé tới của các chủ hàng vải lẫn khách tham quan chụp áo dài, áo ngũ thân...
45f2d20f0584a0daf99562-1722575062.jpg
Bình phong đá ngăn đình với ao, mang ý nghĩa "ẩn" đối nghịch với "hiển lộ" cho thấy cái ý nhị, kín đáo của tiền nhân.
6ade2e3af9b15cef05a0103-1722575062.jpg
Kiến trúc cổ và sân đình phủ màu rêu xanh biến nơi đây trở thành địa điểm chụp ảnh của du khách.
d33fe6c5314e9410cd5f61-1722575062.jpg
Ao súng trước sân đình nở rộ vào ngày hè, có cả súng thái và súng cá hồi, súng đỏ...
3e3abfed6866cd38947760-1722575062.jpg
Cạnh đình có cổng ngõ cổ số 33.
375805bcd23777692e26108-1722575511.jpg
Chợ cây Vạn Phúc là địa điểm khá thú vị, ở đây chuyên bán nhiều loại cây cảnh đẹp.

Phố ẩm thực Cầu Am và những món không nên bỏ lỡ

Phố lụa Vạn Phúc và các điểm tham quan tuy không quá xa nhau nhưng để đi hết du khách sẽ tốn không ít sức lực. Vì thế việc ghé vào các hàng quán ẩm thực nơi đây cũng là trải nghiệm đáng để thử.

Đầu ngõ 31 phố lụa, quán chè cô Vân nổi tiếng đã 20 năm nay, thường xuyên đón các nhóm du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức. Chè cô Vân đẹp mắt, vị ngọt thanh lạ miệng, đa dạng các thức quà như nếp dẻo, hoa cau, cốm dừa, bưởi nhài... Ngoài ra ở đây còn bán thêm bánh rán, bánh gối, trôi tàu thơm phức chắc chắn sẽ là trải nghiệm vị giác khó quên.

Từ quán chè cô Vân nhìn sang du khách sẽ nhìn thấy phố ẩm thực Cầu Am. Nơi đây nổi tiếng với các món nhậu, món nướng, đồ ăn vặt, phở, bún đa dạng, đặc biệt đông khách vào buổi tối lúc mở phố đi bộ. Du khách có thể nếm thử vị phở thanh ngọt Cảnh Hồng, ăn thử bún ếch Qua Cầu hoặc lai rai ngồi lâu ở quán Nhắng nướng khá thú vị.

0e93ee00398b9cd5c59a122-1722575506.jpg
Quán chè cô Vân nổi tiếng đã 20 năm nay, thường xuyên đón các nhóm du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức.
e34aced6195dbc03e54c124-1722575506.jpg
Quán phở Cảnh Hồng.
f599ae027989dcd78598120-1722575506.jpg
Dạo bộ trên cầu ngay phố ẩm thực Cầu Am vào buổi tối cũng mang đến trải nghiệm thú vị.

Bài và ảnh: Uy Danh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/check-in-pho-lua-nghin-nam-cang-them-tran-quy-tinh-hoa-nghe-det-a4820.html