Ẩm thực từ chiếc cối đá và món bánh canh đậm vị miền Tây

Trên mảnh đất Nam bộ, chiếc cối đá không chỉ đơn thuần là một dụng cụ, mà là bức tranh sống động ghi dấu những ký ức ẩm thực ngọt ngào của mỗi gia đình.

Tại vùng sông nước miền Tây, những chiếc cối đá cổ kính là minh chứng sống động về sinh hoạt bình dị và văn hóa dân gian thân thuộc của người dân xứ sở. Đây không chỉ là dụng cụ xay xát thô sơ mà còn là biểu tượng sâu sắc của nghề nghiệp, văn hóa và ẩm thực đậm đà bản sắc.

Mỗi chuyển động của cối đá, từng hạt gạo trắng tinh được ngâm qua đêm, đều góp phần tạo nên những món ăn truyền thống như bánh xèo, bánh ướt hay bánh canh... với hương vị vừa mộc mạc lại vừa tinh tế. Đó là dấu ấn không thể thiếu trong không gian bếp quê xưa, nơi lưu giữ những kỷ niệm ấm áp và hương vị chân quê.

22d8affe2ed4f8a045b1e17c7870c48f-1719817539.jpg
Hình ảnh chiếc cối đá quen thuộc của người dân Nam Bộ. Ảnh: SP 

Trong những ngôi nhà ba gian cổ kính, những chiếc cối đá mang theo dấu vết của thời gian, kể lại câu chuyện dài về những thế hệ dân làng. Nhìn vào chiếc cối đá, ta như được đưa trở về với những cảnh quan yên bình của miền Tây: những vườn cây trĩu quả, cánh đồng lúa xanh mướt và bến sông thơ mộng. Mỗi dấu vết trên cối đều gợi nhớ về một phần ký ức, làm sống dậy những hình ảnh và âm thanh của một thời xa xưa. Đó là hình ảnh những người mẹ, người bà với đôi tay thoăn thoắt xoay tròn chiếc cối. Đôi tay nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ ấy nắm chắc cối đá, lặng lẽ và tận tâm xay những hạt gạo trắng thành bột mịn. Ánh mắt chăm chú, khuôn mặt hằn rõ những nếp nhăn sâu, với nụ cười nhẹ trên môi, từng động tác đều mang đầy yêu thương và mong chờ vào một mẻ bột ngon. 

5ca3152d0046a218fb57-1719817768.jpg
Hình ảnh người bà thân quen bên chiếc cối đá xay bột, tạo ranhững món ăn động lòng người. Ảnh: THQN

Bột xay ra trắng mịn màng, mang hương thơm của đồng quê, khác hẳn những thứ bột ám mùi nắng ngoài hàng tạp hóa. Đó là nguồn cảm hứng bất tận cho những món ăn truyền thống như bánh xèo, bánh bột lọc, bánh lá… mỗi món ăn với hương vị tinh tế, đậm đà của quê hương. Cùng nhau thưởng thức, chúng ta nghe lại lời ru của chiếc cối đá, giữ mãi trong tim hương vị ngọt ngào của quá khứ.

Món bánh canh thịt vịt từ chiếc cối đá 

Tồn tại cùng với chiếc cối đá là lúc mà nghề làm bánh, xay bột vẫn còn là công việc hàng ngày của mỗi gia đình, mỗi người phụ nữ vùng quê. Hằng ngày vòng tròn của cối đều đặn xoay, mang lại những món ăn dân dã, đậm đà hồn quê. Trong đó, nồi bánh canh thịt vịt là một trong những món ăn mang đậm chất miệt vườn sông nước, từ quá trình chuẩn bị cho đến khi được thưởng thức, mỗi giai đoạn đều đong đầy yêu thương và tâm huyết. 

Khi nồi bánh canh được người thợ bắt lên mùi hành, mùi tỏi phi thơm ngào ngạt lan tỏa cả khuôn bếp. Mỗi sợi bánh canh bắt đầu từ chất liệu bột mịn màng, được làm từ những hạt gạo tinh túy ngâm qua đêm. Quá trình ngâm gạo không chỉ giúp hạt gạo mềm mại hơn mà còn làm tăng hương vị tự nhiên và dễ dàng giúp cho bánh canh sau này mềm và dai hơn.

Những hạt gạo ấy được cho vào chiếc cối đá, nơi mà nét đẹp cổ điển và kí ức của đồng quê hiện lên rõ ràng nhất. Đôi tay người thợ xoay tròn chiếc cối, nhịp nhàng và tỉ mỉ, tạo nên từng thớ bột trắng mịn màng, mang trong đó hương thơm ngào ngạt của quê hương.

eccb5421684aca14935b-1719817538.jpg
Sau khi xay, những hạt gạo quê trở thành thớ bột mịn màng. Ảnh: Esheep Kitchen

Từ bột mịn đã qua công đoạn xay, người thợ bắt đầu tạo hình cho từng con bánh canh. Người miền Tây làm bánh canh độc đáo lắm. Họ cán bột bám lên chai thủy tinh cho tròn, dầy đều rồi dùng dao cắt thành từng sợi bỏ vào nồi. 

Nước lèo nồi bánh canh thịt vịt là bí quyết để món ăn trở nên hấp dẫn. Nước được hầm từ thịt vịt thơm nồng, thêm gia vị như muối, tiêu, đường và một chút gia vị để tạo nên hương vị đậm đà, hấp dẫn. Những cọng bánh canh dẻo thơm được trụng qua nước sôi, sau đó yên vị trong nồi nước dùng thơm phức. 

86fcb6088a63283d7172-1719817539.jpg
Nồi bánh canh xắt thịt vịt thơm lừng cả góc bếp. Ảnh: Diễm Hiền

Khi thưởng thức, từng miếng thịt vịt thái mỏng mang đến cảm giác béo ngậy nhưng không ngán. Bánh canh được làm từ bột mịn màng, dai ngon, thấm đẫm hương vị nước lèo, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo giữa những hạt bột mềm mại và nước dùng đậm đà. Hương vị ngọt ngào ấy thấm đẫm mãi trong tâm trí những đứa con Nam Bộ, no bụng mà vẫn chưa đã thèm. 

tran-phung-1719817988.jpg
Bữa ăn quây quần bên nhau ấm áp. Ảnh: Trần Phụng 
46ea237f1f14bd4ae405-1719818012.jpg
Nồi bánh canh thịt vịt không chỉ là món ăn ngon mà còn là sự gắn kết tình cảm gia đình, là món quà tinh thần của người mẹ dành cho con cái và là nét đẹp truyền thống được nuôi dưỡng qua từng thế hệ. Ảnh: Diễm Hiền

Chiếc cối đá không chỉ là dụng cụ trong gia đình mà còn là nguồn gốc của những giá trị văn hóa sâu sắc. Qua chiếc cối đá, ta cảm nhận được hương vị của quá khứ, cảm nhận được vẻ đẹp bình dị và sự gắn kết mạnh mẽ của người dân vùng sông nước. 

Y Thanh

Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ki-uc-dat-phu-sa-am-thuc-tu-chiec-coi-da-va-mon-banh-canh-thit-vit-dam-tinh-que-a4810.html