Đúng 540 năm kể từ ngày vua Lê Thánh Tông cho xây dựng những tấm bia Đề danh Tiến sĩ đầu tiên. Trải qua biết bao thăng trầm thời đại, hiện tại Văn Miếu Quốc Tử Giám còn lưu giữ được 82 bia – ghi danh 1304 vị Tiến sĩ.
Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ có nhiều chuyển biến, thay đổi ứng với các thời đại. Rồng là linh vật cao quý, đứng đầu trong tứ linh (long, ly, quy, phượng) thường được hoàng gia sử dụng. Rồng trên bia đá vì thế được tạc khắc ở nơi cao như trán bia hoặc xung quanh diềm bia cho hết niềm tôn quý.
Đóng vai trò như một “sử liệu bằng đá” quý giá về mặt văn hóa, xã hội và giáo dục Việt Nam thời quân chủ, đây đồng thời cũng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bia Tiến sĩ phần nào thể hiện được tính sáng tạo, tay nghề chế tác cùng cách nhìn của tiền nhân – đặc biệt thông qua hình tượng rồng, tính nghệ thuật lại càng rõ nét.
Theo ông Trương Quốc Toàn – người chịu trách nhiệm thiết kế trưng bày “Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ”, rồng là linh vật tối cao, có nhiều biến hóa như rồng mây, rồng lửa, rồng cách điệu liên quan đến cây cỏ, mặt trời…
Hình tượng rồng trên trán bia thường thấy nhất là cặp rồng chầu mặt trời, bao quanh bởi mây lửa hay còn gọi “lưỡng long chầu nhật”. Từ năm 1717 trở đi nghệ nhân tạo tác bia bắt đầu phóng thích cảm quan nghệ thuật của mình, cho ra nhiều hình tượng rồng mới mẻ, tham chiếu đến các khía cạnh khác trong nội hàm văn hóa như rồng mây, rồng cây cỏ, rồng hoa văn… Điều này góp phần làm đa dạng các họa tiết trên bia, đẩy nghệ thuật lên một tầm cao mới, thoát ly khỏi khuôn mẫu thông thường.
“Chúng tôi vẫn cần nghiên cứu thêm hình tượng của rồng trên văn bia và tại sao chúng lại có sự thay đổi. Bia Tiến sĩ ở khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Unesco công nhận là “Di sản tư liệu của thế giới” thì những giá trị đó cũng nên được nhân loại biết đến, đặc biệt là với khách du lịch đến thăm Việt Nam” - ông Trương Quốc Toàn chia sẻ.
Đã hơn nửa thiên niên kỷ trôi qua, Bia Tiến sĩ bị không biết bao nhiêu ngoại lực tác động, song nhờ có kỹ thuật rập thác bản, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách khắc phục để “lần sờ” lại quá khứ, mở ra trang sử về xã hội quân chủ xưa.
Ông Toàn cũng cho biết thêm, hình tượng rồng trong phòng trưng bày không hề gò bó. Nhóm nghiên cứu còn phối hợp với các bạn trẻ năng động để “đồ họa hóa” hình ảnh của rồng lên các thiết bị số - phục vụ ngay tại phòng trưng bày khu Nhà Thái học. Thông qua tư duy của lớp trẻ cùng đồ họa, một lần nữa hình tượng rồng lại sáng lên, mang tính đương đại và gần gũi hơn với người dân lẫn khách du lịch.
Theo bạn T.Băng - sinh viên Đại học Kiến trúc cho biết, hình tượng rồng trên trán bia giúp bạn có thêm nhiều cảm xúc khi tìm hiểu về kiến trúc nhà cổ Việt Nam: "Em rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh của rồng trên trán bia. Rồng thường được chạm ở nóc đình, đền, phủ chầu mặt trời, hoặc chạm nổi trên các mái đao rất sinh động. Sự biến hóa của rồng không chỉ thể hiện các tính của người nghệ nhân mà cũng là sự chuyển biến cần thiết về thiết kễ cũng như một phần liên quan đến kiến trúc".
Ngoài rồng trên trán bia, phòng còn trưng bày các họa tiết rồng khác như “hội ngộ với rồng” mà theo ông Trương Quốc Toàn chia sẻ đây là cặp rồng chầu vào mặt trời (là chiếc gương). Ở đây khách tham quan có thể “trực tiếp selfie với rồng".
Buổi trưng bày mở cửa từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 26 tháng 8 tại khu Nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Bài và ảnh: Uy Danh
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/ha-noi-lan-dau-tien-trung-bay-hinh-tuong-rong-tren-bia-tien-si-tai-van-mieu-quoc-tu-giam-a4670.html