Phạm Thu Phương (sinh năm 1999), sinh ra ở Hưng Yên nhưng lớn lên ở khá nhiều tỉnh khác nhau do bố mẹ vào Nam làm kinh tế. Nơi cô ở lâu nhất là Bình Phước, 8 năm sau đó ra Hà Nội học đại học và làm việc. Cô nàng từng làm Marketing Executive cho một công ty đi đầu trong lĩnh vực nước ép lạnh trị liệu. Ngoài ra, Thu Phương cũng nhận làm marketing cho các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, giáo dục tại Vũng Tàu và Hà Nội. Thời điểm đó, thu nhập của cô khá cao, đủ để có cuộc sống ổn ở Hà Nội.
Tuy nhiên, cuối năm 2018, Thu Phương trải qua khá nhiều biến cố. Bố mẹ cô kinh doanh bị vỡ nợ, gia đình mỗi người một nơi. Khi đó, cô còn là sinh viên ở Hà Nội. Để có tiền học và sinh hoạt phí, Phương làm thêm hết việc này đến việc khác. 5 năm làm việc liên tục từ 5h sáng tới đêm, nhiều khi làm tới 2, 3h mới nghỉ, cô trả được hết khoản nợ vay đi học, chăm sóc mẹ ốm, để dành được một khoản nhỏ.
Khi kinh tế ổn hơn cũng là lúc Phương phát hiện sức khỏe của mình có vấn đề. Vì làm việc quá sức, Phương bị suy nhược cơ thể, ốm liên miên. Từ cuối năm 2022 đến năm 2023, không có tháng nào cô không phải vào viện, uống thuốc. Bạn bè lo lắng, khuyên cô hạn chế công việc để chăm lo sức khỏe nhưng nỗi lo lại ám ảnh lấy cô. Cô sợ lại nghèo đói như trước, sợ mẹ ốm không có tiền nên vẫn cố gắng làm việc.
Đến cuối năm 2023, người thân đột ngột qua đời khiến Phương suy sụp. Từ đó, cô quyết định nghỉ việc, lên kế hoạch đi một số tỉnh miền Trung, qua Tết sẽ đi miền Tây rồi quay về Bắc. Cô muốn tìm một nơi thực sự phù hợp để sống.
Nói về kế hoạch trước khi về Phú Yên, Thu Phương chia sẻ rằng cô đã chọn làm Marketing online mảng du lịch, khách sạn. Phương cũng chuẩn bị khoản tiền dự phòng cá nhân.
Điều cực quan trọng chính là tìm hiểu kỹ, sống thử ở địa phương để biết bản thân phù hợp với nơi nào nhất. Các ưu tiên của Phương chính là gần biển, nhiều cây xanh, thoáng đãng, ít khách du lịch để không bị quá ồn ào. Nơi ở gần bệnh viện hoặc tiện cho việc di chuyển đến bệnh viện vì tình hình sức khỏe của cô thời điểm đó không quá ổn định.
Phương cũng muốn nơi ở cách sân bay không quá xa vì trường hợp gia đình có việc khẩn cấp, mình có thể bay về nhanh. Mức sống thường ngày không quá cao, người dân địa phương thoải mái, hiền lành...
Từ 7/12/2023, cô bắt đầu thực hiện hành trình của mình. Tưởng rằng phải đi nhiều nơi mới tìm được chỗ phù hợp để sống, thế nhưng sau vài tuần ở Phú Yên, cô yêu luôn nơi này và chọn về đây ở dài hạn. Dù vậy, cô vẫn muốn đi thêm vài tỉnh nữa để cân đối quyết định. Phương đã đi qua hơn 20 tỉnh của Việt Nam, dựa theo cảm xúc và các đánh giá lý trí của cá nhân rồi lựa chọn Phú Yên làm nơi để sống hiện tại.
Đi đến đâu, cô cũng nhớ Phú Yên. Cô kể rằng chưa từng có cảm giác này khi ở quê nhà hay ở Hà Nội 7 năm: "Được về biển mình vui lắm, siêu hạnh phúc, mình còn xăm 1 hình lên cánh tay kỉ niệm ngày bay vào Phú Yên (cười)", Phương kể.
Sau Tết, cô rời thành phố Tuy Hòa, hẳn về làng chài Phú Thọ 3 (Lò 3), Đông Hòa vì không muốn bị ảnh hưởng bởi mùa du lịch, dù rằng Phú Yên chưa bị du lịch ồ ạt quá mức. Ở làng chài, Phương thuê được nhà rộng, biển ngay trước mặt, sinh hoạt lại thấp hơn phân nửa so với thành phố, người dân thì chân chất, hiền lành.
Được ở nơi có không khí trong lành, thoáng mát, ngày ngày đi tắm biển đắp cát, ăn đồ tươi sống, chỉ vài tháng sức khỏe cô cải thiện hẳn lên, xương khớp bớt đau, da giảm mụn, thuốc Tây, mỹ phẩm gần như không chạm tới. Điều mà khi ở Hà Nội cô chẳng biết bao giờ mới có được. Không chỉ vậy, cô còn may mắn được ở gần những người yêu môi trường, làm du lịch, giáo dục, làm nông nghiệp bền vững.
"Một trong những lý do mình chọn về Phú Yên ở hẳn sau hai tháng sống thử là sinh hoạt phí thấp. Bởi mình tự thấy bản thân là đứa giỏi kiếm hơn là tiết kiệm, giữ tiền. Trước ở Hà Nội, tháng nào chi tiêu một mình ít cũng khoảng 20 triệu đồng, chưa kể các khoản chi cho gia đình. Kiếm nhiều mà tiêu cũng nhiều nên hầu như không dư ra. Tệ nhất là khi mới đi làm, mình không rõ tiền đi đâu hết cả, sau này làm bảng ghi lại thu chi, mặc dù vẫn tiêu nhiều nhưng chí ít mình còn biết là tiêu cho cái gì.
Giờ về với biển, thu nhập giảm đi phân nửa nhưng mình vẫn thoải mái. Đồ ăn uống ở Phú Yên đã rẻ, ở khu Đông Hòa này giá còn tốt hơn. Rau tươi ngon chỉ khoảng 5, 7 nghìn một túi lớn, tôm cá tươi. Hay như cái bánh xèo đầy nhân này cũng chỉ vài nghìn, ít nhân hơn thậm chí chỉ ba nghìn. Ở đây, hàng quán hay dịch vụ cũng không có nhiều, mình không được dùng sẵn như trước mà phải tự thân vận động. Ví dụ trước uống nước ép chỉ việc mua rồi uống luôn, không phải làm gì cả thì nay phải tự ép, tốn công, tốn thời gian đổi lại tiết kiệm được vài triệu mỗi tháng.
Lúc mới tự làm mình cũng lười dữ lắm, giờ trộm vía giảm bớt rồi. Thấy người cũng bớt èo uột, rệu rạo phần nào, chắc có lẽ nhờ năng di chuyển, làm cái nọ cái kia hơn. Về làng chài, được ở cạnh những người dân giản dị, không hơn thua vật chất, sự đòi hỏi phải có cái này cái kia, sự cạnh tranh ngầm trong lòng mình vơi đi rất nhiều. Mình thấy đủ đầy, nhẹ nhõm hơn. Sáng làm việc, chiều đi đắp cát, tắm biển. Tối nghỉ ngơi", Thu Phương hạnh phúc nói về những tháng ngày ở Phú Yên.
Ở Phú Yên, ngoài những điểm đến nổi tiếng, Thu Phương cùng nhóm bạn còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn như:
Chuyện của lá: hái lá, phơi lá, rửa lá, vẽ trên đĩa lá, sử dụng đĩa lá thay thế đồ nhựa/ đĩa giấy 1 lần, ép lá thành đĩa. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giải pháp thay đổi tích cực...
Chuyện của làng: đi tham quan các cơ sở sản xuất truyền thống của làng chài Đông Hòa như nước mắm, bánh tráng, làm workshop chả ram tôm đất, vườn trồng xương rồng, thăm cơ sở sản xuất chế biến mỹ phẩm xương rồng, thăm lò gốm đất nung, trải nghiệm làm đồ đất nung...
Đi leo núi đá Bia
Tắm suối Hàn và leo thác
Lên cao nguyên Vân Hòa trồng cây, tham quan thiền viện Trúc Lâm trên đường đi, trưa tự nấu ăn, bung lều cắm trại và mắc võng ngủ...
Leo mũi Điện, thăm khu di tích Vũng Rô, tàu không số, ăn cơm tại bè nổi
Tham quan quanh thành phố Tuy Hòa ghé bảo tàng và tháp Nhạn, tháp Nghinh Phong, thưởng thức ẩm thực Tuy Hòa
Tham quan Hòn Yến ngắm san hô, ghềnh Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng
Tham quan một số các làng nghề khác thuộc huyện lân cận hoặc lên sông Hinh ghé buôn Lê Diêm, ăn cơm với người đồng bào và tham quan khu rừng tự nhiên với rừng cây công nghiệp
Hoạt động nhặt rác làm sạch bãi biển.
Bài: Đoàn Hòa - Ảnh: NVCC
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/sau-loat-bien-co-co-nang-9x-bo-ha-noi-ve-phu-yen-tan-huong-binh-yen-noi-lang-chai-nho-a4465.html