1. Chùa Bà Thiên Hậu
Còn gọi là chùa Bà chợ lớn vì tọa lạc ngay khu vực chợ lớn . Là ngôi chùa đã có tuổi đời hơn 200 năm, chùa Bà Thiên Hậu được xây dựng vào khoảng năm 1760 (thế kỷ XVIII) do nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành di cư sang Việt Nam góp công xây dựng nên. Được biết người Hoa thờ cúng bà Thiên Hậu Thánh Mẫu là để bày tỏ lòng biết ơn. Bởi họ tin rằng, việc di chuyển từ Quảng Đông, Trung Quốc đến với Việt Nam một cách bình yên và an toàn nhờ sự hiển linh của bà đã giúp họ vượt qua được mọi trở ngại, khó khăn để an cư lạc nghiệp.
Tương truyền rằng bà Thiên Hậu có tên là Lâm Mặc Nương, người đảo Mi Châu, Bồ Dương, Phúc Kiến. Bà sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Mẹ của bà phải mang thai 14 tháng mới hạ sinh. Sau đó, tám tuổi bà biết đọc, mười một tuổi bà tu theo Phật giáo. Mười ba tuổi, bà thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ "Nguyên vị bí quyết" và bà tìm được dưới giếng lạn một xấp cổ thư khác, rồi coi theo đó mà luyện tập đắc đạo, bà còn xem thiên văn trên biển cho ngư dân đảo Mi Châu. Một lần, cha bà tên Lâm Nguyện ngồi thuyền cùng hai anh trai (anh của bà), chở muối đi bán tỉnh Giang Tây, giữa đường thuyền lâm bão lớn...Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ và trong lúc ngủ đã xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ gọi bà thức giấc, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó, mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Đến năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu"
Ngôi chùa mang đậm kiến trúc và lối trang trí của người Hoa, nơi đây được xây dựng theo lối kiến trúc hình ấn bao gồm tổ hợp của 4 gian nhà kết nối lại với nhau sắp xếp theo hình chữ “quốc” hoặc chữ “khẩu”. Giữa các dãy nhà có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời) giúp không gian thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương. Vào ngày 22 đến 24/3 âm lịch hàng năm, thì nơi đây sẽ lễ vía Bà Thiên Hậu hàng năm thu hút đông đảo người Hoa và người Việt đến cúng bái ngoài ra nơi dây cũng thu hút nhiều du khách nước ngoài đến đây tham quan ngôi chùa cổ kính này. Hiện nay chùa Bà Thiên Hậu đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia bởi bộ văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Chùa Ngọc Hoàng
Chắc hẳn nếu là người quan tâm tin tức thì chắc bạn sẽ biết rằng nơi đây là nơi tổng thống Obama đã đến ghé thăm vào năm 2016. Chùa Ngọc Hoàng, hay còn gọi là Điện Ngọc Hoàng (Phước Hải Tự) tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Là một địa điểm nổi tiếng với người dân Sài Gòn hoặc với những người có sở thích vãn cảnh chùa. Ngôi chùa đã có lịch sử cả trăm năm, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, bởi một người Trung Quốc tế là Lưu Minh, tự Lưu Đạo Nguyên, vì vốn là một tín đồ của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo nên ông đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật và thờ Ngọc Hoàng cùng các vị thần trong tín ngưỡng Đạo giáo, khi ông rời quê hương sang Việt Nam sinh sống. Đến năm 1982, ngôi chùa này được hòa thượng Thích Vĩnh Khương (người Việt Nam) tiếp quản và từ đó đổi tên thành Phước Hải Tự.
Kiến trúc tại đây sở hữu nhiều đặc điểm của kiến trúc Trung Hoa này. Chùa sử dụng gạch nung đỏ với mái lợp ngói âm dương, bờ nóc, góc mái đều có tượng màu trang trí, đây chính là những điểm nổi bật nhất của phong cách kiến trúc đặc sắc Trung Hoa. Ngoài thờ Ngọc Hoàng, Phật và các vị thiên binh thì nơi đây còn thờ cúng vị Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ. Hàng năm tại đây thường tổ chức lễ Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, vì tương truyền là ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng đế thu hút nhiều người đến tham dự và cúng bái. Ngày 15 tháng 10 năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Và nếu chưa tham quan chùa Ngọc Hoàng thì tin chắc, nơi đây sẽ là một địa điểm tâm linh yên bình nhưng vẫn sẽ để lại trong bạn những ấn tượng khó phai.
3. Chùa Ông
Tọa lạc tại khu vực quận 5 của người hoa, chùa Ông hay còn được biết đến với cái tên Hội Quán Nghĩa An là ngôi chùa khá nổi tiếng ở khu vực quận 5. Chùa thờ vị Quan Công, nên được gọi là chùa Ông. Được xây dựng cách đây 3 thế kỷ tuy đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính ban đầu của ngôi chùa, chùa gồm nhiều dãy nhà khép kín vuông góc, tạo thành chữ “Quốc” hoặc chữ “Khẩu”, tại chính diện gồm tượng thờ, cột gỗ treo câu đối, bao lam, hoành phi và khám thờ được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Bên cạnh đó, màu sắc chủ đạo là màu đỏ càng thể hiện đậm nét văn hóa của người Hoa tại khu vực quận 5.
Chùa Ông thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm bái, nhất là vào dịp Tết Nguyên Tiêu và ngày vía Bạch Hổ. Ngày vía Bạch Hổ là ngày truyền thống trong văn hóa người Hoa. Đây là một trong những tập tục truyền thống của người Hoa với ý nghĩa cầu bình an, may mắn và xua đuổi những điều xui xẻo, những “kẻ tiểu nhân” đi theo phá rối mình. Những ngày này, chùa lúc nào cũng ấm mùi nhang khói xoắn ốc, tạo nên khung cảnh tôn nghiêm và yên bình.
Còn vào dịp Tết Âm lịch, chùa Ông là nơi tổ chức đấu đèn, phát lộc, ca kịch Phúc Kiến… tạo cảm giác rộn ràng, vui tươi. Thông thường sau khi hành hương, dâng lễ, nhiều người thường đến ngựa Xích Thố có treo chuông để chui qua bụng ngựa 3 vòng. Vì người ta tin rằng khi chui quan bụng Xích Thố cùng tiếng kêu leng keng và vang vọng của chuông vang lên sẽ xóa đi mọi xui xẻo, đem lại sự may mắn, tài lộc giúp cả năm được hanh thông, như ý.
4. Chùa Huê Nghiêm (Chùa Huê Nghiêm 2)
Nằm tại địa chỉ 299B Lương Định Của, Phường An Phú, TP.Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng và ra đời vào năm 1975 do thầy Thích Trí Quảng. Trước khi ngôi chùa được xây dựng thì phần đất chùa hiện tại được dùng để việc sản xuất lúa gạo cho tổ đình Huệ Nghiệm. Sau năm 1975, nơi này để cho chúng tăng và Phật tử có chổ tu tập nên thầy Thích Trí Quảng đã cho xây dựng thảo am và chùa Huệ Nghiêm 2. Đến tận năm 1998 thì ngôi cổ tự này mới chính thức được công nhận
Chùa Huê Nghiêm có kiến trúc vô cùng khang trang, rộng thoáng nên thu hút rất nhiều Phật tử và khách du lịch đến tham quan, tu học. Bên ngoài khuôn viêc có những bia đó có kích thước to, bên trên chạm khắc những điều răng của Đức Phật tạo nên sự độc đáo mà không phải ở bất kì ngôi chùa nào cũng có được. Nếu bên ngoài khuôn viên nổi bật với những nét chạm khắc đầy tinh xảo thì ngôi chánh điện độc đáo với lối kiến trúc theo phong cách chùa Việt và chùa Nhật Bản được cách tân vô cùng tinh tế và hiện đại. Không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp hữu hình có thể nhìn thấy mà cả tên gọi ở mỗi góc vườn khoảng sân đều được trụ trì chùa đặt theo tên của từng vị Bồ tát, Thánh tăng trong kinh Pháp Hoa tạo cảm giác linh thiêng và trang nghiêm. Và một trong những kiến trúc đặc sắc nhất ở ngôi cổ tự này được du khách đánh giá cao đó chỉnh là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở trước sân chùa. Bức tượng Quan Thế Âm cao đến 12m (đài cao 4m, tượng cao 8m) được chạm khắc vô cùng tinh xảo bằng đá hoa cương nguyên khối nặng đến 60 tấn được Hòa thượng Thích Tịnh Từ, viện chủ chùa Kim Sơn cúng dường vào năm 2003.
Đặc biệt, hằng năm vào dịp Đại lễ Phật đản vào tháng 4 âm lich thì chùa được Ban Đại diện Phật giáo quận 2 chọn làm nơi tập trung hành lễ cho tất cả các Tăng ni và Phật tử gần xa. Bên cạnh đó, khuôn viên chùa Huê Nghiêm vô cùng rộng rãi và thoáng mát với nhiều cây cảnh xanh tươi cùng nhiều tiểu cảnh sinh động toát lên vẽ đẹp trang nhã, thanh tịnh khiến du khách có thể tĩnh tâm bỏ lại sau lưng những muộn phiền.
5. Chùa Giác Lâm (Tổ Đình Giác Lâm)
Nằm trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình), Giác Lâm (còn gọi là chùa Cẩm Sơn) được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây năm 1744 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đây là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam, với kiến trúc chữ Tam gồm 3 dãy nhà ngang nối liền nhau: chính điện, giảng đường và trai đường. Kết cấu kiến trúc của chùa là hai nếp nhà tứ trụ bố trí theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng
Dưới thời thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành một trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả Nam Bộ. Đến năm 1873, dưới sự trụ trì của Thiền sư Minh Khiêm, chùa còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số sách Phật giáo.
Khi đến tham quan chùa Giác Lâm du khách sẽ được chiêm ngưỡng Bảo Tháp Xá Lợi, khu tháp mộ cổ cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác như: Bảo Tháp Xá Lợi: là tòa Bảo Tháp có hình lục giác 7 tầng được xây dựng lại năm 1970 theo bản thiết kế của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng. Đến năm 1975 thì tạm dừng, mãi đến năm 1993 mới được xây dựng tiếp. Bảo Tháp được hoàn thành năm 1994 cao 32,7m, rộng hơn 600m2, quay mặt về hướng Bắc.; Ba khu tháp mộ cổ: Các khu tháp mộ được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX thờ các thiền sư, hòa thượng và tu sĩ có nguyện vọng được chôn cất tại chùa.; Ngoài ra còn có các hiện vật quý: chùa Giác Lâm hiện lưu giữ 119 pho tượng. Nổi tiếng nhất là tượng Thích Ca bằng gỗ, tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng, hai tượng Thập Bát La Hán, tượng Ngũ Hiền,… Trong đó, bộ tượng Thập Bát La Hán là minh chứng rõ nét nhất về quá trình phát triển Phật giáo tại Nam Bộ, mang đặc điểm Phật giáo riêng biệt của người Việt. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều công trình chạm khắc gỗ quý như: bao lam chạm lộng, hoành phi, câu đối thếp vàng, bàn thờ và nhiều pháp khí, đồ thờ cổ,…
Vào những ngày lễ đặc biệt như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan,… chùa đón rất đông tăng ni Phật tử, du khách thập phương tới hành hương. Đến thăm chùa vào dịp này, du khách sẽ được lễ Phật, cầu bình an và chiêm ngưỡng nét cổ kính tại chùa. Ngoài ra, chùa còn có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng đặc biệt. Người dân thường xem ngày cưới chùa Giác Lâm, lễ phật, xin chữ ở chùa Giác Lâm cầu may,...
Nếu là một người thích tham quan, vãng cảnh chùa hay là một người ưa thích du lịch tâm linh của Phật Giáo hoặc là người thích tìm hiểu về các kiến trúc tôn giáo cổ mang tính lịch sử thì các địa điểm trên là những địa điểm đáng lui tới. Hy vọng bạn sẽ có được những trải nghiệm an yên tại những cảnh chùa trên.
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/diem-qua-nhung-ngoi-chua-co-nhat-sai-gon-a439.html