Bảo tồn giá trị di sản
Trong số 145 di tích của tỉnh được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia, 109 di tích cấp tỉnh), tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích các cụm tháp Chăm và phát huy tốt giá trị, thu hút nhiều du khách tìm đến, như: Tháp Đôi, Bánh Ít, Cánh Tiên, Dương Long. Cùng với đó, các di tích lịch sử, văn hóa, lịch sử cách mạng được phục hồi, trùng tu góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, tạo thêm điểm nhấn trong công tác bảo tồn di sản vật thể. Trong số này, nhiều di tích được xây dựng, tôn tạo trong những năm gần đây được du khách đưa vào “sổ tay” du lịch khi đến Bình Định, như: Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, di tích Chùa Bà…
Cùng với hệ thống di tích văn hóa, Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu về văn hóa của Bình Định.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Nhờ sự quan tâm của tỉnh, chúng tôi đã và đang từng bước số hóa thông tin hiện vật để phục vụ du khách đến tham quan bảo tàng, các điểm di tích do đơn vị quản lý. Bảo tàng cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích khác, như dạy lịch sử, kể chuyện lịch sử… để thu hút giới trẻ, nhất là học sinh đến tham quan, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của Bình Định, góp phần thực hiện hiệu quả định hướng giáo dục di sản văn hóa cho học sinh”.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh ngoài việc bảo tồn nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, cũng đang từng bước đưa di sản nghệ thuật truyền thống đến với du khách thông qua việc phối hợp với ngành Du lịch biểu diễn phục vụ du khách.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho hay: “Hai năm gần đây, Nhà hát là điểm đến thu hút học sinh, du khách đến tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của Bình Định. Để đáp ứng nhu cầu du khách, chúng tôi đã tạo mã QR tại phòng trưng bày hiện vật nghệ thuật tuồng, bài chòi; xây dựng các tiết mục nghệ thuật truyền thống biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch, trường học khi đến tham quan Nhà hát. Đơn vị cũng đang tính toán tạo thêm một số hoạt động để du khách trải nghiệm vẽ mặt nạ tuồng, mặc trang phục tuồng chụp ảnh, làm các sản phẩm móc khóa, mặt nạ tuồng… vừa quảng bá di sản, vừa phục vụ du lịch”.
TX Hoài Nhơn là địa phương điển hình trong bảo tồn di sản văn hóa. Cùng với việc quan tâm đầu tư đề nghị xếp hạng, nâng cấp, tôn tạo hệ thống di tích, thị xã còn chú trọng bảo tồn di sản nghệ thuật hát bội, võ cổ truyền, bài chòi, bả trạo để phục vụ du lịch. “Thị xã hiện có 25 di tích được xếp hạng đã và đang được đầu tư tôn tạo thêm; 17/17 xã, phường thành lập CLB bài chòi dân gian hoạt động ổn định; thành lập 1 CLB bài chòi thị xã, 1 đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên của thị xã hoạt động phục vụ nhân dân. Nghệ thuật bả trạo cũng được bảo tồn và đưa vào phục vụ du lịch tại xã Hoài Hải, đây cũng là bước tạo đà để TX Hoài Nhơn tiếp tục bảo tồn di sản gắn phát triển du lịch văn hóa”, ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT TX Hoài Nhơn, cho biết.
Gìn giữ đi đôi với phát huy
Ngoài 4 di sản văn hóa phi vật thể của Bình Định được công nhận, gồm: Hát bội, bài chòi, võ cổ truyền và Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, trên địa bàn tỉnh có nhiều lễ hội do Nhà nước tổ chức, cũng như cộng đồng dân cư gìn giữ, bảo tồn, mang nét đặc trưng riêng, như: Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội chợ Gò, một số lễ hội cầu ngư miền biển, lễ ăn cốm lúa mới của miền núi...
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha nhìn nhận: “Cộng đồng ngư dân miền biển Bình Định gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội cầu ngư gắn với nghệ thuật diễn xướng dân gian hát bả trạo, múa gươm mang nét riêng, đó cũng là vốn quý của Bình Định cần quan tâm bảo tồn, kế thừa và phát triển”.
Việc triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 1 (2021 - 2025) cũng góp phần bảo tồn các lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống… của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, ở thôn K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ không chỉ về vật chất mà còn động viên tinh thần để những nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ dân tộc… cho thế hệ trẻ kế thừa. Đồng bào dân tộc thiểu số mừng lắm, vì đã giúp chúng tôi vơi bớt nỗi lo nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình bị mai một”.
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa mang thương hiệu riêng của Bình Định, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tạ Xuân Chánh cho biết: Cùng với việc quy hoạch, tôn tạo, bảo vệ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh trong năm 2024 tiếp tục quan tâm tôn tạo Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Khu di tích Chiến thắng Núi Bà, di tích “Nước Mặn - Nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ”, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL phê duyệt cho khảo cổ, tiến tới trùng tu tháp Dương Long xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt. Với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, chúng tôi cũng đang tham mưu tỉnh xây dựng đề án bảo tồn nghệ thuật hát bội, bài chòi, nhất là chính sách cho nghệ nhân, đào tạo lớp trẻ kế thừa, thực hành di sản; cuối năm nay cũng sẽ hoàn thành hồ sơ khoa học Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/binh-dinh-bao-ton-tot-de-phat-trien-du-lich-van-hoa-a4221.html