Tham dự diễn đàn có Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu; Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các chuyên gia, giảng viên các trường đại học, đại diện doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh…
Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư và kinh nghiệm của các địa phương về vấn đề phát triển du lịch xanh và bền vững; từ đó tìm kiếm những giải pháp, cơ chế, định hướng để phát triển du lịch Khánh Hòa theo mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết liên quan của Quốc hội, Chính phủ…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Trong thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề tiếp nối thành công của giai đoạn trước, hình ảnh du lịch Khánh Hòa ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn và nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, du lịch hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như những vấn đề về quá tải cục bộ, tính mùa vụ, những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, điều tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh.
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. Vì vậy, tại diễn đàn, tỉnh Khánh Hòa mong muốn các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu sẽ đề xuất những cơ chế, chính sách, những giải pháp, định hướng để xây dựng du lịch Khánh Hòa là một ngành du lịch xanh và phát triển bền vững.
Du lịch xanh góp phần phát triển nền kinh tế xanh
Phát biểu định hướng tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương “Phát triển du lịch xanh và bền vững”. Đây là một trong những chuỗi các hoạt động xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nhằm tích cực triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là xu thế chung của thế giới nhằm đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định các nhiệm vụ chiến lược như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Đó là, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…
Cục trưởng nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính định hướng tài nguyên rõ rệt. Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài nguyên cũng như môi trường du lịch. Xu hướng tiêu dùng du lịch “xanh” ngày càng được quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương.
Theo nghiên cứu của Trip Advisor cho thấy 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Ðiều này khẳng định, du lịch “xanh” không những là sự bảo đảm cho phát triển bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi đi du lịch. Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc - UN Tourism đã xác định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là con đường phát triển quan trọng, cần thiết và tất yếu và nhấn mạnh vai trò của du lịch là một trong những nhân tố thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh.
Cục trưởng cho rằng, Khánh Hòa là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển… Khánh Hòa còn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển, có thể tiếp cận thuận lợi bằng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt. Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước.
Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của trung tâm du lịch biển đảo có nhiều ưu thế nổi trội, đặc biệt còn có những thách thức về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Chính vì vậy để đưa Khánh Hoà phát triển du lịch xanh và bền vững, trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của khu vực và thế giới, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Khánh Hoà cần quan tâm đến một số nội dung sau: (1) Tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh. (2) Đa dạng sản phẩm du lịch hướng tới đa dạng thị trường khách du lịch. (3) Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tương xứng với trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế. (4) Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến du lịch xanh, phát triển điểm đến du lịch thông minh, kiểm soát hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chất lượng môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xúc tiến, quảng bá du lịch xanh. (5) Nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp về du lịch xanh và bền vững.
Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ phát triển du lịch xanh, bền vững
Phát biểu tham luận tại diễn đàn về định hướng giải pháp chuyển đổi số hoạt động du lịch Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết: Về mặt chủ trương, Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách. Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng nền móng cho hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành với các nền tảng cốt lõi như: Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; Hệ thống thông tin điều hành du lịch; Hệ thống báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia; Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện; các website du lịch quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá du lịch...
Từ năm 2022, Trung tâm Thông tin du lịch đã xây dựng, ban hành tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch và triển khai nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn các sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác triển khai áp dụng các nền tảng số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Ông Hoàng Quốc Hòa nhấn mạnh, việc triển khai chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất theo định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khắc phục được tình trạng manh mún, thiếu liên kết, "trăm hoa đua nở", gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực và quan trọng nhất là tạo nên sức mạnh và hiệu quả cho toàn ngành du lịch. Đặc biệt, việc hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh sẽ góp phần thúc đẩy các xu hướng mới như chuyển đổi xanh trong du lịch, du lịch "net zero" không gây tổn hại đến môi trường.
Về định hướng chuyển đổi số trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch đề nghị ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa quyết liệt triển khai chuyển đổi số đồng bộ với hệ sinh thái chuyển đổi số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Tăng cường truyền thông, quảng bá du lịch trên nền tảng số. Ông Hòa cho biết, ngày 27/01/2024 vừa qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã hỗ trợ Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa xây dựng và cho ra mắt video clip "Nha Trang - Khanh Hoa: Touching your heart!" để quảng bá vẻ đẹp "Xứ Trầm - Biển Yến" đến với bạn bè, du khách quốc tế. Video clip đã được quảng bá rộng rãi trên tất cả các kênh truyền thông số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và đạt hơn 1 triệu lượt xem trên kênh YouTube chính thức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Đồng thời, Khánh Hòa cần đẩy mạnh kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia thông qua triển khai sử dụng nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch".; tích hợp dữ liệu vào cơ sở dữ liệu ngành du lịch. Khuyến khích chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch thông qua áp dụng Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; Áp dụng Hệ thống vé điện tử "Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức" tại các điểm tham quan du lịch, khu di tích, bảo tàng, các điểm vui chơi, giải trí...; Áp dụng Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (Multi-media guide) mang lại trải nghiệm khác biệt, độc đáo cho du khách.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp du lịch đã trình bày các tham luận và thảo luận xoay quanh các nội dung về xu hướng phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch kết hợp thể thao, di sản văn hóa, điện ảnh và con người với hướng đi xanh và bền vững trong việc phát triển du lịch tại Khánh Hòa. Trao đổi những kinh nghiệm trong việc vận hành hệ thống kinh doanh theo mô hình thân thiện, gần gũi môi trường; Chuyển đổi số hoạt động du lịch Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới; Tiềm năng, cơ hội đột phá phát triển du lịch xanh và bền vững tại Khánh Hòa…
Phát biểu tổng kết diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, sâu sắc và đầy trách nhiệm của các diễn giả, các nhà khoa học, các đại biểu. Đồng thời đề nghị Sở Du lịch chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ ngành liên quan hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý để hướng dẫn, tăng cường quản lý công tác phát triển du lịch xanh, bền vững để triển khai thực hiện; nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.
Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch; phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng lao động du lịch, tăng cường liên kết trong đào tạo; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương đáp ứng cho phát triển xanh và bền vững. Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ thực hiện công tác chuyển đổi số, du lịch thông minh trong hoạt động du lịch; xây dựng Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch; thực hiện số hóa điểm đến du lịch; thực hiện xây dựng bản đồ số du lịch Khánh Hòa phục vụ phát triển du lịch xanh và bền vững. Các sở, ngành địa phương liên quan tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thống nhất về các mặt nhận thức, triển khai, ý thức… từ các cấp đến cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và khách du lịch trong phát triển du lịch xanh, bền vững.
Anh Thư
Link nội dung: https://vntravel.org.vn/cuc-truong-nguyen-trung-khanh-du-lich-xanh-se-thuc-day-phat-trien-ben-vung-chat-luong-va-van-minh-a4139.html